Chuyện nghề trên đường tác nghiệp

Nghề báo vất vả, làm báo ngành GTVT càng gian khó hơn. Dù là bài chuyên sâu hay chỉ là một bản tin ngắn, PV Tạp chí GTVT luôn phải lăn lộn đến những công trình, hiện trường thường là xa xôi bởi sức hấp dẫn và nguồn cảm hứng nghề 'Đi trước mở đường'. Có không ít câu chuyện thú vị dở khóc, dở cười nâng bước hành trình tác nghiệp.

Chuyện về chiếc đòn gánh và đôi chân ở hải đăng Hạ Mai

Nhân viên trạm đèn (hải đăng) Hạ Mai gánh dầu trên quãng đường gần 1 km, dốc hơn 30 độ, qua 345 bậc thang

Nhân viên trạm đèn (hải đăng) Hạ Mai gánh dầu trên quãng đường gần 1 km, dốc hơn 30 độ, qua 345 bậc thang

Hôm đó, đặt chân lên đảo Hạ Mai (xã đảo Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) trời đã tối hẳn. Trên đảo không điện lưới, không dân. Từ chân núi, sát mặt biển, nhà báo Minh Thành cùng một số cán bộ Xí nghiệp Bảo đảm An toàn hàng hải Đông Bắc Bộ cuốc bộ lên trạm đèn (hải đăng) Hạ Mai.

Quãng đường dài gần 1 km với độ dốc hơn 30 độ, xuyên qua cánh rừng nguyên sinh là 345 bậc thang. Nhu yếu phẩm tiếp tế đều phải tập kết ở chân núi, sau đó chia nhỏ rồi mới được mang vác, gánh gồng lên trạm. Tất cả đều cõng bằng sức người...

Cạnh mép nước chừng chục mét có một nhà kho, nơi anh em tập kết nhu yếu phẩm và đặc biệt là những can, thùng dầu diesel để chạy máy phát điện trên trạm, phục vụ quản lý, vận hành đèn và đời sống anh em. Ở đó có sự hiện diện của một đồ vật rất đặc biệt - chiếc đòn gánh. Để đưa lương thực, thực phẩm, dầu diesel từ chân núi, vượt qua 345 bậc thang, dốc, chiếc đòn gánh là vật bất ly thân của anh em trạm đèn Hạ Mai.

Những can dầu 20 lít được anh em căn chỉnh làm sao chỉ sang chiết vào đó chừng 10 lít mỗi bên, sau đó mới gánh lên trạm. Lương thực, thực phẩm cũng thế, 10 kg như là một cái mốc định sẵn, cho vừa sức người, vừa quãng đường dài và dốc.

Nhà báo Minh Thành tác nghiệp bên ngọn hải đăng Hạ Mai

Nhà báo Minh Thành tác nghiệp bên ngọn hải đăng Hạ Mai

"Trời chuyển về đêm, con đường nhỏ với hàng trăm bậc thang dẫn sâu hun hút, xuyên qua khu rừng tĩnh lặng, chỉ còn nghe tiếng bước chân, côn trùng. Đặt chân lên đảo rét là thế mà dọc đường tôi và mấy anh em Xí nghiệp chốc chốc lại phải dừng lại nghỉ, chân mỏi nhừ, đầu gối như muốn khuỵu xuống. Mồ hôi bắt đầu toát ra, những lớp áo khoác lần lượt phải cởi bỏ.

Cũng may, trên người chúng tôi khi đó chỉ có chiếc ba lô nhỏ, vài tập tài liệu. Còn với anh em trạm hải đăng Hạ Mai, hàng ngày họ phải vác hoặc gánh cả chục kg dầu, lương thực, thực phẩm vượt qua 345 bậc thang dốc...", nhà báo Minh Thành nhớ lại trải nghiệm vào những ngày giáp Tết Quý Mão 2023.

"Đều phải dùng sức người nhà báo ạ", anh Nguyễn Hồng Tuyên, Trạm trưởng Trạm đèn Hạ Mai nói và đọc hai câu thơ anh em trạm đèn ví von: "Yên Tử có cái cáp treo/Hạ Mai có cái cáp trèo... bằng chân".

Tác nghiệp xong, thẻ nhớ máy ảnh trống rỗng

Nhà báo Văn Quyết trên công trường dự án sân bay Long Thành

Nhà báo Văn Quyết trên công trường dự án sân bay Long Thành

Công tác tại bộ phận thường trú, được phân công theo dõi về lĩnh vực tin tức thời sự ngành GTVT khu vực phía Nam nên vào các dịp cao điểm lễ, tết cũng là những ngày tin, bài thời sự đòi hỏi nhà báo Văn Quyết phải cập nhật liên tục ở các điểm "nóng" giao thông.

"Đã gần 10 năm nhưng tôi vẫn không thể nào quên được kỷ niệm dịp nghỉ lễ 2/9 năm 2016 khi tôi mới chập chững vào nghề được giao nhiệm vụ cập nhật tình hình giao thông đi lại của người dân khu vực TP. Hồ Chí Minh. Ngay từ sáng sớm, tôi đã xách ba lô chạy xe máy đến bến xe, sân bay, ga tàu... với mong muốn sẽ ghi nhận được những hình ảnh, thông tin mới nhất về tình hình giao thông và người dân về quê, đi chơi lễ.

Với tinh thần háo hức lên cao, chẳng mấy chốc tôi đã ghi nhận khá đầy đủ thông tin, số liệu cũng như chụp hàng trăm bức ảnh. Mọi thứ đều diễn ra rất thuận lợi cho đến khi tôi chạy xe tấp vào quán cà phê lấy thẻ nhớ ra để lựa chọn hình ảnh viết bài thì bất ngờ trên màn hình trống rỗng, không có bất kỳ một thông tin, dữ liệu nào. Kiểm tra thì máy báo thẻ nhớ bị lỗi vi-rút nên không thể đọc được các hình ảnh vừa mới chụp", nhà báo Văn Quyết nhớ lại kỷ niệm tác nghiệp dở khóc dở cười.

Cùng thời điểm đó, Trưởng văn phòng đại diện gọi điện thúc giục gửi thông tin, hình ảnh để cập nhật lên hệ thống tạp chí điện tử. Anh Quyết như đứng hình bởi chưa biết xử lý thế nào, trong đầu đặt giả định nếu giờ chạy đi chụp lại thì sẽ không kịp vì mất nhiều thời gian và không còn tính thời sự. Đang loay xoay nhìn trên máy tính thì anh chợt nhớ ra là khi tác nghiệp mình có chụp "sơ cua" bằng điện thoại nên vội vã mở điện thoại ra chọn những tấm hình sáng nét, bao quát đầy đủ thông tin về tình hình giao thông gửi lên hệ thống CMS (mặc dù không đẹp bằng chụp máy ảnh).

"Đó là sự cố "dở khóc, dở cười" mà tôi nghĩ không chỉ xảy ra với riêng tôi mà nhiều phóng viên khác cũng đã từng trải qua. Rút kinh nghiệm những lần tác nghiệp về sau, tôi luôn kiểm tra máy móc, thẻ nhớ thật kỹ trước khi đi làm, chụp xong là copy ngay vào máy tính để phòng trường hợp xấu nhất có thể xảy ra hoặc luôn phải dùng điện thoại chụp hình, quay video để dự phòng", nhà báo Văn Quyết kể.

Cắt đuôi "chim lợn" cùng CSGT mật phục xe quá tải

Nhà báo Văn Huế lưu lại khoảnh khắc với 2 cán bộ, chiến sĩ Đội CSGT Đường bộ số 1 (tỉnh Yên Bái)

Nhà báo Văn Huế lưu lại khoảnh khắc với 2 cán bộ, chiến sĩ Đội CSGT Đường bộ số 1 (tỉnh Yên Bái)

Đầu năm 2024, nhà báo Văn Huế có dịp theo chân tổ công tác gồm hơn 10 cán bộ, chiến sĩ thuộc Đội CSGT Đường bộ số 1, Phòng CSGT Công an tỉnh Yên Bái thực hiện kiểm tra xử lý xe chở quá tải trọng trên tuyến QL70 qua địa bàn thị trấn Yên Bình (tỉnh Yên Bái).

Sau khi bàn bạc và đi đến thống nhất, tổ công tác quyết định thực hiện phương án cắm chốt kết hợp hóa trang tuần tra trên QL70 để phát hiện và xử lý xe quá tải. Điều kỳ lạ, chỉ mấy chục phút trước, các xe tải hạng nặng, xe "hổ vồ" còn chạy rầm rập trên tuyến đường nhưng khi thấy bóng dáng CSGT thì tuyến đường bỗng vắng vẻ lạ thường. Cùng lúc đó, một số đối tượng giả làm xe ôm tiếp cận tổ công tác, thậm chí còn bí mật theo dõi nhất cử nhất động của lực lượng thi hành công vụ.

"Nhận thấy điều bất thường, Thượng tá Nguyễn Quang Hưng, Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Yên Bái lập tức chỉ đạo tổ công tác áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, đi xe bồ câu dọc các tuyến QL70, vào các đường nhánh để nắm tình hình thì xuất hiện một số xe "hổ vồ", xe đầu kéo chở vật liệu xây dựng có "ngọn", thậm chí có những lái xe cố tình bật nắp ca-pô giả vờ là xe hỏng.

Lúc này, lực lượng CSGT lần lượt yêu cầu các tài xế xe tải ra vị trí chốt kiểm tra để tiến hành cân kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm chở quá tải trọng quy định", nhà báo Văn Huế nhớ lại và cho biết, đối với việc xử lý xe tải "hổ vồ", xe đầu kéo chở vật liệu xây dựng, chỉ cần biết tổ công tác làm ở vị trí nào, các tài xế sẽ báo nhau, xe nào đang chạy trên tuyến sẽ "trốn" ở ven đường, xe thì đỗ ngay trong điểm lấy hàng, rồi cho người làm "chim lợn" bám theo tổ công tác.

"Để công tác kiểm tra xử lý mang lại hiệu quả, lực lượng CSGT Công an tỉnh Yên Bái đã phải áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, đánh lạc hướng, cắt đuôi "chim lợn", tiến hành xử lý đối với các trường hợp xe tải "hổ vồ", xe tải đầu kéo chở quá tải lưu thông trên địa bàn", nhà báo Văn Huế chia sẻ thêm.

Nhóm PV

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/chuyen-nghe-tren-duong-tac-nghiep-183240617110258392.htm