Chuyện người trẻ 'lười yêu' - Bài 1: Cô đơn trên sofa

Giới trẻ ngày nay phải đối mặt với nhiều áp lực từ công việc, học hành và sự cạnh tranh trong xã hội. Điều này khiến họ ưu tiên thời gian cho sự nghiệp hoặc các mục tiêu cá nhân hơn là dành cho tình yêu. Hiện tượng giới trẻ 'lười yêu' đang trở thành một chủ đề được quan tâm trong xã hội hiện đại.

Chạy đua theo những cột mốc mua nhà, mua xe, thăng tiến, ngày càng nhiều người trẻ đang dần tìm thấy niềm vui và sự thỏa mãn từ những mục tiêu khác thay vì hẹn hò. Số khác mong muốn tìm một nửa của đời mình thì cũng vội dập tắt ý định vì đồng lương ít ỏi, công việc nặng nhọc.

Trái tim đặt trong… công việc

Tối thứ Bảy, Linh Thảo (32 tuổi, sống tại quận 7, TPHCM, trưởng phòng marketing của một công ty công nghệ) kết thúc một tuần làm việc căng thẳng, rã rời lái xe ô tô trở về căn hộ của mình. Cô chậm rãi tận hưởng cuối tuần bằng một bữa cơm đơn giản tự nấu, ngả lưng trên sofa, bật tivi và xem phim trên nền tảng trực tuyến quen thuộc. Không có bạn bè, không có những cuộc hẹn hò lãng mạn, chỉ có Thảo, 4 bức tường, bộ sofa và màn hình tivi.

Từng nghĩ đến việc yêu đương, nhưng dần thấy công việc đem lại cảm giác thỏa mãn nhiều hơn nên cô đẩy chuyện tình cảm xuống cuối danh sách ưu tiên. “Yêu đương phức tạp quá, vừa tốn thời gian vừa dễ bị tổn thương. Tôi dành phần lớn thời gian cho công việc và học thêm ngoại ngữ, vừa để kiếm tiền vừa phát triển bản thân. Khi rảnh, tôi chỉ muốn nghỉ ngơi, không muốn gặp gỡ ai cả”, Thảo nói về lý do không lựa chọn yêu đương.

Linh Thảo không phải là người duy nhất có suy nghĩ này. Ở những siêu đô thị như Hà Nội và TPHCM, câu chuyện về những người trẻ lười yêu đang dần trở nên phổ biến. Một bản hit gần đây của ca sĩ Hồ Ngọc Hà đề cập đến hình ảnh một người trẻ ngồi lặng lẽ trên chiếc sofa trong căn hộ sang trọng, giữa ánh đèn lung linh của thành phố trở thành biểu tượng cho một thực tế: Họ có công việc tốt, thu nhập cao, cuộc sống độc lập và tự do. Nhưng ngay tại đó, giữa những quy chuẩn thành công được xã hội gắn mác, cảm giác cô đơn và trống vắng bắt đầu len lỏi trong tâm hồn mỗi người.

Huy Minh (28 tuổi, làm việc trong lĩnh vực công nghệ tại TPHCM) cũng là một trường hợp “ế” lâu năm. Công việc thu nhập ổn định, cơ hội thăng tiến cao là lý do khiến chàng trai này không quá bận tâm đến chuyện yêu đương, dù nhiều lần bị bố mẹ thúc giục. Chứng kiến những đám cưới đẹp như mơ của bạn bè, chàng trai này cũng ao ước sớm tìm thấy mảnh ghép phù hợp cho mình. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, các cặp đôi lại thông báo ly hôn vì bất đồng quan điểm khiến Minh càng quyết tâm theo đuổi sự nghiệp, bởi “chỉ có công việc là không bỏ rơi mình”.

Hình ảnh “cô đơn trên sofa” đang dần trở nên phổ biến Ảnh: Phú Quang

Hình ảnh “cô đơn trên sofa” đang dần trở nên phổ biến Ảnh: Phú Quang

Là nam giới, Minh muốn tự chủ tài chính để khi lập gia đình, anh không phải loay hoay đối diện với bài toán cơm áo gạo tiền. “Để sống tại một nơi đắt đỏ như TPHCM, kiếm tiền phải là ưu tiên hàng đầu. Yêu đương có thể làm sau, nhưng công việc và tiền bạc thì không đợi được”, Minh bộc bạch.

Vùi đầu vào công việc, thăng tiến lên chức quản lý sau 8 năm ra trường, Thanh Mai (30 tuổi, quận Bình Thạnh, TPHCM) lựa chọn chi hơn 60 triệu đồng để trữ đông trứng. Mai tìm hiểu về việc này từ nửa năm nay và bắt đầu lên kế hoạch điều chỉnh chế độ ăn uống, chăm sóc sức khỏe trước khi thực hiện thủ thuật. “Hiện tại tôi chưa muốn lấy chồng, thậm chí không chắc sẽ kết hôn nhưng vẫn muốn có con. Trữ đông trứng là phương pháp tốt nhất để tôi có thể thực hiện ước mơ làm mẹ vài năm sau”, Mai nói.

Ngày càng nhiều phụ nữ chọn trữ trứng

Theo bác sĩ Phạm Thị Mỹ Tú, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM, trong vòng một thập niên qua, phụ nữ Việt Nam bắt đầu tiếp cận với dịch vụ trữ đông trứng. Đây là phương án bảo tồn chức năng sinh sản hoặc là “bảo hiểm cho khả năng sinh sản” cho phụ nữ. Trong xã hội ngày càng phát triển, không ít phụ nữ chọn trì hoãn lập gia đình, do đó việc có thai và sinh con muộn hơn. Trữ trứng là giải pháp để ngăn ngừa tác động từ những yếu tố về tuổi tác, bệnh lý ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nữ giới. Tỷ lệ thành công trong các chu kỳ thụ tinh ống nghiệm của các trường hợp trữ trứng sẽ phụ thuộc vào độ tuổi của người phụ nữ thời điểm đông lạnh trứng. Tuổi càng trẻ thì khả năng mang thai và sinh con bằng phương pháp sử dụng trứng đông lạnh càng cao.

Sau khi trứng được lấy ra và trữ đông, mỗi năm, cô gái này phải chi ra một khoản phí để duy trì, số tiền cũng ngót nghét một tháng lương. Tuy vậy, Mai không cảm thấy tiếc tiền cho lần chi bạo này mà ngược lại còn nhận thấy đây là khoản đầu tư xứng đáng. “Nhiều người muốn làm mẹ nhưng tuổi đã lớn, không thể thực hiện được ước mơ. Lúc đó, dù có bao nhiêu tiền cũng không mua được giọt máu của mình”, Mai bày tỏ.

Ngoài tầm với

Không thuộc hội người lương cao để thực hiện ước mơ mua nhà, mua xe, với những người trẻ lao động phổ thông, công việc dường như đã hút cạn năng lượng, khiến họ không có thời gian nghĩ đến chuyện tìm bạn đời. Sâu bên trong, họ vẫn nung nấu ý định xây dựng mối quan hệ tình cảm lâu dài nhưng lịch làm việc dày đặc cộng với đồng lương ít ỏi đã đẩy những ước mơ đó ra ngoài tầm với.

Nhiều người trẻ dành thời gian cho công việc, không màng đến việc yêu đương Ảnh: Phú Quang

Nhiều người trẻ dành thời gian cho công việc, không màng đến việc yêu đương Ảnh: Phú Quang

Mới chuyển từ Hà Tĩnh vào TPHCM ba năm trước, Thanh Quang (24 tuổi) hiện xoay xở với hai công việc để trang trải cuộc sống. Mỗi đêm, chàng thanh niên này bắt đầu lên các chuyến xe tải vận chuyển, bốc vác hàng hóa cho một chuỗi cửa hàng tiện lợi. Đến rạng sáng, anh tranh thủ ăn nhanh ổ bánh mì, uống nước tăng lực để chuyển sang công việc tạp vụ tại một quán phở mở cửa từ 7 giờ và chỉ kết thúc khi quán đóng cửa lúc 15 giờ. Lúc đó, Quang mới trở về phòng trọ để nghỉ ngơi.

Khi được hỏi về chuyện yêu đương, Quang chỉ cười trừ, nói: “Kiếm tiền thời gian đâu mà yêu với đương”. Là một lao động phổ thông với mức lương thấp, công việc nặng nhọc, lại làm việc trái giờ sinh học, anh thừa nhận hiếm khi được gặp gỡ các bạn nữ. “Nếu có gặp, chắc gì người ta thích mình. Gặp bạn nào đó hợp cạ, rủ đi ăn một, hai lần là hết liên lạc. Nếu lỡ thích ai thì sẽ nhớ nhung không ngủ được. Không ngủ được là không đủ sức làm việc. Vài năm nay mình lo làm ăn, quyết chí không nghĩ đến yêu đương nữa. Yêu vào chỉ thêm rối”, Quang phân trần.

Không phải làm công việc nặng nhọc như Quang, anh Nguyễn Huy (30 tuổi, nhân viên bảo vệ tại một khu chung cư ở quận 7, TPHCM), luôn trong trạng thái cảnh giác, túc trực liên tục. Lịch làm việc của Huy không ổn định, xáo trộn giữa ba ca sáng, chiều và đêm. Có những ngày anh phải làm liên tục từ ca đêm sang ca sáng. Khoảng nghỉ ngắn ngủi giữa hai ca chỉ đủ để anh kịp về phòng trọ, ăn qua loa và chợp mắt 30 phút trước khi trở lại công việc.

Cuộc sống của Huy là những chuỗi ngày luôn phải “chạy đua” với thời gian, thiếu ngủ triền miên và không có ngày nào được thực sự nghỉ ngơi. Việc chơi thể thao hay thảnh thơi uống cà phê với bạn bè cũng khá xa xỉ với Huy.

“Môi trường làm việc toàn đàn ông, lại ít có thời gian đi đây đó nên tôi không tìm thấy đối tượng phù hợp. Nếu cưới về thì phải sinh con, chăm lo cho con trong khi đồng lương tôi chỉ đủ sống, nghĩ đến đã thấy đau đầu. Chi bằng sống tự do vậy cho khỏe, lúc nào buồn thì rủ bạn bè làm vài chai, đỡ phải lo ai cằn nhằn”, anh Huy nói thêm.

Phú Quang - Anh Nhàn

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chuyen-nguoi-tre-luoi-yeu-bai-1-co-don-tren-sofa-post1698758.tpo