Chuyện nhà báo tác nghiệp ở Trường Sa

Trường Sa luôn là địa chỉ mơ ước được đặt chân đến một lần trong đời của rất nhiều người, đặc biệt đối với các nhà báo được tham gia tác nghiệp Trường Sa là một trải nghiệm không bao giờ quên. Mỗi đảo đi qua, hay 'đóng quân' trên tàu đều để lại biết bao kỷ niệm, cảm xúc, đó là những câu chuyện về lòng yêu nước, sự kiên cường, về nghị lực, về tinh thần lạc quan của những chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió này.

“Hết giờ nghỉ! Toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu”

Một ngày tháng 4, cầm quyết định đi công tác Trường Sa, tôi ngỡ ngàng, không tin niềm mơ ước “một lần trong đời” được đến với vùng biển đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc đã thành hiện thực. Trong suốt hải trình kéo dài 12 ngày đến với Trường Sa đã đọng lại nhiều kỷ niệm và cảm xúc đan xen.

Đầu tiên phải kể đến là buổi họp báo “kín” giữa đại diện lãnh đạo Cục Chính trị Quân chủng Hải quân với các nhà báo để thông báo hải trình chuyến đi, những quy định trong việc tuyên truyền về biển, đảo; thành lập “Tổ truyền thanh” để phát vào lúc 21 giờ; những chuyến “transit” từ tàu lớn đi xuồng vào đảo. Tiếp đến là cảm giác lâng lâng và tự hào khi được thỏa sức tác nghiệp ghi lại những thông tin, hình ảnh về cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ và người dân trên các đảo, điểm đảo; đặc biệt là những trận say sóng nằm sải trên sàn tàu…

Nhưng ấn tượng hơn cả là những câu chuyện “phát thanh” trên tàu. Cứ mỗi khi chuẩn bị tới điểm đảo chúng tôi lại được nghe các đồng nghiệp phát loa giới thiệu về đảo: “MC Quang Tiến và Mai Hoa xin kính chào các thủ trưởng cùng toàn thể các đồng chí! Đây là chương trình phát thanh nội bộ trên tàu 571, của đoàn công tác thăm, kiểm tra quân, dân huyện đảo Trường Sa, nhà giàn DK1”. Còn khoảng 1 giờ đồng hồ nữa sẽ đến điểm đảo đầu tiên Song Tử Tây. Đảo Song Tử Tây có chiều dài khoảng 700m, rộng khoảng 400m, cao??? nhất trong quần đảo Trường Sa, nơi có những công trình đặc biệt như Bia chủ quyền quần đảo Trường Sa được công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia; trạm quan trắc khí tượng hải văn Song Tử Tây - một trong hai trạm khí tượng hải văn trên quần đảo Trường Sa, làm nhiệm vụ dự báo thời tiết hàng ngày; Tượng đài Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn; chùa Song Tử Tây sừng sững hướng ra Biển Đông; ngọn hải đăng được ví như "mắt thần" đánh dấu tọa độ, làm điểm tựa cho ngư dân Việt Nam khi ra biển khai thác, đánh bắt hải sản.

Nhà báo Chí Tuấn cùng các đồng nghiệp tác nghiệp trên xuồng khu vực biển Đảo Đá Tây B, thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam

Nhà báo Chí Tuấn cùng các đồng nghiệp tác nghiệp trên xuồng khu vực biển Đảo Đá Tây B, thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam

Tàu 571 thông báo “Điểm đến tiếp theo là đảo Sinh Tồn Đông, đảo Len Đao, Đá Đông A... môi trường sinh thái ở đây khá thuận lợi nuôi được lợn, gà, vịt, trồng được nhiều rau xanh các loại tươi tốt bốn mùa”.Đảo Đá Tây B chỉ cách đảo Châu Viên mà Trung Quốc chiếm đóng khoảng trên 30 hải lý. Đảo gồm 4 cụm nhà: khu chỉ huy, khu nhà ở, nhà văn hóa đa năng huyện Trường Sa và ngọn Hải Đăng. “Thứ tự xuống xuồng vào đảo như sau: xuồng thứ nhất, bên mạn trái tàu chở quà, xuồng thứ hai bên mạn phải chở phóng viên. Chuyến thứ ba sẽ đến lãnh đạo các tỉnh, cơ quan…”. Những bản tin phát thanh trên tàu dù rất đơn giản nhưng chúng tôi đều cảm nhận được ý nghĩa mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc nơi đầu sóng, ngọn gió.

Đặc biệt, trong suốt hải trình, chúng tôi được sống trong kỷ luật quân đội, mọi hoạt động diễn ra đều đúng giờ quy định: 5 giờ dậy, 5h30 ăn sáng, 10h30 ăn trưa, 17h ăn cơm chiều, 21h ăn tối với những khẩu lệnh của chỉ huy trên tàu“Hết giờ nghỉ! Toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu”hay "Tổ phục vụ xin thông báo, đã đến giờ ăn trưa, kính mời các thủ trưởng đoàn công tác, và đại biểu về các khu vực phòng ăn để dùng cơm..." hoặc “Thủ trưởng đoàn công tác rời tàu; thủ trưởng đoàn công tác về tàu”, đó là những hiệu lệnh của chỉ huy tàu vang lên vào lúc 5h sáng và sinh hoạt hàng ngày.

Nhớ mãi giây phút linh thiêng

Còn nhiều những kỷ niệm suốt hành trình 12 ngày, với hải trình hơn 1.000 hải lý, chúng tôi đã đến thăm 7 điểm đảo gồm Song Tử Tây, Sinh Tồn Đông, Len Đao, Đá Đông A, Đá Tây B, Trường Sa và nhà Dàn DK-I/11. Tại các đảo, từ đảo nổi cho đến đảo chìm, dù điều kiện còn vất vả nhưng ở đâu chúng tôi cũng bắt gặp nụ cười lạc quan của các chiến sĩ, vững tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đó là những hình ảnh đẹp không thể nào quên.

Nhưng có lẽ xúc động, tự hào nhất là lễ chào cờ, diễu hành và nghe đọc 10 lời thề danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam - Những tiếng “Xin thề” chắc nịch âm vang một ý chí. Lễ tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ hy sinh trên quần đảo Trường Sa để bảo vệ tấc đảo, sải biển chủ quyền trong trận chiến Gạc Ma. Giữa muôn trùng sóng vỗ, một lễ tưởng niệm đầy cảm xúc và ý nghĩa đã mang lại trong lòng mỗi đại biểu niềm tự hào rất riêng. Ngày 14.3.1988, các lực lượng tàu chiến hùng hậu có trang bị vũ khí hiện đại Trung Quốc đã ngang nhiên, bất chấp công lý và lẽ phải, bất ngờ tấn công quân sự, bắn chìm, bắn cháy 3 tàu vận tải và đánh chiếm một số đảo đá ngầm của ta. Với ý chí quyết tâm “Bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng cao cả, là mệnh lệnh trái tim của người lính”, các lực lượng hải quân là cán bộ, chiến sĩ các tàu vận tải và lực lượng công binh xây dựng đảo, trong tay chỉ có cuốc, xẻng, xà beng và súng bộ binh, nhưng đã mưu trí sáng tạo, anh dũng chủ động, thực hiện nghiêm đối sách, bình tĩnh khôn khéo trong xử lý các tình huống để giữ vững chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Trong cuộc chiến đấu không cân sức đó, đã xuất hiện những tấm gương ngời sáng của cán bộ, thủy thủ các Tàu HQ 505, HQ 604, HQ 605 thuộc Lữ đoàn 125, Vùng 2; của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146, Vùng 4; Trung đoàn Công binh 83 Hải quân. Dù biết rằng có thể sẽ hy sinh, nhưng các anh không hề run sợ, quyết không lùi bước, dũng cảm, ngoan cường, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ biển, đảo đến hơi thở cuối cùng.

Sau bài diễn văn tưởng nhớ, tàu 571 hú 3 hồi còi rền vang cả vùng biển, nhiều người không cầm được nước mắt, đoàn công tác đã thả vòng hoa, lễ vật những con hạc giấy xuống biển tưởng nhớ các liệt sĩ. Các Anh nằm xuống đã kết thành “vòng tròn bất tử” mãi khắc ghi trong sử sách, viết nên bản hùng ca bi tráng về tinh thần quyết tử, tô thắm thêm truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

Đặc biệt là giây phút chia tay quân và dân trên đảo Trường Sa. Tất cả đều hướng về phía cầu tàu, nơi các cán bộ hải quân, người dân và các em nhỏ đứng thành một hàng dài vẫy tay cùng tiếng hô vang “Tổ quốc vì Trường sa, Trường Sa vì Tổ quốc”. Tôi thấy lòng mình nghẹn lại, nhìn sang bên thấy những giọt nước mắt đã rơi trên gương mặt các thành viên trong đoàn công tác. Trở về đất liền, tôi thấy mình phải cố gắng nhiều hơn nữa để làm tốt công việc lan tỏa tinh thần yêu nước, tình yêu biển đảo quê hương tới bạn bè người thân, góp phần nhỏ bé vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

CHÍ TUẤN

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/chuyen-nha-bao-tac-nghiep-o-truong-sa-i376476/