Chuyện những cây xanh trăm tuổi của Hà Nội

So với các vùng miền trên cả nước, số cây nhiều trăm năm tuổi khu vực nội đô Hà Nội chắc chắn ít hơn, bởi trong quá trình đô thị hóa để trở thành kinh đô Thăng Long và Thủ đô của Liên bang Đông Dương năm 1902, nhiều cây đã bị chặt hạ. Thế nhưng nếu tính số cây trên trăm tuổi thì không nơi nào nhiều bằng Hà Nội.

Cây đa ở đền Bà Kiệu

Cây đa ở đền Bà Kiệu

1. Xưa, dù Hà Nội có nhiều hồ ao và sông chảy qua, nhưng vào mùa hè, thành phố vẫn nóng bức hơn các tỉnh lân cận vì dân số đông, phố phường lại được xây dựng bằng vật liệu dễ hấp thụ nhiệt nên người dân đã ý thức trồng cây trong phố. Trải qua thời gian cho đến nay, khu vực nội đô vẫn còn rất nhiều cây hàng trăm năm tuổi. Cây được cho là nhiều tuổi nhất khu vực quanh hồ Gươm là cây đa ở đền Ngọc Sơn.

Năm 1865, khi Phương Đình Nguyễn Văn Siêu đứng ra hưng công sửa sang lại đền thì đã có cây đa. Có người cho rằng, cây đa này được trồng từ thời chúa Trịnh Sâm nắm quyền (1729-1740) khi ông biến đảo Ngọc thành nơi vui chơi giải trí cho quan lại và giới quý tộc Thăng Long. Năm 1883, bác sỹ Hocrquad trong đạo quân viễn chinh Pháp xâm chiếm Hà Nội đã chụp ảnh cầu Thê Húc, trong bức ảnh còn lưu lại cho đến ngày nay có cả cây đa nằm ở bên phải đền, tán rộng, lá xum xuê cùng 2 cây gạo gần đình Trấn Ba. Năm 1969, một trận bão lớn quét qua Hà Nội làm cây đa bị đổ nghiêng xuống phía hồ. Thành phố đã phải dùng tời kéo cây đa đứng thẳng như cũ, đồng thời chống cột xung quanh giữ cho cây không đổ.

Một cây đa khác cũng có tuổi đời hàng trăm năm là cây đa bên cạnh đền Bà Kiệu hiện nay. Năm 1967, Mỹ ném bom cầu Long Biên, nhưng bom lại rơi vào khu dân cư ven bờ khiến mái đền bị thủng lỗ chỗ. Phía Tây hồ Gươm có một cây đa cổ thụ, đó là cây đa trong sân trụ sở Báo Nhân Dân. Thân đa rất lớn, bóng trùm cả một khoảng sân rộng. Theo gia phả dòng họ Vũ, khi danh sỹ Vũ Tông Phan mở trường Hồ Đình ở thôn Tự Tháp (nay thuộc phường Hàng Trống) năm 1835 thì cây đã cũng khá lớn, nghĩa là nó được trồng trước đó ngót nghét 20 năm, như vậy có thể khẳng định cây đa này cỡ 200 tuổi.

Người xưa thường trồng đa ở miếu, đền, đình, chùa hay đầu làng vì khi thân chính bị mục sẽ còn rất nhiều thân phụ giúp cây sống sót, do đó tuổi thọ của cây có thể kéo dài hàng nghìn năm. Ở góc độ tâm linh, những cây đa cổ thụ là nơi trú ngụ cho thần linh, vì thế dân gian mới có câu: “Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề”. Dù người phương Tây không tin vào những chuyện phi khoa học, nhưng khi chính quyền Pháp xây xong Tòa Đốc lý (nay là UBND TP) đã cho trồng một cây gạo phía trước (ven hồ Gươm) với ý đồ làm chỗ trú để ma quỷ khỏi vào quấy phá.

Hàng cây sao đen trăm tuổi trên phố Lò Đúc

Hàng cây sao đen trăm tuổi trên phố Lò Đúc

2. Trước nữa, Hà Nội có nhiều cây cổ thụ. Cuối đời Lê, ngạn ngữ Thăng Long có câu:

Long thành có bốn yêu tinh

Yêu trước hồ Giám yêu đình Đồng Xuân

Yêu cây bàng giữa Hàng Cân

Yêu gốc cây liễu bên sân chùa Tầu

Loại bỏ yếu tố mê tín thì những cây mà ngạn ngữ nói đến đều là cây to. Đình Đồng Xuân cuối thời Lê rất rộng, giữa sân có cây đề thân to 2 người ôm không xuể, tán che khắp khoảng sân rộng và phương đình. Vào mùa hè nóng bức, dân trong phố ra đình ngồi dưới bóng đề hóng mát và là chỗ vui chơi của trẻ con những đêm có trăng. Còn cây bàng ở Hàng Cân cũng rất lớn, đến mức 2 người lớn đứng sau gốc cây không nhìn thấy nhau. Trong chùa Tầu (gần UBND TP Hà Nội, nay không còn) có cây liễu già ở giữa sân. Chùa được xây để ghi công Thiêm Đô Ngự Sử họ Phan của đời Lê. Vào mùa xuân, cây buông tơ thõng dài từ ngọn đến sát đất trông như người đàn bà rũ tóc hóng gió.

Cuối thế kỷ 19, khi người Pháp quy hoạch khu vực phố cổ, họ đã chặt cây bàng Hàng Cân, phá bỏ chùa Tầu nên cây liễu cũng không còn. Nhưng khi họ làm đường quanh hồ Gươm vẫn giữ lại nhiều cây và đến ngày nay những cây này vẫn xanh tốt, đó là cây muỗm ở bên phía Bờ Hồ (đối diện với khách sạn Apricot phố Hàng Trống). Cây muỗm này nằm trong đình làng Tự Tháp, khi chính quyền làm đường chuyển đình sang 75 phố Hàng Trống (nay gọi là đình Nam Hương) đã giữ lại cây muỗm. Không biết rõ cây muỗm trồng từ bao giờ, nhưng ít nhất cũng 130 năm tuổi trở lên. Khi con đường quanh hồ Gươm hoàn thành năm 1891, chính quyền thành phố cho trồng một dãy me ở cuối phố Hàng Trống (nay là Lê Thái Tổ), cho đến ngày nay, những cây me khoảng 130 năm tuổi vẫn xanh tốt và ra quả.

Một cách công bằng, cây ở Hà Nội được trồng theo kiểu phương Tây ở hai bên hè phố với ý thức phục vụ cuộc sống đô thị, tạo ra cảnh quan phố phường bắt đầu từ khi người Pháp chiếm Hà Nội. Không chỉ cây quanh hồ Gươm, những cây xà cừ ở phía bắc thành phố, phố Chu Văn An, Lý Nam Đế… cây hoa sữa trồng đầu tiên ở phố Quán Thánh từ đầu thế kỷ 20 đến nay cũng đã 120 tuổi. Hàng sấu phố Đinh Tiên Hoàng, Lê Thánh Tông, Trần Hưng Đạo… ít nhất cũng gần 110 năm tuổi, hàng sao đen ở nửa đầu phố Lò Đúc cũng 100 năm. Không thể kể hết những cây từ 100 năm trở lên ở khu vực nội đô.

Mấy năm gần đây, Hà Nội đã trồng thêm nhiều giống cây mới trên nhiều tuyến phố. Theo thời gian, những cây này cũng sẽ trở thành cây cổ thụ trong phố, không chỉ cho một Hà Nội xanh mà còn trở thành cây di sản trong tương lai.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/song-o-ha-noi/chuyen-nhung-cay-xanh-tram-tuoi-cua-ha-noi/841258.antd