Chuyện những người lính 'khoan nổ'
Mới thôi, vừa trèo qua đỉnh con dốc trời hãy còn chạng vạng, vậy mà năm phút sau bóng tối đã nuốt chửng chiếc UAZ.
Tôi thấy bất ngờ bởi thứ bóng tối đến quá nhanh nên áp mặt vào cửa kính chiếc xe ngó nghiêng, hóa ra chúng tôi đang dưới bóng tối của những vỉa tầng đá vôi triệu triệu năm sừng sững trên đầu, cả bên phải, bên trái, thứ bóng đen trầm mặc, u u linh linh. Hết lên dốc rồi xuống dốc, mãi tám giờ tối chúng tôi mới đến nơi đóng quân của Tiểu đoàn Công trình 1, Lữ đoàn Công binh 229 ở lưng chừng quả núi. Bước khỏi xe, ập vào chúng tôi là cơn gió se lạnh mùa thu, phảng phất mùi rừng. Thứ mùi rừng nguyên sinh hoai hoải của muôn loài cây cỏ, trong doanh trại hắt ra ánh sáng đèn điện, nhưng dường như sự hiện diện của vài chục cái bóng đèn chiếu sáng quanh đơn vị quá nhỏ bé với khoảng không bóng đêm hùng vĩ, mông lung này…
Sau cái bắt tay, Thiếu tá Phạm Ngọc Âu, Phó tiểu đoàn trưởng mời chúng tôi vào sở chỉ huy tiểu đoàn. Một căn nhà dựng bằng khung sắt mái tôn, vách nứa, lượt thêm những tấm bạt mỏng. Thấy tôi tỏ vẻ bất ngờ, anh phân trần: "Do tính chất nhiệm vụ thường xuyên phải di chuyển và đảm nhận công trình ở những nơi đặc biệt nên “nhà cửa” của chúng tôi đơn giản lắm. Kiểu nhà tạm này bí bách và cũng mỏng nên mùa hè thì nóng nực, mùa đông thì lạnh, mà cái lạnh miền núi chắc anh cũng biết, buốt da buốt thịt…". Trên khuôn mặt xạm đen của người lính công binh toát lên vẻ lo ngại, có lẽ anh sợ chúng tôi không quen môi trường sống thiếu thốn ở đây. Tôi bảo, tôi cũng là người miền núi nên quen cả, chỉ cần một chỗ ngả lưng là đủ. Sau mấy câu chuyện làm quen bên ấm trà, chúng tôi được anh bố trí chỗ ngủ. Đêm không trăng, trời đất càng về khuya càng vắng vẻ, có loài chim ăn đêm thi thoảng kêu lên vài tiếng xa xăm, xung quanh im lặng đến nỗi nghe thấy cả tiếng từng giọt mưa rơi.
Những tiếng hô thể dục cùng tiếng chân chạy rầm rập trên con đường đất kéo tôi ra khỏi giường. Ở đây sương khói mờ nhân ảnh, những bụm sương từ đâu kéo về ngay trước cửa, xa xa những ngọn núi thẫm đen cao vút. Anh em tập xong bài thể dục buổi sáng, đang dồn hàng để hô khẩu hiệu. Những tiếng hô gằn, vang lên rồi ập vào vách núi thành tiếng đồng vọng trầm hùng, chỉ nghe tiếng hô của anh em và hít thật sâu thứ không khí sáng sớm trong lành mà tôi đã cảm thấy những mạch máu mình nới giãn, sảng khoái vô cùng. Sau bữa sáng, tôi được ưu tiên leo lên chiếc công nông của chiến sĩ mới Nguyễn Như Phúc vào công trường. Phúc sinh năm 1998, chàng trai quê ở xứ vải Lục Nam, Bắc Giang đánh lái như một tay đua điêu luyện, chiếc xe ngoan ngoãn bò lên những bình độ thấp của ngọn núi trước mặt, bánh lốp cán lên đá dăm xào xạt. Đại úy Nguyễn Trọng Nhàn, Đại đội trưởng Đại đội 1 chờ trước cửa hầm, cũng vừa lúc mấy anh em đang kéo nhau ra sau một đợt khoan, tôi phải né sang bên, người họ như ở đâu chui lên, quần áo trắng toát, chỉ chừa hai con mắt và khẩu trang che bụi đeo trên mặt, bột đá rơi lả tả dưới chân họ thành một vệt dài…
Chúng tôi vừa chui vào được vài bước thì giật mình bởi tiếng máy khoan đã nổ ầm ầm, vào sâu thêm vài chục thước, những làn khói bụi bắt đầu thoát ra trên cửa thoát duy nhất là cửa hầm, cùng với đó mùi khét của đá, của dầu máy. Càng đến gần cuối đường hầm, không khí càng ngột ngạt, bức bối. Từ những lỗ đang khoan của hai chiếc máy chỉ thấy bột đá trắng toát thi nhau phụt ra, bóng người chìm trong đó, chìm cả vào tiếng nổ của máy, dường như trong lòng đất ấy tiếng nổ được nhân đôi, nhân ba, nhân năm đề-xi-ben so với thông thường, chỉ đứng khoảng một phút mà tôi đã tức ngực, khó thở. Có lẽ, chúng tôi vào đây cũng đã lấy đi một phần không khí để thở của anh em nên tôi ra hiệu cho Đại trưởng Nhàn quay ra. Đến cửa hầm phải tháo vội khẩu trang để thở, vừa giũ bụi trên quần áo, tôi vừa lân la đến gần số anh em chui ra từ nãy đang ngồi nghỉ gần cái máy phát điện màu xanh. Một người dong dỏng cao, nước da mai mái ngồi trên thanh gỗ tròn vội đứng dậy nhường chỗ. Tôi bảo anh cứ ngồi, mình nói chuyện một chút. Anh là Trung úy QNCN Trương Văn Toán, người Yên Lạc, Vĩnh Phúc, vợ con đều ở quê cả. Hỏi mỗi ngày vào mấy ca. Anh Toán bảo, mỗi ngày chui ra chui vào cũng năm, sáu đợt. Lại hỏi khoan thế để làm gì. Anh Toán đáp, để nhồi thuốc nổ vào rồi kích nổ phá đá. Mỗi mũi khoan phải bảo đảm sâu từ 1,2 mét đến 1,5 mét, nhồi cả chục cân thuốc nổ anh ạ! Nói đến thế, trong đầu tôi đã mường tượng đến sức nổ gây ra tiếng trầm đục khủng khiếp của nó. Hồi còn nhỏ, người ta cũng vạch núi mở đường qua bản của tôi. Cha tôi và các chú vác búa tạ, dùi sắt đi đục đá. Đục, phá được một lỗ to cỡ cổ tay thì lèn thuốc nổ vào, tra kíp, kéo dây điện chạy xa cả cây số quay củ điện (loại máy điện mini để trên máng nước, lấy sức nước chạy tua-bin phát điện), lát sau đã ùm, ùm… rúng động cả một vùng đồi, chim muông bay tan tác. Ví thử so sánh với lượng thuốc nổ chỉ nặng 25 gram gắn vào bánh đất làm bộc phá mà cánh lính bộ binh hay huấn luyện đánh địch trong lô cốt, công sự ấy nổ cũng đủ giật thót mình rồi, đằng này…
Hỏi về khó khăn vất vả trên công trường, cũng như điều kiện ăn ở. Một cậu lính ngồi cạnh nói nhỏ: Đời sống ở đây thì còn nhiều khó khăn vất vả, từ điện nước tới ăn uống. Doanh trại làm với tính chất tạm thời cho nên nhiều đêm trời mưa to, nước giọt tong tong trong phòng… Trở lại sở chỉ huy tiểu đoàn, sực nhớ là từ tối qua đến giờ tôi không cầm đến điện thoại liền lôi từ trong túi còn để ở phòng khách ra, hóa ra không có sóng, thảo nào từ hôm qua đến giờ không thấy bị làm phiền bởi tiếng chuông của nó. Phó tiểu đoàn trưởng Phạm Ngọc Âu nheo nheo mắt: "Ở đây không có sóng đâu anh ạ, muốn gọi thì phải “câu sóng” bằng cách treo lên mấy cành cây keo cao cao trước cửa kia kìa… Chúng tôi toàn phải làm thế thôi!".
Đã gần trưa, chúng tôi phải tạm biệt anh em. Qua lán trại gặp một số anh em đi công trường đã về, trên những bộ quân phục ấy trắng toát bụi đá nhưng những tiếng cười nói, trêu đùa nhau vang vang cả khu đồi. Xe lắc lư trôi qua những hàng rau thẳng tắp xanh mươn mướn, rồi vườn gia vị đủ các loại, khu chăn nuôi ở hai bên đường… Vâng, bóng những người lính công trình trong rừng đang lùi lại sau lưng chúng tôi. Tôi sẽ nhớ mãi những đôi mắt của họ, những con mắt nhìn thấy cả đường khoan trong bụi đá, những đôi mắt sáng lên trên khuôn mặt lấm lem, vượt bao khó khăn vất vả ngày đêm xây dựng những công trình đặc biệt… họ là những người lính “khoan nổ” thân thương!