Chuyện ở 'hành tinh xanh'
'Đặt chân đến Cù Lao Chàm, nếu ai đó xách theo một cái túi nilông, ngay lập tức sẽ nhận được những cái nhìn thiếu thiện cảm, thậm chí còn lạ lẫm - như thể con người này đến từ thế giới nào xa lạ'. Trung tá Ngô Minh Tiến, Đồn trưởng Đồn BP Cù Lao Chàm cảnh báo khi tôi bước chân lên tàu từ cảng Cửa Đại, Hội An ra đảo. Tôi thích cái cách anh gọi Cù Lao Chàm là 'hành tinh xanh'.
Biển đãi người...
Chỉ nằm cách đô thị cổ Hội An chừng 12 hải lý, Cù Lao Chàm đang dần trở thành một “thiên đường du lịch” trong tầm với, có đủ rừng già, biển xanh, bãi cát vàng, hệ thực vật vô giá, hải sản đặc hữu, đa dạng. Quan trọng hơn nữa, đây thậm chí là hòn đảo đầu tiên thành công với mô hình du lịch “home stay”. Theo đó, du khách đến đây có thể ở lại nhà dân, tham gia vào đời sống của cộng đồng biển hiền hòa và trong lành. Dân sống trên đảo đặc biệt thân thiện và rất khéo làm dịch vụ du lịch. Không phải mảnh đất du lịch nào cũng có được tỉ lệ dân làm dịch vụ chiếm đa số như Cù Lao Chàm, dù hòn đảo chỉ có 584 hộ dân với khoảng 1.854 nhân khẩu.
Nhìn từ bãi biển Mỹ Khê của Đà Nẵng, Cù Lao Chàm giống như một viên ngọc màu lam thẫm nổi trên nền nước xanh của đại dương. Nhưng thật ra, đây là một cụm đảo gồm 8 hòn đảo lớn nhỏ: hòn Lao, hòn Dài, hòn Mồ, hòn Lá, hòn Tai, hòn Ông, hòn Khô Mẹ, hòn Khô Con. Cù Lao Chàm còn có khu rừng cấm trên biển trong lòng Khu Dự trữ sinh quyển thế giới và Khu Bảo tồn biển. Hệ thực vật trên đảo có khoảng 499 loài thuộc 352 chi, 115 họ của 5 ngành thực vật bậc cao với nhiều loại lâm sản quý như gõ, kiền kiền, dẻ, chua, mây... Có khoảng 228 loài cây làm thuốc thuộc 107 họ thực vật với nhiều loại dược liệu quý như mã tiền, sơn máu, ngũ gia bì, cỏ nhung, trầm hương. Đã có thời kỳ, hòn đảo rơi vào tình trạng bị khai thác kiệt quệ nguồn dược liệu, lâm thổ sản quý hiếm và nếu không kịp thời ngăn chặn thì có thể, kho báu tự nhiên này đã vĩnh viễn biến mất trên hòn đảo xanh.
Và nỗ lực gìn giữ này đã được đền đáp. Thế hệ trẻ con trên đảo bây giờ đã có nhận thức rõ ràng về nơi mình sống. Hòn đảo xanh xa lạ với túi nilon, với việc xả rác nơi công cộng. Một ngư dân đang vá lưới trên đảo nói với tôi một câu chuyện thú vị rằng: Trước đây, ông thường dùng dây gai, các loại dây rừng trên đảo để đan lưới đánh cá, dùng chĩa đâm từ cây rừng săn cua. Hồi đó, cá tôm nhiều tới mức chỉ vài ba tấm lưới sơ sài “lượm” từ tự nhiên cũng kiếm đủ sản vật từ biển. Bây giờ, lưới đánh cá bán sẵn bằng nilông, mắt dầy lắm mà cá tôm thì ngày càng ít đi. “Nhà mình có làm du lịch không?”. Tôi hỏi những ngư phủ đang vá lưới ở mé sân Lăng Ông. Họ đều cười nói: “Không làm du lịch thì nên đi khỏi Cù Lao Chàm cho rồi!”.
Một nghiên cứu lịch sử cho rằng, Cù Lao Chàm cách đây 3.000 năm đã có cư dân sinh sống. Đây là hòn đảo nằm ở cửa ngõ thương cảng Hội An, được cả thế giới biết đến vì cuộc khảo cổ đình đám về một con tàu bị đắm khi qua đây chứa đầy cổ vật. Dấu vết của cuộc giao thoa văn hóa sản sinh từ một thời hòn đảo thịnh vượng vẫn còn và cho đến nay vẫn là một phần không tách rời của văn hóa miền đất thương cảng cổ Hội An. Nhiều di tích lịch sử thuộc văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa, Đại Việt vẫn còn trên đảo. Du khách nước ngoài từng nhận xét: Cù Lao Chàm có được sự thâm trầm, êm đềm, đầy chiều sâu văn hóa nhưng lại có thêm sự thoáng đạt, rộng mở của một hòn đảo sạch với nắng biển chan hòa. Không mảnh đất nào có thể có một tiềm năng du lịch tốt hơn thế: Có hàng ngàn năm lịch sử sau lưng, đầy lợi thế cạnh tranh biển đảo.
Cù Lao Chàm có diện tích 15km2, chủ yếu là núi rừng. Phần đất lập nên các khu dân cư không nhiều, chỉ có những vùng đất thấp thoai thoải chòi ra biển ở bãi Làng, bãi Hương. Hòn đảo chỉ có thể làm du lịch trên những gì sẵn có, chứ không thể mơ đến một không gian lớn với nhiều công trình xây dựng tiện nghi hoặc rộng rãi. Sức ép về dịch vụ cho số du khách tới đảo ngày một đông là một thực tế. Vì thế mới nói: Việc khuyến khích cư dân đảo chuyển cơ cấu nghề nghiệp từ ngư nghiệp sang dịch vụ du lịch, lấy ngay nơi mình sống, nhà ở, nghề nghiệp truyền thống, thói quen sinh hoạt của mình ra làm du lịch là việc “lợi cả đôi đường”. Người dân đảo trực tiếp tổ chức cung cấp dịch vụ du lịch, cho khách du lịch lưu trú tại nhà, phục vụ ăn nghỉ, giới thiệu bán đặc sản do chính mình săn được, tổ chức cho du khách đi thăm thú, lặn biển, bơi thúng, kéo lưới, đi biển cùng ngư dân, thậm chí là quảng bá du lịch cũng chính từ hình thức này. Dưới sự hướng dẫn của các nhà quản lý du lịch, các hoạt động của từng gia đình ngày càng trở nên chuyên nghiệp.
... Đến vạc cả thân mình
Bà Lê Thị Năm, một người dân đảo lâu năm có khuôn mặt nhân hậu đặc trưng của biển miền Trung, bày ra cho tôi xem những loại lá thuốc bà hái được ở rừng về sao tẩm, phơi khô, sau đó bán cho khách du lịch. Khó có thể tin những loại lá cây này có thể mang lại cho gia đình bà khoản tiền vài chục triệu mỗi tháng. Đây chính là những loại lá từ rừng Cù Lao Chàm khi kết hợp với nhau tạo thành một toa thuốc rất đắt hàng ở nơi này. Du khách nào tới đây cũng mua những loại lá đã sao khô về làm vị thuốc nấu nước uống để giải nhiệt. Trước đây, người dân đảo vẫn thường dùng lá nấu nước uống hàng ngày như trà. Nhưng dần về sau, nhiều người biết đến tiếng các thảo dược của rừng Cù Lao Chàm nên đều muốn mua mang về. Có cung thì ắt có cầu và thế là, nó trở thành một mặt hàng. Coi chừng, sự “tích tiểu thành đại” này có thể một lần nữa khiến kho thảo dược rừng Cù Lao Chàm kiệt quệ.
Những phụ nữ chuyên đi hái lượm các loại thảo dược cho biết, nhiều khi vào mùa du lịch hè, khách mua đông quá, khan hiếm lá thuốc, họ phải lặn lội vào rừng miền Tây Quảng Nam để kiếm thêm. Một số loại cây trước đây có trên đảo bây giờ không còn thấy bóng dáng đâu nữa. Lấy cái tiếng là thảo dược Cù Lao Chàm, người ta lại mang về từ khắp nơi những loại lá thay thế, có loại chỉ cùng chi họ, chứ không phải đích thị là cây thuốc đó, sống trên chất đất đó. Người bán và người mua đều hồn nhiên cung cấp, sử dụng, chẳng ai biết chắc chắn rằng, những lá thuốc này thực ra có tác dụng gì.
Sản vật rừng đã vậy, biển cũng đang bị vạc dần đi để làm du lịch. Những loại cua đá, ốc vú nàng, ốc hương giờ chỉ thoảng có mặt trên đảo. Vào giờ chợ chiều, vài rổ ốc loại, nhum gai bày bán ngay trên lối đi của du khách và dân đảo. Một vài người than phiền rằng, dịch vụ du lịch ở đây đã bắt đầu có giá “trên trời” do người dân tự phát kinh doanh du lịch. Đầu năm 2012, Cù Lao Chàm chuẩn bị cho ra đời hợp tác xã đầu tiên hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch. Hợp tác xã kiểu mới này sẽ hoạt động theo kiểu nghiệp đoàn, các xã viên được hỗ trợ cả kiến thức làm du lịch. Đây thực chất là cách làm đã quen thuộc với người dân đảo làm du lịch lâu năm. Hơn nữa, trước đây, họ từng được các công ty du lịch và Trung tâm Bảo tồn biển hỗ trợ để làm du lịch home stay. Đây là một trong những hợp phần sinh kế của Dự án bảo tồn biển - người dân có cách làm giàu thì biển mới có thể bảo tồn được. Phương châm đó là xương sống để các khu du lịch biển phát triển. Với Cù Lao Chàm, dù là sinh kế ra sao thì vẫn phải đảm bảo là một hòn đảo quốc phòng. Người dân phải cam kết bảo đảm an toàn hàng hải, đối ngoại nhân dân, giữ hình ảnh trong lành của hòn đảo...
Trương Thúy Hằng
Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/chuyen-o-hanh-tinh-xanh/