Chuyện ông Sáu thôn Lang Xá Bàu

Từ hạt gạo quê hương, ngoài phát triển kinh tế gia đình, ông Ngô Viết Sáu – hội viên nông dân Chi hội thôn Lang Xá Bàu (Thủy Thanh, TX. Hương Thủy) còn góp phần chung tay tạo việc làm cho lao động tại chỗ.

Máy đánh bóng gạo ông Sáu vừa đầu tư

Máy đánh bóng gạo ông Sáu vừa đầu tư

1 - Không phải ngày mùa, nhưng cơ sở xay xát lúa gạo của ông Ngô Viết Sáu tại thôn Lang Xá Bàu vẫn người xe tấp nập. Đã quá trưa, số bao tải đựng lúa vẫn đang còn chất đống khắp khoảng sân.

Bên trong khu vực xay xát, dù tiếng máy cho thấy đang hoạt động hết công suất, nhưng phía bên ngoài, có người liên tục cầm điện thoại xem giờ rồi quay qua người kế bên giọng sốt ruột, sắp tới giờ lên Huế giao 2 tạ gạo cho khách mà chừ vẫn chưa tới phiên…

Lục tìm trong trí nhớ, cái thời để xát lúa gạo phải chạy bằng máy nổ, mỗi lần vận hành là tiếng ầm ầm vang cả xóm, rồi nền đất nhớp nháp, vỏ trấu, bụi bay mịt mù, ngứa ngáy vô cùng… Nhưng ký ức này đã trở thành quá vãng khi có mặt tại cơ sở xay xát được xây dựng khép kín của ông Sáu. Nói sạch boong, tinh tươm thì không đúng, nhưng với không gian được che chắn cẩn thận, nền lát xi măng sạch sẽ, dây chuyền máy móc xếp đặt ngay ngắn... như là minh chứng cho việc áp dụng cơ giới hóa, hiện đại hóa vào kinh doanh sản xuất nông nghiệp được thể hiện khá trực quan.

Nhẩn nha câu chuyện, ông Sáu kể ban đầu đơn thuần xay xát lúa nhỏ lẻ, bà con trong vùng ai kêu thì làm. Nhưng sau thời gian lấy công làm lãi, nhận thấy Thủy Thanh là vùng có diện tích trồng lúa hơn 530ha, nếu không tận dụng lợi thế này để mở rộng quy mô kinh doanh thì quá đáng tiếc nên ông mạnh dạn đầu tư dây chuyền xay xát hiện đại. Dần dà quy mô thu mua mở rộng, ông sắm thêm 2 ô tô tải để vận chuyển lúa gạo.

“Mỗi năm, gia đình tui thu mua lúa cho bà con trong và ngoài xã từ 5.500 - 6.000 tấn, chi phí thu mua khoảng 54 tỷ đồng, doanh thu hàng năm ước tính 85 tỷ đồng/năm, sau khi trừ các chi phí, lãi gần 850 triệu đồng/năm”, ông Sáu nhẩm tính. Trong quá trình vận hành, nhận thấy vỏ trấu thải gây ô nhiễm môi trường, ông đầu tư thêm máy ép củi trấu với sản lượng 500 - 600 tấn/năm. Điều này không chỉ giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mà còn giúp ông Sáu thu về hơn 150 triệu đồng/năm sau khi khấu hao mọi chi phí.

Việc mở rộng quy mô kinh doanh của ông Sáu không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho gia đình, mà còn giải quyết thêm 10 lao động thường xuyên, lương bình quân 7,5 triệu đồng/tháng và 15 lao động theo thời vụ, trong số đó có các lao động thuộc hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn của xã.

2 - Thủy Thanh được biết đến là địa phương có sản phẩm gạo thơm Thủy Thanh - loại gạo được trồng từ giống lúa chất lượng cao J02 (Nhật Bản). Nhờ đem lại hiệu quả kinh kế cao nên từ 10ha năm 2005, đến nay, bà con Thủy Thanh đã trồng khoảng 300ha giống J02.

Trong quá trình mua bán, những thông tin phản hồi từ thị trường khiến ông Sáu cảm thấy thiệt thòi cho loại gạo đặc sản của quê hương, cũng như với những người “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để làm ra nó. “Dù gạo thơm Thủy Thanh được nhiều khách hàng đón nhận, nhưng đa phần đều xuất thô và thông qua các doanh nghiệp trung gian nên chưa phát huy tối đa lợi nhuận, tiến tới mở rộng thị trường. Điều này khiến loại gạo đặc sản này chưa thể “lên ngôi” như mong đợi”, ông Sáu trầm ngâm.

Mong muốn góp phần sức để tạo dựng, khẳng định thương hiệu đặc sản quê hương, trên cơ sở HTX Nông nghiệp Thủy Thanh đã đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại với công suất hàng chục tấn mỗi ngày, sau khi bàn bạc, năm 2014, ông Sáu cùng HTX bắt tay hợp tác, trong đó, HTX đầu tư máy móc in bao bì, nhãn hiệu và đăng ký thương hiệu độc quyền “Gạo thơm Thủy Thanh”, ông Sáu lo phần thu mua, xay xát và hỗ trợ bao tiêu cho bà con theo giá thị trường.

Nhờ nỗ lực kết nối, tìm kiếm khách hàng, ông Sáu đã góp phần giúp gạo thơm Thủy Thanh có mặt ở thị trường miền Nam, miền Bắc. Và nhờ hỗ trợ của các cấp chính quyền, ban ngành, gạo thơm Thủy Thanh đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao vào năm 2023. Từ những nỗ lực của bản thân trong phát triển kinh tế gia đình, đến hiện tại, ông Ngô Viết Sáu có 9 năm liên tục đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp cơ sở; 8 lần đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện và cấp tỉnh.

Ngoài những thành tích trên, tại địa phương, ông Ngô Viết Sáu còn được biết đến là một trong những cá nhân tích cực trong các phong trào xây dựng nông thôn mới, phong trào thi đua “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và thoát nghèo bền vững”...

Chuyện với ông Ngô Viết Sáu cũng đến hồi vãn, lúc chia tay, như sực nhớ điều gì, ông níu lại giọng hồ hởi: “Nãy quên… khoe là vừa qua, từ hỗ trợ của TX. Hương Thủy cộng thêm kinh phí gia đình, tui đã mở rộng cơ sở, thay thế trang thiết bị hiện đại và mua thêm máy đánh bóng gạo để tham gia sản xuất lúa gạo theo mô hình liên kết chuỗi giá trị với tổng kinh phí đầu tư tầm 1 tỷ đồng”. Nói rồi ông chép miệng: “Tới đây tui càng lúc càng thêm việc”…

Chuyện “thêm việc” của ông Sáu rất đáng mừng, rất đáng để khoe. Bởi khi tham gia sản xuất lúa gạo theo mô hình liên kết chuỗi giá trị sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu vào và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với gia đình ông Sáu, đây là một trong những cách làm hiệu quả để làm giàu, còn với các lao động khó khăn tại địa phương, điều này sẽ giúp họ thêm cơ hội thoát nghèo bền vững.

Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/chuyen-ong-sau-thon-lang-xa-bau-143656.html