Chuyện phiếm

Miên bước ra ngoài sân một cách nặng nề, cứ như có hòn đá tảng đeo ở chân, đôi chân không còn muốn bước nữa.

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

Cô cầm cây chổi quét một cách uể oải từ trong sân ra ngõ. Những nhát chổi chả ăn nhập gì với nhau. Vài bông giấy bay xao xác từ ngoài vào. Miên kệ. Cô chẳng còn tâm trí nào đuổi theo, lấy chổi chặn lại rồi quét ra ngoài như mọi bữa.

- Nấu cơm chưa? – Chị Lân hàng xóm cũng vừa quét ra đến ngoài.

- Em vừa nấu xong chị ạ!

- Lại nữa hả?

Chị Lân hỏi vậy khi nhìn vào khuôn mặt Miên. Đôi mắt Miên sưng mọng và vẫn còn ầng ậng nước. Miên không nói gì, chỉ lặng lẽ gật đầu. Chị Lân cầm theo chiếc chổi sang cổng nhà Miên, kê xuống dưới để ngồi. Miên cũng kê chổi ngồi. Cứ lặng lẽ như vậy, chẳng nói gì. Từng cơn gió chiều nhẹ thổi làm giàn bông giấy lao xao, thỉnh thoảng lại có cánh hoa nhẹ rơi xuống rồi bị gió cuốn lăn đi.

- Làm hội nghị bàn tròn ngồi lê đi - Chị Xoan từ nhà mình đi ra trên tay bê rổ gì đó, nói lớn từ phía xa. Chị vừa đi vừa gọi:

- Út ơi, làm gì đó? Ra đây chơi. Cứ ở mãi trong nhà cớm hết người á.

Cô gái trẻ mà chị Xoan gọi là Út lẹt xẹt đôi dép chạy ra khi chị Xoan vừa ngồi xuống. Mấy người phụ nữ ngồi quây bên nhau trò chuyện. Chị Xoan bổ mấy quả xoài, bỏ luôn vào cái rổ. Tay bổ, miệng rổn rảng:

- Sáng nay đi chợ, gặp bà cụ ngồi bán xoài, thấy bà tội tội, ghé mua ủng hộ. Này, xoài chín cây vườn nhà đấy, ngon ra phết. - rồi chị hất hàm hỏi Miên - Mặt mày bí xị như bánh đa nhúng nước vậy Miên?

- Lại mới bị bà mộng chè chửi – Chị Lân vừa cầm miếng xoài chóp chép, vừa trả lời.

Miên càng buồn hơn. Chưa kịp kể, mắt đã rưng rưng, giọng lại như muốn khóc. Rồi Miên khóc thật, khóc thành tiếng. Dường như bao nhiêu tủi hờn, ấm ức trong lòng đều trôi ra theo dòng nước mắt. Từ ngày về làm dâu bà Uyển, Miên buồn nhiều hơn vui. Dù vẫn biết nhiều bà mẹ chồng hay khó tính nhưng đến kiểu như bà Uyển chắc có một không hai.

Vì không ưa ngay từ đầu nên bà luôn bới bèo ra bọ. Đúng kiểu không ưa quả dưa có dòi. Ngày Miên mới về, bà suốt ngày bảo, người đâu mà dớt lèo lèo, gió thổi một cái là bay thì làm ăn gì nổi. Rồi hơn một năm chưa thấy Miên chửa đẻ gì, bà bóng gió nói gái độc không con.

Miên nhịn hết, Miên chẳng muốn nói qua nói lại với mẹ làm gì, bởi nói rồi thì được gì? Chỉ thấy lòng tổn thương thêm. Nhưng không nói mà tai lại cứ nghe, nghe mãi thì sinh ra ấm ức. Cục tức cứ dồn lại ngày một lớn, tường thành của sự nín nhịn cứ mỏng dần, đến khi không còn đủ sức chống đỡ nữa. Cục tức trào ra, như nước phá tung bờ. Vậy là chiều nay Miên cãi lại bà Uyển.

***

Chiều nay, như mọi ngày, Miên ngồi làm bên bàn may, qua tiếng máy chạy xoèn xoẹt, Miên nghe như mẹ chồng đang nói gì mà con đấy hết đức, gì mà loại yêu tinh. Miên kệ, hàng đang gấp, may cho xong tối nay còn soạn đồ giao. Nhưng càng ngày bà càng nói to, kiểu như cốt để Miên nghe thấy. Lát sau, bà đi tới chỗ Miên ngồi. Miên vừa dừng chân đạp máy, chưa hiểu có chuyện gì, bà đã chỉ tay vào mặt Miên nói với giọng tức tối, hằn học:

- Sao cái loại mày không hộc máu mà chết đi, đồ yêu tinh, đồ ăn thịt người.

Miên ngơ ngác vì bất ngờ, cố giữ giọng bình tĩnh hỏi lại:

- Sao mẹ lại nói con vậy? Con có gì thì mẹ nói chứ mẹ rủa con gì mà ghê thế!

Bà Uyển vẫn sùng sùng lên, rồi bà bảo ngay từ ngày nhìn thấy Miên bà đã không vừa mắt rồi, mà vì thằng con trai nên bà cắn răng chấp thuận, những mong sẽ hóa giải được cái vận sao chổi trong Miên. Ấy vậy mà không được.

- Ngày xưa tao đi xem, thầy bói bảo mày tuổi gà mà cốt rắn, mày không khắc chồng thì khắc con. Ngày đó tao còn bán tín bán nghi, giờ thì hai năm rõ mười. Loại mày là loại rắn độc.

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

- Mẹ. Chuyện của thằng cháu lỡ may bị vậy chứ con đâu muốn…

- Mày câm ngay, tao không có mẹ con gì với cái loài rắn độc, loại yêu tinh, hết đức – bà Uyển cắt ngang lời Miên.

Miên ức lắm. Bao nhiêu lần rồi, nhà cứ có chuyện gì là bà bóng gió đổ cho Miên. Đến cả thằng con Miên đi xe ngã gãy tay bà cũng nói do Miên thì thật hết chịu nổi. Miên đứng phắt dậy, lớn tiếng:

- Mẹ vừa phải thôi chứ. Bao nhiêu chuyện mẹ nói không ra sao con đều nín nhịn rồi thì mẹ đừng dồn con chứ. Mẹ đừng có cậy làm mẹ thì muốn nói gì thì nói. Con con, con không xót hay sao mà mẹ còn nói vậy.

Miên nói mà nước mắt bật ra. Bao ấm ức lâu nay theo đó mà xổ ra hết. Bà Uyển bỏ đi vào trong phòng. Bao nhiêu những lời cay độc nhất bà đem ra chửi. Bà vốn vậy, về khoản chửi không ai qua được bà. Miên cứ đứng đó, càng buồn, càng khóc, vừa vì mẹ chồng nghĩ điều cay nghiệt cho mình, vừa vì đã dặn lòng chẳng cãi vã làm gì rồi lại mang tiếng con dâu khác máu tanh lòng, vậy mà cuối cùng cũng không giữ được.

***

Một lúc, Miên gạt nước mắt. Dường như nước mắt đã giúp tâm hồn Miên dịu bớt đi.

- Bao lâu nay, em đã cố gắng không để ý những lời bà nói rồi. Nhưng vừa rồi bà nói em ăn ở hết đức thì thằng con em nó mới bị gãy tay như vậy làm em không chịu nổi. Nó bị vậy, em xót lắm chứ, đằng này…

- Thôi, nghĩ nhiều làm gì cho mệt. Hồi nào bả nói thì mình đi ra ngoài, khỏi nghe. - Thôi, thôi, dẹp. Ở cái xóm này, ai còn lạ gì tính bà ấy. Mấy năm nay thêm già cả nữa thì càng khó chịu, chấp làm gì cho nhọc lòng vậy? Ăn đi.

- Bà càng ngày càng ghét em. Quần áo hồi giờ em mua cho, bà mang vứt đi hết rồi. Em còn không được vào phòng bà quét dọn.

- Càng khỏe.

- Nhưng…

- Bà không thích thì để thuận theo tự nhiên đi, cứ cố làm gì. Mình cứ lặng lẽ quan tâm là được. Cứ làm sao không hổ thẹn với lương tâm mình em ạ.

Rồi chị Xoan kể:

- Ngày xưa nha, mẹ chồng chị cũng ác chiến lắm. Ai đời nằm một chỗ rồi mà ngày đêm lôi chị ra chửi đấy – chị Xoan cười hà hà – chỉ tại mỗi cái tội tao chửa trước, thế mà suốt gần hai chục năm làm dâu, bà coi không ra gì. Ngồi đút cơm cho bà ăn mà bà cũng rên rỉ chửi. Ăn không ưng là phun cả vào mặt ấy chứ. Có bữa tao hỏi “Mẹ định ghét con mãi thế này á”.

Bà điên lên nghiến răng kèn kẹt “Mày chết đi, đồ đàn bà trắc nết”. Thế tao bảo là tại con trai bà nữa chứ mình con thì lấy gì mà trắc với chả nết. Bà chồm dậy định đánh tao. Mà khổ nỗi, ốm nằm liệt còn ba hột sức, nhấc người không nổi, lại nằm vật xuống thở. Tao lại kê đầu ngay ngắn đặt lên gối, đút cho ăn, vừa ăn vẫn vừa chửi. Thế lạ.

- Bà chết cũng mười năm rồi nhỉ? – Chị Lân hỏi.

- Tháng Tám này tròn mười năm.

- Ngày bà mất em đang đi học đại học nhỉ! - Út bảo – Các chị cứ kể toàn chuyện mẹ chồng vậy sao em dám đi lấy chồng chứ. Cuộc sống dù vất vả, mệt nhọc đến mấy cũng cố được chứ tinh thần mà không thông thì “vác bình tông không đặng”.

- Thôi đi cô! Chẳng qua là cô chưa gặp được đúng người thì nói vậy. Chứ gặp đúng người rồi xem, thương cả đường đi lối về. Bà chặn cửa trước, tui đi cửa sau nhá.

- Như chị chứ gì?

Cả bọn cười phá lên. Miên cũng cười. Ừ thì mỗi lần bà gây chuyện, nói xỉa, nói móc cũng buồn nhưng cũng không giận được. Miên mồ côi mẹ từ nhỏ, cô coi mẹ chồng như mẹ đẻ, yêu thương chăm sóc. Nhưng không hiểu sao bà càng ngày càng ghét Miên như thế nên cô buồn. Chồng Miên bảo, em đừng để ý làm gì, mẹ già rồi, người già như con nít ấy.

- Này, mà sau này mấy tụi mình cũng đều là mẹ chồng cả đấy nhé. Lúc đó không khéo lại khó chịu gấp mấy lần bà ấy chứ.

- Ai khó chịu thì khó nhé chứ đây không bao giờ nha.

- Ai biết được đấy! Chứ như bà già chồng nhà này, nghe nói ngày bả còn trẻ hiền khô à. Đến cái lúc trở tính, có trời mới cản được. Mà tui nói cho nghe, không khéo khó chịu nó có gen di truyền thì bỏ bố. Bà mẹ đẻ bà ngày còn trẻ cũng hiền đúng không, thế mà mấy năm gần chết, kinh khủng khiếp.

Chị Lân như chợt nhớ ra:

- Ờ ha. Mình cũng từng mà. Mà ai đời, từ ngày mẹ ốm, cứ lôi con gái ra hành. Cái gì cũng phải đến tay con gái nhưng hở ra là chửi chứ. Chả bắt con dâu làm gì. Việc gì cũng con Lân, con Lân đâu rồi. Nhiều lúc nghĩ không biết mình có phải con mẹ không nữa. Nhớ đợt bà ốm, mình ngồi canh, có khi mệt quá thiếp đi mà hễ bà tỉnh dậy là tay đập đập giường, chặp kêu khát nước, chặp kêu mỏi người, chặp bắt gãi chân,… xoay con nhỏ như đèn cù. Chị Ngọc thấy vậy thì bảo để chị thay cho nhưng nào bà có chịu. Ngày đó nhiều khi ấm ức, kiểu như bà muốn hành mình ấy.

- Vậy mà bà mới mất có vài năm đã quên hết hả?

- Quên đi chứ nhớ chi mấy chuyện đó. Chỉ nhớ ngày xưa mẹ vất vả nuôi anh em mình thôi. – chị Lân cười – được cái chị Ngọc càng ngày càng thương mình. Em chồng mà thương như em gái ấy chứ.

- Sướng nhất chị - Út cười.

- Quy luật bù trừ cả em ạ. Đấy, như chị Miên mày đây, bà Uyển dù có khó tính thật nhưng được cái ông Minh hiểu chuyện, thương vợ con, lúc nào cũng em ơi, em hỡi ngọt xớt à. Vợ hơi hắt hơi xổ mũi tí là lo rồi.

Chị Xoan tiếp lời:

- Chứ mà không ra sao nữa thì bỏ quách đi cho rồi, Miên nhỉ. Các cụ chẳng bảo “Chồng con là cái nợ nần/ Thà rằng ở vậy nuôi thân béo mầm” đấy sao. Nợ đời cả đấy. Chạy trời không khỏi nắng đâu.

Miên cười. Hôm nay chị Xoan lại thơ văn thế chứ. Ngày Miên về làm dâu bà Uyển, làm dân xóm này thì mẹ chồng chị Xoan đã mất rồi nên không biết chuyện. Nhưng cô từng nghe chồng kể ngày xưa chị Xoan cũng khổ lắm, mẹ chồng cứ gọi là ghét cay ghét đắng, tối ngày chì chiết vì tội chị chửa trước. Rồi bà còn ghét lây cả sang thằng con đầu của chị. Lúc nào bà cũng nghi ngờ, bóng gió không biết nó có phải con của anh Viên không, trong khi thằng bé giống cha như đúc, càng lớn càng giống. Mẹ chồng Miên thì không vậy, chỉ khó chịu, hằn học với con dâu chứ thương thằng cháu nội lắm.

- Xoài ngon quá chị Xoan ạ! Không biết gửi chị mua.

- Gửi liền.

- Phải trúng xoài này cơ.

- Chứ sao. Chị mày biết nhà bà cụ nha, bên Giang Bắc á. Sáng định mua ủng hộ đôi kí, mà thấy bà cụ già, ngồi bán nắng lên cân hết luôn. 5 kí hơn. Rồi tao hỏi bà cụ giờ ai chở về, bà bảo đi bộ về. Sáng đứa con chở bà lên cho bà ngồi bán rồi về đi làm. Thế là tao lại xin làm xe ôm phờ-ri tận nhà. Trời nắng, để bà đi bộ về không đành.

Thôi, về cơm nước cái đã, buôn mãi lại giàu mất gỡ thì bỏ bố. Tối nay đãi cả nhà sinh tố xoài.

Chị Xoan vừa nói vừa thu con dao nhỏ bỏ vào chiếc rổ giờ chỉ còn những vỏ và hạt xoài, đứng lên.

- Em cũng về nấu ăn kẻo lát bà bu về lại nhăn.

Út cũng đứng lên quay về nhà. Chỉ còn chị Lân và Miên ngồi đó.

- Bố con nó không có ở nhà hả?

- Anh ấy chở thằng nhỏ đi tái khám cái tay rồi. Hôm nay đúng mười ngày.

- Vui lên đi. Mình phải khỏe để lo cho chồng con nữa, đừng để ý bà nói gì. Nói chán, chửi chán rồi thôi ấy mà.

Chị Lân vừa nói vừa đứng dậy đi về nhà. Miên cũng vừa quay ra thì chồng và con về. Vừa đỗ xe, thằng bé đã khoe:

- Mẹ ơi, bác sĩ bảo tay con liền rồi á. Mà mười ngày nữa mới được tháo bột.

- Rồi mẹ dặn hai bố con ghé cửa hàng mua cho bà mấy bộ đồ, mua chưa?

- Mua rồi nhưng không biết có vừa không nữa. Chiều em đi đâu mà anh gọi không bắt máy?

- Em ngồi chơi với mấy chị ở ngoài này chứ đâu. Máy em để trong nhà nên không biết anh gọi. Hai bố con vào tắm rửa rồi còn ăn cơm.

Chồng và con vào rồi, Miên còn đứng ngắm giàn bông giấy một lúc. Giàn bông giấy màu tím nhạt ửng lên trong ánh chiều. Thực ra, lúc chồng gọi Miên cũng biết nhưng không bắt máy vì không muốn anh biết mình đang khóc. Miên hít một hơi thật sâu rồi nhè nhẹ thở ra. Cô bước vào sân đã nghe tiếng thằng con ríu rít bên bà nội giục bà thử quần áo đi, bố con cháu đi mua đấy. Bà thích màu này đúng không? Vừa in luôn. Bố ơi, bà mặc vừa in luôn. Miên mừng thầm, cũng may bà chỉ ghét mình Miên.

Trương Thị Thúy (Giáo viên Trung tâm GDNN - GDTX Tuy Phước, huyện Tuy Phước, Bình Định)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chuyen-phiem-post640674.html