Chuyện phóng viên y tế tác nghiệp trong tâm dịch

Các phóng viên luôn có mặt ở những điểm nóng như bệnh viện, khu cách ly khu phong tỏa để chuyển tải thông tin đến độc giả và luôn đảm bảo phòng dịch cho mình.

Sáng 29 tết Canh Tý (tức ngày 23-1-2020), TP.HCM ghi nhận hai ca dương tính với COVID-19 đầu tiên tại Việt Nam.

Cũng từ thời điểm này, các PV y tế bắt đầu với chuỗi thông tin liên tục cập nhật cho bạn đọc về một đại dịch mới xuất hiện. Họ luôn có mặt ở những nơi “nóng” nhất như bệnh viện, khu cách ly, các khu vực phong tỏa để chuyển tải thông tin đến độc giả.

Luôn trong tâm thế mình sẽ thành F0

PV Phạm An, hiện công tác tại báo Phụ Nữ TP.HCM, nhớ lại ngày đầu khi dịch COVID-19 xuất hiện tại TP.HCM: “Sáng 29 tết Canh Tý, các anh chị nhắn tin, gọi điện thoại báo BV Chợ Rẫy TP.HCM có hai ca dương tính, cũng là hai ca bệnh đầu tiên tại Việt Nam”.

“Lúc này tôi cũng hơi lo lắng vì chưa từng tác nghiệp dịch bệnh nguy hiểm như vậy, đa số anh chị có kinh nghiệm tác nghiệp ở dịch SARS năm 2002 đã về quê. May mắn, các chuyên gia dịch tễ, bác sĩ đã giúp tôi rất nhiều về cơ chế lây bệnh của virus và cho tôi vài lời khuyên về cách phòng tránh” - chị An kể tiếp.

Cũng theo PV Phạm An, từ cuối tháng 5-2020, các PV trong mảng cũng như chị luôn chuẩn bị tinh thần việc mình sẽ thành F0 bất kỳ lúc nào. “Tôi đã khá quen với các cuộc gọi thông báo mình là F2, có ngày tôi gom lại thì… được ba cái F2. Tôi cũng soạn sẵn ba lô để trong tình huống xấu nhất mình có thể chủ động” - chị An chia sẻ.

PV Minh Tâm đang tác nghiệp ở khu xử lý rác thải Nhà máy xử lý chất thải nguy hại tại bãi rác Đông Thạnh (Hóc Môn, TP.HCM). Ảnh: NGUYỆT NHI

PV Minh Tâm đang tác nghiệp ở khu xử lý rác thải Nhà máy xử lý chất thải nguy hại tại bãi rác Đông Thạnh (Hóc Môn, TP.HCM). Ảnh: NGUYỆT NHI

PV Phạm An cũng kể thêm những câu chuyện của đồng nghiệp mà chị đã chứng kiến khi tác nghiệp. Đó là những người đã có gia đình, có con nhỏ, ra hiện trường rất nhiệt tình, máu lửa. Khi đã gửi tin về tòa soạn, phút nghỉ ngơi, họ lại chạnh lòng lo lắng nếu chẳng may mình nhiễm bệnh thì quá thương mấy đứa nhỏ.

“May mắn lớn nhất của chúng tôi không chỉ dừng lại ở sự thấu hiểu, sẻ chia của gia đình, đồng nghiệp, mà là tính đến hiện tại chưa ai bị nhiễm bệnh” - PV Phạm An nói.

Đại dịch COVID-19, những kỷ niệm khó quên

Là một PV trẻ đang công tác tại báo Pháp Luật TP.HCM, Nguyễn Thị Minh Tâm phải thực hiện các video về dịch COVID-19. Khi đợt dịch thứ tư tại TP.HCM bùng phát, PV Minh Tâm vừa phải chạy đua thời sự, vừa quay vừa kết hợp làm nội dung video, lại vừa chụp ảnh để hỗ trợ PV y tế làm tin.

Minh Tâm cho hay bản thân chị rất lo lắng vì nếu không cẩn thận, để bị nhiễm bệnh sẽ gây ảnh hưởng đến nhiều người. “Có hôm tôi đi tác nghiệp tại khu chế xuất ở quận 7, ghi nhận lấy mẫu của công nhân. Mấy ngày sau nhận tin ở đó có người dương tính và phải phong tỏa. Lúc hay tin, tôi rất sợ. May sao, khi kiểm tra thông tin lại thì người này đã bị cách ly trước khi tôi đến” - nữ PV kể lại.

PV Minh Tâm nói đã từng thấy mệt và đuối sức vì chạy nhiều nơi khắp TP ghi nhận phong tỏa, lấy mẫu đến tận 2-3 giờ sáng; tuy nhiên với ý thức phải chuyển tải đầy đủ thông tin nhất đến với bạn đọc, chị lại tự động viên mình cố lên rồi tiếp tục.

Theo Minh Tâm, kỷ niệm mà chị nhớ nhất có lẽ là lần theo chân một chuyến xe cứu thương chở bệnh nhân từ khu cách ly đi bệnh viện chạy thận. “Tôi mặc bộ đồ bảo hộ y tế và ngồi lên xe. Khi xe vừa lăn bánh chưa được bao xa, người tôi đã lâng lâng, nôn ói vì say xe và nóng nực. Bộ đồ này giúp tránh lây nhiễm nhưng thực sự gây khó chịu cho người mặc. Lúc đó tôi càng thấm hơn sự hy sinh thầm lặng của lực lượng y tế” - PV Minh Tâm nhớ lại và cho biết những ngày tác nghiệp dịch COVID-19 là khoảng thời gian đáng trân quý nhất trong thời gian làm nghề của mình.

Còn với PV Nguyễn Thị Hoàng Lan - đảm trách mảng y tế của báo Pháp Luật TP.HCM, chị đã trải qua nhiều đợt tác nghiệp với nhiều cảm xúc. Ngày 23-5 là một ngày thật đặc biệt khi chị được phân công tác nghiệp về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp ở BV dã chiến Củ Chi.

Tại đây, PV Hoàng Lan đã gặp một Việt kiều đang điều trị COVID-19 và được nghe những chia sẻ của anh về lần đầu tiên tham gia bỏ phiếu ở quê nhà, ở một nơi không ai ngờ tới là bệnh viện. Cũng nơi này, chị cảm nhận rõ hơn tình cảm, sự sẻ chia giữa người bệnh, người đang thực hiện cách ly với bác sĩ. Họ tự động viên, hỗ trợ nhau, tạo bầu không khí thoải mái nhất, với cùng một mong muốn mau hết dịch.•

Lỡ hẹn… ngày giỗ má

Trong đợt dịch đầu tiên ở TP.HCM, PV Phạm An, báo Phụ Nữ TP.HCM, đã không thể về quê vào ngày đám giỗ của mẹ mình. Chị chạnh lòng báo tin cho mọi người hẹn năm sau sẽ về…

“Khi các anh chị PV khác biết chuyện, mọi người hẹn nhau đến cúng giỗ má tôi, người mang bánh trái, người đem nước ngọt, người xách theo thịt… Các anh chị cùng nhau nấu nướng, đó là ký ức ngọt ngào mà tôi không thể quên” - PV Phạm An xúc động.

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/chuyen-phong-vien-y-te-tac-nghiep-trong-tam-dich-994360.html