Chuyển qua, chuyển lại… đến bao giờ?

Có không ít vụ việc rõ ràng, đầy đủ thông tin được người dân tố giác với cơ quan chức năng, nhưng lại bị chuyển lòng vòng, chưa biết cơ quan nào sẽ có trách nhiệm giải quyết hoặc cơ quan chức năng giải quyết vụ việc trong thời gian quá dài.

 Bà T.L. (ngụ phường 19, quận Bình Thạnh, TPHCM) bị lừa xuất khẩu lao động bởi visa 482 (giả)

Bà T.L. (ngụ phường 19, quận Bình Thạnh, TPHCM) bị lừa xuất khẩu lao động bởi visa 482 (giả)

1. Đêm 9-1-2023, một vụ tai nạn giao thông đã xảy ra tại giao lộ Hoàng Quốc Việt và Huỳnh Tấn Phát (quận 7, TPHCM). Vụ va chạm giữa ô tô và xe gắn máy đã khiến ông Trần Quang Trung (ngụ phường Tân Phú, quận 7), người điều khiển xe gắn máy, tử vong tại chỗ.

Suốt một thời gian dài, gia đình không nhận được thông tin gì về kết quả điều tra vụ việc. Sau hơn 6 tháng kể từ ngày xảy ra vụ tai nạn, bà Hồng (vợ ông Trung) gửi đơn khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền. Sau đó vài ngày, bà Hồng nhận được 2 giấy mời đến Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận 7 để được cung cấp thông tin. Nhưng khi đến cơ quan điều tra, bà Hồng chỉ nhận được 3 thông báo kết luận giám định.

Theo kết luận giám định của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận 7, không đủ cơ sở xác định tốc độ của ô tô và xe mô tô tham gia vụ tai nạn giao thông; chỉ xác định các dấu vết trầy xước của 2 phương tiện là trùng khớp, không phát hiện dấu vết va chạm với phương tiện khác.

Ông Ngô Hồng Thắm (em vợ của ông Trung) bức xúc nói: “Hiện trường vụ tai nạn giao thông cách nhà chúng tôi không xa. Khi được thông báo, chúng tôi vội vã đến nơi. Sau khi xảy ra tai nạn giao thông, ông Nguyễn Bá Tuấn (người điều khiển ô tô) điều khiển phương tiện rời khỏi hiện trường. Người dân chứng kiến vụ việc đã rượt đuổi theo hơn 1 cây số và giữ lại xe.

Theo sự chứng kiến của những người rượt đuổi, khi bị buộc bước ra khỏi ô tô, ông Tuấn nồng nặc mùi rượu bia. Không hiểu sao với vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng như vậy, cảnh sát giao thông không tạm giữ tài xế cũng như phương tiện để phục vụ điều tra? Thời gian điều tra quá dài khiến gia đình không thể thực hiện các quyền của công dân theo quy định của Luật Giao thông đường bộ và Thông tư 63/2020/TT-BCA ngày 19-6-2020 trong thời hạn luật định!

2. Trên số báo ngày 16-3-2024, Báo SGGP đăng bài viết “Tinh vi lừa đảo đi lao động nước ngoài”. Bài viết phản ánh các trường hợp bị lừa đi lao động tại Australia theo chương trình xuất khẩu lao động, diện visa 482.

Bà T.L. (ngụ phường 19, quận Bình Thạnh, TPHCM) cho biết: “Tôi quá tin tưởng vào cháu của người bạn thân nên bị lừa. Người đó tên Nguyễn Trung Thành, vẻ ngoài lịch sự, ăn nói lễ phép, đã từng đi du học ở nước ngoài, nghe đâu đã có bằng thạc sĩ ngành Quản trị doanh nghiệp. Thành đang là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn công nghệ và đầu tư Duy Thành, có địa chỉ tại một cao ốc ở quận Ba Đình, Hà Nội và văn phòng chi nhánh ở một cao ốc trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TPHCM”.

Thành nói với bà T.L. rằng có chương trình xuất khẩu lao động đi Australia theo diện visa 482, đương đơn không cần bằng cấp tay nghề cũng như trình độ tiếng Anh, có thể đưa thân nhân đi theo. Sau khi ký hợp đồng và nộp tiền cho Thành, bà T.L. nhận được visa 482 và vé máy bay đi Australia. Tuy nhiên, qua xác minh, bà T.L. chưa bao giờ được cấp visa 482 nên không thể nhập cảnh vào Australia. Còn vé máy bay đi nước ngoài có thể đặt mua qua mạng và nếu hủy chuyến thì người mua vé chịu phí.

Bà T.L. đã làm đơn gửi Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TPHCM và Công an quận Bình Thạnh. Vài ngày sau, bà nhận được Phiếu chuyển nguồn tin về tội phạm của Phòng Cảnh sát Hình sự. Phiếu chuyển ghi: “Tố giác không thuộc thẩm quyền giải quyết”, và chuyển đơn cùng tài liệu vụ việc đến Công an quận Bình Thạnh giải quyết theo thẩm quyền.

Hơn chục ngày sau, Công an quận Bình Thạnh có Phiếu chuyển đơn cho Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Ba Đình, Hà Nội. Nội dung phiếu chuyển đơn có đoạn: “Qua nghiên cứu nội dung và tài liệu kèm theo, nhận thấy nội dung đơn tố giác đối tượng Thành đang thường trú tại Tòa M3 - Vinhomes Metropolis, 304 Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội. Vì vậy, Công an quận Bình Thạnh chuyển lại đơn kèm tài liệu có liên quan đến Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Ba Đình, Hà Nội thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền”.

Gần 1 tháng sau, bà T.L. nhận được thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm từ Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Ba Đình. Thông báo nêu: “Căn cứ vào nội dung đơn và tài liệu được cung cấp, thu thập được, xác định việc ký kết hợp đồng giữa bà T.L. và ông Nguyễn Trung Thành diễn ra ở TPHCM. Các sao kê, chuyển tiền giữa bà T.L và ông Thành cũng đều diễn ra tại nhiều ngân hàng ở TPHCM. Do vậy, thẩm quyền thuộc Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Bình Thạnh. Công an quận Ba Đình đã chuyển đơn tố giác tội phạm nêu trên đến Công an quận Bình Thạnh để xem xét, giải quyết theo đúng thẩm quyền”!

Vụ việc lừa đảo với thủ đoạn làm giả giấy tờ đã rõ, đặc biệt là có yếu tố nước ngoài (làm giả visa 482 của Đại sứ quán Australia, Tổng lãnh sự quán Australia) nhưng cơ quan chức năng chuyển qua, chuyển lại…, không biết lúc nào mới điều tra làm rõ, xử lý kẻ lừa đảo được?

ĐOÀN HIỆP

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chuyen-qua-chuyen-lai-den-bao-gio-post744374.html