Chuyện rắn trong dân gian

Trong 12 con giáp, rắn ở vị trí thứ sáu. Đây cũng là một trong những loài vật xuất hiện nhiều trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam. Mỗi vùng miền, mỗi dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam đều có những câu chuyện thú vị xoay quanh loài vật này.

Truyền thuyết về rắn trên sông Đà Rằng

Sông Đà Rằng là hạ lưu của sông Ba - con sông lớn nhất miền Trung. Đoạn từ đập Đồng Cam đến cửa biển Đà Diễn dài 32km. Từ xưa, trong dân gian Phú Yên đã lưu truyền một truyền thuyết về hai con rắn thần trên sông Đà Rằng.

Chuyện kể rằng có hai vợ chồng nhà nọ chuyên đi chăn vịt đẻ. Một hôm, khi ra chòi vịt giữa đồng nhặt trứng thì vợ chồng thấy có hai quả trứng to khác thường. Người chồng bàn với vợ, nên để riêng hai quả này và chờ ấp nở con ra như thế nào? Lạ thay, hai quả trứng ấy không nở ra vịt mà lại nở ra hai con rắn, một con dài đuôi, một con cụt đuôi, đều màu trắng. Hai con rắn phàm ăn, chóng lớn, lại hiền lành, không bao giờ cắn ai hay bắt vịt trong đàn, chỉ săn bắt chuột đồng, ếch nhái…

Khi chúng lớn bằng chiếc sõng câu, dài gần mười trượng, thì chúng càng ăn to; chuột đồng, ếch nhái cũng không còn, nên chúng đi thật xa, đến các cánh đồng, ngôi làng khác để tìm mồi, thậm chí lén bắt gà, vịt của dân làng. Chẳng may, chúng bị dân làng bắt được, liền khiêng đi ném xuống dòng sông Đà Rằng, sau đó được Long Vương cho làm con nuôi. Một thời gian sau, con cụt đuôi ỷ mình là con Long Vương, nên thường nổi lên quấy nhiễu dân làng, quậy phá những chuyến đò dọc, ngang trên sông Đà Rằng.

Một hôm, có hai vợ chồng nhà kia đi thuyền ngược lên đập Đồng Cam. Người vợ cực kỳ xinh đẹp. Rắn cụt đuôi nảy tà tâm liền cuộn sóng, nhấn chìm thuyền, bắt người vợ về thủy cung. Người chồng may mắn được dân làng cứu sống, đứng trên bờ than thở thì có vị thần mặt đỏ, râu đỏ đang ngồi luyện linh đơn dưới gốc đại thụ ven sông.

Ông chính là Xích Long Hầu. Nghe người chồng kể lại sự tình, Xích Long Hầu liền hóa phép cho người chồng xuống thủy cung và tìm thấy người vợ đang bị trói ở đó. Người chồng tìm cách thuyết phục quân lính thủy cung để được bái yết Long Vương. Trước mặt Long Vương, người chồng sụp lạy, khóc lóc thảm thiết, kể lại đầu đuôi sự việc.

Nghe chuyện, Long Vương nổi giận, liền đày rắn cụt đuôi ra tận sông Kỳ Cùng, trả lại người vợ xinh đẹp cho người chồng chung thủy. Còn rắn dài thì được ở lại, ngăn chặn dòng lũ hàng năm, cứu giúp dân làng ở đôi bờ sông Đà Rằng, đưa phù sa từ lòng sông lên bồi đắp cho cánh đồng Tuy Hòa màu mỡ...

Rắn trong ca dao, dân ca

Trong dân gian, rắn lại có nhiều đặc điểm như tính cách, hành động của con người: Những người tính cách thẳng thắn thường được ví là thẳng như rắn bò. Ai trâng tráo, mắt thao láo liếc ngang liếc dọc thì bị nói là thao láo như mắt rắn ráo. Kẻ hay kêu la thì người ta bảo oai oái như rắn bắt nhái. Người hay cãi cọ thì được so sánh bạnh cổ như cổ hổ mang... Hành động hay lén lút, sợ sệt thì được so sánh len lét như rắn mùng năm. Ai hay bịa đặt, ba hoa quá sự thật thì bị gọi là vẽ rắn thêm chân. Chỗ nguy hiểm thì được ví như hang hùm miệng rắn. Ai phản bội quê hương, đất nước thì coi như cõng rắn cắn gà nhà...

Trong tục ngữ, ca dao, đồng dao cũng có nhiều hình ảnh đề cập đến rắn như: Bao giờ cho đến tháng ba/ Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng. Hay: Rồng rắn lên mây/ Có cây núc nác/ Có nhà điểm binh/ Hỏi thăm thầy thuốc/ Có nhà hay không?

Rắn thì nguy hiểm, có con rất độc, nhưng thịt rắn là món ăn đặc sản dân gian khoái khẩu: Cần chi cá lóc, cá trê/ Thịt chuột, thịt rắn nhậu mê hơn nhiều. Thịt rắn nấu chung với thịt gà là món long phụng phối.

Rắn cũng đi vào chuyện tình nam nữ trong các lễ hội: Con rắn hổ mây nằm cây thục địa/ Con ngựa nhà trời ăn cỏ chỉ thiên/ Phận em là gái thuyền quyên/ Ai mà đối đặng kết nguyền phu thê. Bên cạnh đó, rắn còn được dùng để chỉ sự may rủi: Hễ đi gặp rắn thì may/ Về nhà gặp rắn thì hay phải đòn...

Biểu tượng rắn năm Ất Tỵ ở Phú Yên có cặp mắt thiện lương, hiền hòa nhưng đầy chí khí của những người hiền, ví như câu nói dân gian “tu Phật về Phú Yên, tu tiên về Bảy Núi”. Đây cũng chính là tính cách của người dân xứ Nẫu, mà yếu tố thổ nhưỡng, văn hóa đã tạo nên nhân cách con người.

PHONG NIÊN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/325702/chuyen-ran-trong-dan-gian.html