Chuyện tác nghiệp ở Trường Sa

Trong đời làm báo, phóng viên được đi nhiều, trải nghiệm nhiều nhưng có lẽ được tác nghiệp ở Trường Sa là đặc biệt, khó quên nhất. Nói đặc biệt là bởi ở trong điều kiện khó khăn, gian khổ, chúng tôi cảm nhận sâu sắc nhất sự hi sinh thầm lặng của quân và dân trên đảo, từ đó cho ra đời những tác phẩm chân thực, sinh động, góp phần tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

"Đài phát thanh" giữa biển

Ngay khi chúng tôi bước chân lên Tàu Trường Sa 571 để bắt đầu chuyến hải trình đến với các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, trưởng đoàn công tác đã yêu cầu tập hợp các phóng viên và thành lập "đài phát thanh" trên tàu để kịp thời phản ánh hoạt động trên chuyến hải trình. Từ đó, hàng ngày, vào 20 giờ 30 phút, bản tin nội bộ được phát với thời lượng khoảng 20 phút. Nội dung các bản tin khá sinh động, phản ánh từ hoạt động thăm, tặng quà của đoàn công tác đến cảm nhận của đại biểu, gương người tốt, việc tốt, bài hát hay, bài thơ tiêu biểu... Giữa biển trời sóng nước bao la, bản tin đã thu hút sự chú ý theo dõi của tất cả thành viên đoàn công tác. Dù ở vị trí nào trên tàu, khi bản tin phát trên hệ thống loa nội bộ thì mọi người đều dành thời gian để dõi theo.

Các phóng viên tác nghiệp trên đảo Song Tử Tây.

Các phóng viên tác nghiệp trên đảo Song Tử Tây.

Trong số các phóng viên tham gia tổ phát thanh trên tàu phần lớn đều lần đầu tiên được đến Trường Sa. Nhà báo Trần Minh Thảo - Phó Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa và biên tập viên Lê Thị Thanh Trà (Phòng Chuyên mục, Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa) được giao nhiệm vụ đọc phát sóng các bản tin. Các phóng viên: Phạm Trang (Báo Hải quân), Thành Huế (Báo Vietnamnet)… được giao nhiệm vụ viết bài, biên tập… Không giống như ở đất liền, tác nghiệp trên đảo rồi về tàu làm phát thanh trong điều kiện thiếu thốn đem lại cảm giác đặc biệt. Biên tập viên Thanh Trà chia sẻ, khác với trên đất liền, việc đọc tin trên tàu không có đầy đủ trang thiết bị. Tại đây chỉ vỏn vẹn một bộ đàm để làm phát thanh trực tiếp nên phát thanh viên phải đọc thật chuẩn, hạn chế vấp. “Thời gian không có nhiều vì phải di chuyển lên đảo mỗi ngày 2 lần nên mỗi bản tin tôi chỉ đọc lướt qua 1 - 2 lần rồi đọc trực tiếp luôn. Nhưng thật đặc biệt suốt hành trình 7 ngày đêm trên tàu, các bản tin đều được tôi và nhà báo Trần Minh Thảo đọc trôi chảy. Có lẽ chúng tôi đã đọc những bản tin đó bằng cả trái tim”, chị Thanh Trà chia sẻ.

Đưa Trường Sa gần hơn với đất liền

Tôi từng được đến Trường Sa vào năm 2015. Khi đó, nhiều công trình phục vụ đời sống dân sinh đang được đầu tư dang dở… Quay lại nơi đây sau gần 10 năm, cảm nhận đầu tiên là diện mạo các đảo đã thay đổi rất nhiều, ngày càng khang trang, hiện đại. Đến Trường Sa, khác với những đại biểu trong đoàn, nhiệm vụ của phóng viên là tiếp cận quân và dân trên đảo, tranh thủ thời gian ngắn để chụp ảnh, quay phim, phỏng vấn để có thật nhiều tư liệu cho các tác phẩm báo chí. Thời gian ở trên các đảo thường chỉ kéo dài 2 - 3 giờ, vì vậy phóng viên phải biết cân đối, sắp xếp hợp lý để có thể lấy tư liệu dày dặn phục vụ viết bài.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến trò chuyện cùng cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến trò chuyện cùng cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến - Trưởng ban Thời sự - Nội chính, Báo Tiền phong cho biết, khi tiếng còi vang lên báo hiệu tàu rời đất liền cũng là lúc mỗi phóng viên “tự trang bị kịch bản tác nghiệp” cho mình khi đặt chân lên đảo. Mỗi ngày, đúng 6 giờ, các phóng viên được ưu tiên đi chuyến tàu đầu tiên trung chuyển lên các đảo; khoảng 10 giờ sáng, đoàn công tác rời đảo về tàu thì các phóng viên cũng đi chuyến tàu cuối. Dù được ưu tiên về thời gian như vậy song với phóng viên là không đủ để tác nghiệp. “Do đó, chúng tôi luôn tận dụng khoảng thời gian quý báu đó để phỏng vấn, ghi chép, chụp hình, thu thập tư liệu đầy đủ nhất để về đất liền viết bài tuyên truyền”, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến cho hay.

Các nhà báo tác nghiệp trên đảo Trường Sa.

Các nhà báo tác nghiệp trên đảo Trường Sa.

Nhà báo Nguyễn Thành Huế (Báo Vietnamnet) lần đầu đến với Trường Sa và coi đây là lần tác nghiệp đặc biệt nhất trong cuộc đời làm báo của mình. Ấn tượng nhất đối với nhà báo trẻ này có lẽ là lúc Tàu Trường Sa 571 chuẩn bị rời thị trấn Trường Sa, dưới cầu cảng quân và dân xếp hàng nghiêm trang hô vang: “Trường Sa chào đất liền”. Trên tàu, các đại biểu vẫy tay đáp lại “Đất liền yêu Trường Sa”. Đâu đó tiếng hô bỗng nghẹn lại, những giọt nước mắt lăn dài trên má... “Trước đây tôi nói chuyện với gia đình, bạn bè về tình yêu biển, đảo và Trường Sa thân yêu đều là tư liệu đọc được trên báo. Nay được trực tiếp đến và cảm nhận hơi thở cuộc sống ở Trường Sa mới thấy không có gì quý hơn khi được gặp gỡ những chiến sĩ hải quân, những người dân chất phác ngày đêm vượt qua hoàn cảnh khó khăn, canh giữ biển trời. Ở đó, có những câu chuyện bình dị của anh binh nhất trên thị trấn Trường Sa, những nụ cười tươi rói của người dân ở xã Sinh Tồn, những gương mặt sạm đen vì nắng gió của chiến sĩ trên đảo Cô Lin… Đó là những chất liệu quý báu để người làm báo có những tác phẩm chân thực, giúp đưa Trường Sa gần hơn với đất liền”, nhà báo Nguyễn Thành Huế tâm sự.

Ông NGUYỄN KHẮC TOÀN - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: Qua chuyến công tác thăm huyện đảo Trường Sa, tôi nhận thấy các phóng viên, nhà báo có tác phong chuyên nghiệp, đã xông xáo tranh thủ từng giây phút để có được những tư liệu quý, những bức ảnh đẹp. Qua những hình ảnh, tư liệu thu thập từ chuyến đi, tôi tin rằng các phóng viên sẽ có nhiều bài báo truyền cảm, phản ánh chân thực đời sống, ý chí kiên cường vượt khó của quân và dân huyện đảo Trường Sa; từ đó góp phần tích cực tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, quy tụ được tình cảm của nhân dân cả nước hướng về Trường Sa thân yêu.

VĂN KỲ

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202406/chuyen-tac-nghiep-o-truong-sa-6042cbf/