Chuyến thăm sớm Hàn Quốc và những tính toán 'vừa vặn' của ông Kishida

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio dự kiến tiến hành chuyến thăm Hàn Quốc sớm hơn dự kiến để có được một tháng 5 kết thúc trọn vẹn bằng thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Hàn.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại cuộc hội đàm hôm 16/3 tại Tokyo. (Nguồn: Kyodo)

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại cuộc hội đàm hôm 16/3 tại Tokyo. (Nguồn: Kyodo)

Thủ tướng Kishida Fumio dự kiến sẽ tiến hành chuyến thăm Hàn Quốc để đáp lại chuyến thăm Nhật Bản trước đó của Tổng thống Yoon Seok Yeol sau khi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước có nền công nghiệp phát triển G7 tại Hiroshima vào cuối tháng 5 này. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nhật Bản đã thay đổi ý định và sang thăm Hàn Quốc sớm hơn.

Theo các phương tiện truyền thông Hàn Quốc như Yonhap, KBSJoongAng Ilbo… những ngày qua, thông tin về chuyến thăm của Thủ tướng Kishida thu hút sự chú ý của dư luận Hàn Quốc.

Tờ Yomiuri Shimbun đưa tin “Chuyến thăm Hàn Quốc đầu tiên của Thủ tướng Kishida sau khi nhậm chức dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 7-8/5”. Các tờ Asahi Shimbun, Mainichi ShimbunNihon Keizai Shimbun cũng đưa tin về việc Thủ tướng Kishida thăm Hàn Quốc vào đầu tháng 5 và có cuộc gặp cấp cao với Tổng thống nước chủ nhà Yoon Suk Yeol.

Thủ tướng Kishida hiện đang có chuyến công du 4 nước châu Phi và Singapore, ông cho biết sẽ nhanh chóng tới Hàn Quốc ngay sau khi kết thúc chuyến công du.

Ông Kishida ngày 2/5 cho biết đang sắp xếp một chuyến công du đến Hàn Quốc. Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Nhật Bản cho hay: "Nếu chuyến công du Hàn Quốc của tôi thực sự diễn ra trước hội nghị G7, tôi hy vọng rằng đây sẽ là một cơ hội lớn để mang lại động lực cho 'chính sách ngoại giao con thoi' của chúng tôi và đó sẽ là một cuộc trao đổi chân thành về những quan điểm của chúng tôi trong việc thúc đẩy quan hệ Nhật-Hàn và cải thiện đáng kể tình hình thế giới hiện nay".

Một quan chức cấp cao thuộc Văn phòng tổng thống Hàn Quốc cho biết thêm “chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra”, song cũng không phủ nhận việc chính quyền hai nước đang đàm phán thu xếp chuyến thăm.

Nếu diễn ra, đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Nhật Bản sau 5 năm 3 tháng kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe thăm Hàn Quốc nhân dịp tham dự Thế vận hội mùa Đông PyeongChang hồi tháng 2/2018. Tuy nhiên, nếu xét về ngoại giao con thoi (ngoại giao hòa giải), chuyến thăm Hàn Quốc gần đây nhất là của Thủ tướng Yoshihiko Noda diễn ra hồi tháng 10/2011.

Chuyến thăm sớm dưới tác động của Mỹ

Giới phân tích cho rằng việc Thủ tướng Kishida đẩy sớm chuyến thăm so với dự kiến là thông điệp thể hiện sự chân thành đối với chính phủ của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Seok Yeol và thiện chí cải thiện quan hệ Hàn-Nhật.

Tờ Yomiuri đưa tin: “Chuyến thăm thể hiện ý định muốn đẩy nhanh tiến độ cải thiện quan hệ song phương để đáp lại các động thái tích cực của Tổng thống Yoon đối với quan hệ Hàn-Nhật bằng cách tiến hành sớm nhất có thể chuyến thăm Hàn Quốc ngay sau chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Yoon hồi tháng 3”.

Ngoài ra, các phương tiện truyền thông Nhật Bản và các nhà phân tích ngoại giao cũng cho rằng tác động của Mỹ là yếu tố chính.

Hãng thông tấn Kyodo cho rằng “chuyến thăm Hàn Quốc vào đầu tháng 5 trước thềm hội nghị thượng đỉnh G7 nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, vốn được đồng minh Mỹ hết sức coi trọng”.

Hợp tác Hàn-Mỹ-Nhật được củng cố

Sau hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Yoon Seok Yeol và Tổng thống Mỹ Joe Biden, hợp tác giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản phát triển mạnh mẽ.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Hàn đều nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác ba bên Mỹ-Hàn-Nhật dựa trên các giá trị phổ quát và cam kết vì thịnh vượng và an ninh chung.

Tổng thống Biden hoan nghênh các bước đi quyết đoán của Tổng thống Yoon nhằm cải thiện quan hệ Hàn-Nhật, đồng thời ủng hộ mạnh mẽ hai nước mở rộng quan hệ, qua đó tăng cường hợp tác ba bên trong các lĩnh vực an ninh kinh tế và hợp tác khu vực.

Tại cuộc họp hẹp trước hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Biden đã nói với Tổng thống Yoon rằng ông “rất biết ơn về quyết định ngoại giao táo bạo và dựa trên nguyên tắc của Tổng thống Yoon đối với Nhật Bản”.

Phát biểu của Tổng thống Biden cho thấy Mỹ đã dành quan tâm lớn như thế nào đến việc khôi phục quan hệ Hàn-Nhật. Điều này là do hợp tác Hàn-Mỹ-Nhật chỉ có thể được khởi động khi Hàn Quốc và Nhật Bản khôi phục quan hệ.

Lý do Mỹ nhấn mạnh hợp tác ba bên với Hàn Quốc, Nhật Bản thể hiện rõ trong phát biểu tại cuộc họp báo chung. Tổng thống Biden nói: “Thông qua việc tăng cường hợp tác ba bên Mỹ-Nhật-Hàn, tương lai của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trở nên tự do và thịnh vượng hơn”.

Tổng thống Biden muốn tăng cường quan hệ ba bên với Hàn Quốc và Nhật Bản nhằm chống lại các mối đe dọa như Trung Quốc - quốc gia thách thức vị thế bá quyền của Mỹ và một Triều Tiên đang phát triển năng lực hạt nhân, tên lửa.

Các phương tiện truyền thông Nhật Bản cho rằng chính phủ nước này không thể đứng ngoài xu hướng trên và không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đáp ứng yêu cầu của Tổng thống Biden.

Sau hội nghị thượng đỉnh Hàn-Nhật, khả năng cao là hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ-Nhật sẽ được tổ chức bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima, Nhật Bản từ ngày 19-21/5.

Trong vòng một tháng, các hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ, Hàn-Nhật và Hàn-Mỹ-Nhật sẽ lần lượt được tổ chức.

Tại hội nghị thượng đỉnh Hàn-Nhật, hợp tác trong lĩnh vực an ninh kinh tế, như tăng cường chuỗi cung ứng chất bán dẫn và hợp tác an ninh ba bên Hàn-Mỹ-Nhật dự kiến sẽ là các nội dung chính trong chương trình nghị sự.

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chuyen-tham-som-han-quoc-va-nhung-tinh-toan-vua-van-cua-ong-kishida-225829.html