Chuyến thăm tái định hình quan hệ Mỹ - vùng Vịnh
Từ ngày 12-15/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến thực hiện chuyến thăm 3 nước vùng Vịnh gồm Saudi Arabia, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Đây là chuyến công du đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump, mang nhiều tầng ý nghĩa vượt ra ngoài một hoạt động ngoại giao thông thường và việc Nhà Trắng chọn 3 quốc gia nói trên làm điểm đến đầu tiên cho thấy trọng tâm chiến lược của Washington đang được tái định vị rõ rệt.
Theo các nguồn tin ngoại giao, trọng tâm của chuyến thăm lần này không chỉ dừng lại ở các vấn đề an ninh, năng lượng hay quan hệ song phương, mà còn mở rộng sang những lĩnh vực có tính chất đột phá như công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn và chuyển đổi số.

Ông Donald Trump thăm Saudi Arabia trong nhiệm kỳ đầu năm 2017. Ảnh: Reuters
Việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ “sớm đưa ra thông báo chính thức” về việc nới lỏng kiểm soát xuất khẩu chip AI cho một số nước Trung Đông, đặc biệt là các quốc gia vùng Vịnh, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong chính sách công nghệ của Mỹ. Tiến sĩ Jon Alterman, Giám đốc Chương trình Trung Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định: “Washington đang dần rút khỏi vai trò cảnh sát toàn cầu, nhưng lại tìm cách quay lại Trung Đông bằng các đòn bẩy mềm như công nghệ, đầu tư và uy tín chiến lược. Đây là hình thức hiện diện ít đối đầu hơn nhưng không kém phần hiệu quả”.
Trước đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã áp đặt những hạn chế nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn rò rỉ công nghệ sang Trung Quốc, do lo ngại nguy cơ lợi dụng các bên trung gian trong khu vực. Tuy nhiên, trong khi chính quyền tiền nhiệm đặt trọng tâm vào phòng thủ, thì chính quyền đương nhiệm có xu hướng chọn chiến lược “kết nối có điều kiện”: nới lỏng kiểm soát công nghệ để đổi lấy cam kết đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực mà Mỹ đang cần phục hồi, đặc biệt là năng lượng sạch và hạ tầng dữ liệu. Giới quan sát nhận định, thông qua các gói hợp tác này, Mỹ có thể tạo ra đòn bẩy chiến lược tại vùng Vịnh, nơi đang nổi lên như một trung tâm tài chính và công nghệ của thế giới Arab.
Trong nhiều tháng qua, Saudi Arabia và UAE đã ráo riết đầu tư vào các trung tâm dữ liệu, phát triển công nghệ AI, ký kết các liên minh với những công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ như Google, Nvidia hay Groq để xây dựng nền tảng cho một cuộc chuyển đổi số toàn diện. Ông Hussein Ibish, chuyên gia tại Viện các quốc gia vùng Vịnh (AGSIW), nhận định: “Không ai ở vùng Vịnh còn kỳ vọng vào các mô hình viện trợ truyền thống. Họ muốn công nghệ, vốn đầu tư và khả năng cạnh tranh toàn cầu. Mỹ nếu không dẫn đầu, sẽ bị thay thế”.
Tuy nhiên, những tính toán công nghệ chỉ là một lát cắt trong bức tranh tổng thể của chiến lược Mỹ tại Trung Đông. Vấn đề an ninh vẫn là trục xuyên suốt, nhất là khi tình hình tại Dải Gaza đang có dấu hiệu leo thang trở lại. Sau thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ, Qatar và Ai Cập làm trung gian vào tháng 1 năm nay, Israel đã nối lại chiến dịch quân sự tại khu vực này, kéo theo phản ứng dữ dội từ cộng đồng quốc tế và gây sức ép lớn đối với chính quyền Mỹ. Một sáng kiến mới đang được Washington thúc đẩy, theo đó Israel sẽ chỉ bảo đảm an ninh cho các tuyến đường nhân đạo mà không trực tiếp tham gia phân phối hàng viện trợ. Đây được coi là giải pháp tình thế nhằm dung hòa giữa yêu cầu bảo vệ dân thường và bảo đảm lợi ích an ninh quốc gia của đồng minh thân cận.
Bà Suzanne Maloney, Phó Giám đốc Viện Brookings, cho rằng: “Nếu Mỹ chỉ tập trung vào công nghệ mà xem nhẹ cấu trúc an ninh, thì mọi cam kết hợp tác sẽ trở nên thiếu bền vững”. Trong khi đó, nhiều ý kiến khác, như của chuyên gia Daniel Benaim tại Trung tâm vì Tiến bộ Mỹ (CAP), cảnh báo rằng các nước vùng Vịnh không muốn trở thành chiến trường giữa các cường quốc: “Họ sẵn sàng hợp tác với Mỹ, nhưng chỉ trong giới hạn không làm phương hại đến quan hệ với Trung Quốc hay Nga. Trump phải bước đi khéo léo”.
Bên cạnh đó, một yếu tố gây tranh cãi lớn trong chuyến đi là thông tin về khả năng Tổng thống Donald Trump sẽ chính thức đổi cách gọi “Vịnh Ba Tư” (Persian Gulf) thành “Vịnh Arab” (Arabian Gulf). Nếu được xác nhận, động thái này sẽ được xem như một tuyên bố chính trị nhắm trực diện vào Iran, đồng thời thể hiện sự ngả hẳn về phía các nước Arab Sunni trong cấu trúc an ninh khu vực. Các học giả Trung Đông nhận định bước đi này có thể giúp ông Trump củng cố thêm mối quan hệ thân thiết với các lãnh đạo vùng Vịnh, nhưng lại làm sâu sắc thêm chia rẽ với Tehran - đối thủ chiến lược số một của Washington trong khu vực. Và không thể tách rời khỏi chuyến công du lần này là vòng đàm phán hạt nhân Mỹ - Iran dự kiến diễn ra tại Oman ngay trước đó một ngày. Đây là cuộc đàm phán gián tiếp nhằm khôi phục tiến trình đã bị đình trệ từ sau khi chính quyền Trump quay lại với chính sách trừng phạt cứng rắn đối với Tehran.
Theo giới phân tích từ CSIS, nếu Washington tiếp tục yêu cầu Tehran từ bỏ hoàn toàn năng lực làm giàu uranium, thì đàm phán sẽ không thể tiến xa, bởi điều đó đi ngược lại với các nguyên tắc chủ quyền mà Iran luôn khẳng định. Trong khi đó, một số ý kiến từ Viện Carnegie cho rằng một bước đi thận trọng hơn, chẳng hạn như giới hạn độ tinh khiết uranium và mở rộng vai trò giám sát của IAEA, có thể là cách để nối lại đàm phán mà không làm tổn hại thể diện các bên.
Từ góc nhìn chiến lược rộng lớn hơn, chuyến công du lần này là một thông điệp thể hiện rõ cách tiếp cận ngoại giao theo kiểu “song phương hóa thực dụng” - một phong cách đặc trưng của Tổng thống Donald Trump. Thay vì đặt cược vào các liên minh đa phương hay thể chế toàn cầu, ông Trump tập trung vào các thỏa thuận song phương có lợi, với những đối tác được lựa chọn kỹ càng dựa trên vị trí địa chiến lược và tiềm năng kinh tế. Trong khuôn khổ chuyến đi, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) sẽ là dịp để các nhà lãnh đạo xác lập lại cơ chế hợp tác khu vực. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, điểm nhấn thực sự sẽ đến từ các cuộc gặp song phương, nơi những hợp đồng kinh tế, thỏa thuận quân sự và cam kết đầu tư công nghệ sẽ được ký kết riêng lẻ, theo mô hình “hub-and-spoke” mà Mỹ làm trung tâm.
Sự tái khẳng định hiện diện của Mỹ tại vùng Vịnh còn mang tính chất răn đe và cạnh tranh chiến lược, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc và Nga đang gia tăng ảnh hưởng mạnh mẽ tại Trung Đông thông qua các dự án năng lượng, hạ tầng và hợp tác quốc phòng. Bắc Kinh đã đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án dọc theo hành lang năng lượng từ Iran sang Iraq, Syria và Lebanon, đồng thời, thúc đẩy sáng kiến “Một vành đai, một con đường” tại các cảng và nút logistics chiến lược. Trong khi đó, Nga củng cố vai trò ở Syria và hợp tác quốc phòng với Iran, đồng thời tìm cách can thiệp gián tiếp vào tiến trình hòa bình Trung Đông. Tuy nhiên, theo giới phân tích từ Viện Washington, dù Trung Quốc và Nga gia tăng hiện diện, nhưng các quốc gia Vùng Vịnh vẫn nhìn nhận Mỹ là đối tác an ninh đáng tin cậy và có năng lực răn đe hiệu quả nhất trước những mối đe dọa tiềm tàng.
Từ mọi góc độ, chuyến công du Trung Đông lần này của Tổng thống Donald Trump có thể được xem là một màn “kiểm định chiến lược” quan trọng trong bối cảnh thế giới hậu đại dịch, cạnh tranh công nghệ và phân cực địa chính trị ngày càng rõ nét. Nếu các cam kết được triển khai một cách hiệu quả, chuyến đi không chỉ đánh dấu sự trở lại của Mỹ tại Trung Đông với tư cách một đối tác chiến lược, mà còn có thể đặt nền móng cho một trật tự khu vực mới, nơi Mỹ dẫn dắt không chỉ bằng sức mạnh quân sự, mà còn bằng công nghệ, đầu tư và ảnh hưởng mềm trong kỷ nguyên số.