Chuyện thường nhật của người già trong viện dưỡng lão

Trước bữa tối, tôi đã uống trà với bà Visser. Câu chuyện của bà Visser thậm chí còn nhạt nhẽo hơn cả tách trà.

Thứ bảy, ngày 5 tháng giêng

Bữa ăn tối vừa rồi làm dấy lên những ầm ĩ: cơm chiên Indonesia trong thực đơn. Món khoái khẩu của hầu hết người già ở đây là thịt nguội rán, kèm rau thái nhỏ: chẳng ai thích thú với món ăn của nước ngoài. Ngay cả hồi giữa những năm sáu mươi, khi spaghetti lần đầu tiên được giới thiệu đến Hà Lan, họ đã không chịu tiếp nhận.

Đơn giản là spaghetti không phù hợp với thực đơn trong tuần: thứ hai ăn rau diếp xoăn, thứ ba ăn bông cải trắng và cháo đặc, thứ tư ăn thịt băm, thứ năm ăn đậu, thứ sáu ăn cá, thứ bảy ăn súp và bánh mì, còn chủ nhật thì ăn thịt nướng. Nếu sơ sểnh mà thứ ba ăn hamburger, thì những ngày còn lại trong tuần sẽ rối tung lên hết.

Đồ ăn nước ngoài không thích hợp với chúng tôi. Chúng tôi thường được cho xem thực đơn trước một tuần, rồi tùy chọn ba món khác nhau; tuy nhiên đôi khi lại xảy ra sơ suất. Hôm qua, vì lý do gì đó chẳng biết, không hề có gì khác ngoài cơm chiên Indonesia. Chắc là khâu giao hàng bị lộn xộn rồi. Tất nhiên - đó không phải là lỗi của đầu bếp.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Kampus Production/Pexels.

Ảnh minh họa. Nguồn: Kampus Production/Pexels.

Vậy nên, món được chọn là cơm rang hoặc cơm chiên. Người ăn kiêng thì được phục vụ bánh mì.

Cơn phẫn nộ dâng lên như sóng triều. Bà Hoogstraten van Dam - luôn muốn được gọi bằng danh xưng đầy đủ - chỉ chọn lấy những mẩu trứng rán; van Gelder không ăn cơm nhưng đã xơi ngon lành cả cái hũ dưa muối, còn ông Bakker ú núc thì yêu cầu họ mang cho mình ít nước xốt để ăn cơm.

Ông bạn Evert của tôi, thỉnh thoảng lại ăn tối chung với chúng tôi khi đã chịu hết xiết khả năng lăn vào bếp của chính mình, đã ướm hỏi mọi người về lọ tương ớt. ‘Các vị có muốn chan cơm với xốt cà chua không?’

Ông bạn tỏ ra ngây thơ khi bà De Prijker làm sút bộ răng giả rơi vào nước xốt. Bà ấy được dìu ra khỏi phòng, ho và thở phì phò; lúc đó, Evert nhặt bộ răng của bà De Prijker lên và họ bắt đầu chuyền tay nhau giống như chiếc giày của Lọ Lem, để xem có ai muốn đeo thử không.

Khi bị viên quản lý cơ sở khiển trách, ông bạn ngơ ngơ ngác ngác, hăm dọa rằng sẽ đến gặp chuyên viên an toàn thực phẩm để báo cáo là mình đã ‘phát hiện’ ra trong nước xốt có một bộ răng giả.

Trước bữa tối, tôi đã uống trà với bà Visser. Câu chuyện của bà Visser thậm chí còn nhạt nhẽo hơn cả chiếc tách trà. Tôi kể với bà ấy rằng bác sĩ đã khuyến cáo tôi không nên ăn bánh ngọt. Nhưng mà tại sao chứ? Bà ấy hỏi. Chẳng qua là do lượng đường trong máu của tôi ở mức cao, đâu đó khoảng chừng từ 20 đến 25.

Tôi buột miệng nói mà không suy nghĩ; tuy nhiên, bà ấy quả quyết rằng tôi nhạy cảm quá. Khi tôi rời đi, bà ấy còn dúi vào tay tôi ba lát bánh ngọt, ngộ nhỡ lượng đường trong máu của tôi lại giảm xuống. Những lát bánh ấy đã nằm lọt thỏm trong bể cá trên tầng ba.

Hendrik Groen/NXb Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/chuyen-thuong-nhat-cua-nguoi-gia-trong-vien-duong-lao-post1463746.html