Chuyện tình của những cặp đôi diễn viên - nhà văn nổi tiếng nhất thế giới

Họ là tác giả của những cuốn sách bán chạy, chủ nhân của những giải thưởng văn học danh giá, khiến nhiều phụ nữ mơ ước được làm quen. Trong số đó, nhiều người đã nên duyên với nữ diễn viên đầy tài năng, xinh đẹp.

Victor Hugo và Juliette Drouet.

Victor Hugo và Juliette Drouet.

Trân trọng giới thiệu 5 cặp đôi nhà văn - diễn viên nổi tiếng nhất thế giới.

Victor Hugo và Juliette Drouet

Cuốn sổ ghi chép của tác giả tiểu thuyết “Nhà thờ Đức Bà Paris” chi chít tên của những nữ diễn viên và người hầu gái vốn là nguồn cảm hứng sáng tác của ông. Victor Hugo thường xuyên thay đổi tình nhân, nhưng với một người trong họ - Juliette Drouet - ông đã gắn bó suốt 50 năm, cho đến khi bà qua đời.

Mặc dù, họ chưa bao giờ chính thức kết hôn, nhà văn vẫn coi Juliette là vợ thực sự của mình.

Victor Hugo gặp nữ diễn viên ít tên tuổi Juliette Drouet trong buổi đọc vở kịch “Lucrère Borgia” của ông tại Nhà hát Port-Saint-Martin. Và ông phải lòng bà ngay lập tức. Trong danh sách những người tình của Juliette có nhà điêu khắc Jean-Jacques Pradier và bá tước Nga Anatoly Demidov, nhưng điều này không khiến Hugo bận tâm. Ông cũng bỏ ngoài tai những lời khuyên của bạn bè nên cắt đứt quan hệ với “người phụ nữ tai tiếng” này.

Juliette chân thành yêu Hugo. Vì ông, bà đã bỏ nhà hát, không xuất hiện tại các hoạt động của xã hội thượng lưu, bán tủ quần áo sang trọng và chuyển đến một căn hộ khiêm tốn mà Hugo thuê cho bà. Nữ diễn viên sống bằng tiền lương nhà văn trả cho bà để đánh máy bản thảo và thư từ của ông.

Còn Hugo càng có tuổi càng trở nên phóng đãng. Ông thay đổi tình nhân như thay áo, nhưng vẫn không bỏ Juliet cho tận những ngày cuối đời của bà. Khi bà bị bệnh ung thư ruột và nằm liệt giường, nhà văn luôn luôn ở bên cạnh để an ủi, động viên. Drouet qua đời tháng 5/1883 ở tuổi 77. Hugo mất sau bà hai năm.

Sergey Esenin và Zinaida Raykh

Sergey Esenin và Zinaida Raykh.

Sergey Esenin và Zinaida Raykh.

Người vợ thứ hai của nhà thơ Nga Sergey Esenin, Zinaida Raykh, trở thành nữ diễn viên nổi tiếng sau khi chia tay với ông. Zinaida Raykh sau đó kết hôn với đạo diễn Vsevolod Meyerhold, là thầy giáo của bà ở Trường Đạo diễn cao cấp.

Thời trẻ, Zinaida làm nhân viên đánh máy cho tờ báo của đảng cách mạng xã hội “Sự nghiệp nhân dân”, nơi Esenin thường đăng thơ. Trong một chuyến thăm vùng Solovki, quê hương của nhà thơ Aleksey Ganin, họ đã bất ngờ đính hôn. Sergey 22 tuổi, còn Zinaida hơn một tuổi.

Đây là một cuộc hôn nhân thất bại về mọi mặt. Sự nghèo khổ, đói khát, thói nghiện rượu của Esenin, những trận đánh đập vì ghen tuông đã khiến đôi vợ chồng trẻ thường xuyên cãi cọ và cuối cùng phải ly thân. Mặc dù vậy, họ vẫn sinh được hai người con - Tatyana và Konstantin.

Bốn năm sau khi đính hôn, họ chính thức chia tay nhau. Zinaida vào học lớp của đạo diễn Meyerhold. Bị quyến rũ bởi sắc đẹp và tài năng của nữ sinh viên, ông đã bỏ vợ và ba cô con gái sau 25 năm chung sống để cưới Zinaida và nhận nuôi các con của Esenin. Đạo diễn quyết tâm bằng mọi cách biến người yêu của mình thành ngôi sao sân khấu và ông đã thành công.

Vladimir Mayakovsky và Veronica Polonskaya

Vladimir Mayakovsky và Veronica Polonskaya.

Vladimir Mayakovsky và Veronica Polonskaya.

Nữ diễn viên 21 tuổi Veronica Polonskaya, từng đóng vai trong bộ phim nổi tiếng “Chiến tranh và hòa bình” của đạo diễn Sergey Bondarchuk, được gọi là “mối tình cuối cùng của nhà thơ vô sản Nga Vladimir Mayakovsky”. Bà là nhân chứng duy nhất vụ tự sát của nhà thơ.

Họ quen nhau qua nữ thi sĩ Lili Brik, một tình nhân khác của Vladimir Mayakovsky. Veronica Polonskaya tham gia bộ phim của Lili Brik “Mắt thủy tinh” và theo lời mời của chồng bà, đã đến xem một cuộc đua ngựa, nơi Mayakovsky cũng có mặt. Từ đó, ngày nào họ cũng gặp nhau (mặc dù Veronica đã có chồng).

Ngày 14/4/1930, Vladimir Mayakovsky đưa Veronica về phòng trọ của mình tại Lubyanka. Vào lúc 10 giờ 30, Veronica có buổi diễn tập với đạo diễn Nemirovich - Danchenko, nên bà vội đến nhà hát. Mayakovsky không muốn cho bà đi, ông cầu xin bà bỏ nhà hát và bỏ chồng.

60 năm sau, Polonskaya 82 tuổi nhớ lại buổi sáng hôm đó: “Tôi không thể đến muộn, điều đó khiến Vladimir Mayakovsky tức giận. Anh khóa cửa lại, giấu chìa khóa trong túi và bắt đầu thuyết phục tôi đừng đến nhà hát.

Anh khóc... Tôi hỏi anh có tiễn tôi không. “Không”, anh nói, nhưng hứa sẽ gọi điện thoại. Tôi vừa ra khỏi nhà thì nghe thấy tiếng súng nổ. Ban đầu tôi sợ quá, không dám quay trở lại. Sau đó, tôi bước vào phòng và thấy khói súng vẫn chưa tan. Trên ngực Mayakovsky có một vết máu nhỏ. Tôi lao đến chỗ anh, hỏi đi hỏi lại: “Anh làm gì vậy?...”. Mayakovsky cố ngẩng đầu lên, sau đó, anh gục xuống, mặt tái nhợt... Mọi người bắt đầu xuất hiện, có ai đó nói với tôi: “Đi gọi xe cấp cứu mau... Tôi chạy ra và khi quay lại, trên cầu thang có người nói với tôi: “Muộn rồi. Anh ấy đã tắt thở...”.

Nữ diễn viên không đến dự đám tang của Vladimir Mayakovsky khiến nhiều người buộc tội bà trong cái chết của nhà thơ.

Erich Maria Remarque và Paulette Goddard

Erich Maria Remarque và Paulette Goddard.

Erich Maria Remarque và Paulette Goddard.

Tác giả của các cuốn tiểu thuyết “Ba người bạn” và “Khải hoàn môn” thường kết thân với các nữ diễn viên. Ông yêu nữ diễn viên điện ảnh Đức Marlene Dietrich hơn 10 năm. Ông viết cuốn sách nổi tiếng “Phía Tây không có gì lạ” trong căn hộ của nữ diễn viên Leni Riefenstahl, về sau trở thành đạo diễn yêu thích của Adolf Hitler.

Nhà văn đã gặp ngôi sao đang lên của sân khấu Đức, Ruth Albu, sau khi ly hôn với người vợ đầu tiên của mình. Chính bà đã mời ông đầu tư số tiền nhuận bút khổng lồ mua các bức tranh của Van Gogh, Degas, Cezanne, Renoir, nhờ đó Remarque sau này trở thành nhà sưu tầm tranh nổi tiếng.

Người vợ cuối cùng của nhà văn đã giúp ông vượt qua mối tình đơn phương với Marlene Dietrich và cứu ông khỏi chứng trầm cảm là nữ diễn viên Paulette Goddard, vợ cũ của vua hề Charlie Chaplin, ứng cử viên giải “Oscar”.

Họ kết hôn vào năm 1958, 7 năm sau khi gặp nhau và sống với nhau cho đến khi Remarque qua đời vào năm 1970. Paulette Goddard đã giúp Erich hoàn thành cuốn tiểu thuyết “Tia lửa sống”, còn ông đã viết dành tặng bà cuốn “Thời để sống và thời để chết”.

Ernest Hemingway và Marlene Dietrich

Ernest Hemingway và Marlene Dietrich.

Ernest Hemingway và Marlene Dietrich.

Nếu như mối tình của nữ minh tinh màn bạc Marlene Dietrich với nhà văn Erich Remarque rất đời thường, như bà thừa nhận, thì quan hệ của bà với một nhà văn khác, Ernest Hemingway, hoàn toàn bằng tình cảm thuần khiết.

Nhiều năm liền, họ trao đổi thư từ và gọi điện cho nhau. Ernest chia sẻ với Marlene về những cốt truyện của tác phẩm tương lai, còn nữ diễn viên kể cho nhà văn đoạt giải Nobel những câu chuyện phiếm nóng hổi ở Hollywood.

Họ gặp nhau năm 1934 trên con tàu viễn dương “SS Ile de France” đi New York. Tại quán bar, khi Marlene gọi một ly cocktail soda thì một người đàn ông tóc đen bước tới và tự giới thiệu là Hemingway. “Tôi là nhà văn”, ông nói, “Tôi biết. “Mặt trời vẫn mọc” (tên một cuốn sách của nhà văn), nữ diễn viên trả lời.

“Chúng tôi ngồi trong quán bar cho đến khi đóng cửa” - sau này nữ diễn viên nhớ lại – “Cuối chiều, khi đi dạo trên boong, tôi gọi anh là Bố Hem, còn anh không một lần nhắc tên tôi”. Theo Marlene Dietrich, hôm đó bà đã tìm được một người bạn trọn đời.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/chuyen-tinh-cua-nhung-cap-doi-dien-vien-nha-van-noi-tieng-nhat-the-gioi-nC0ZGxF7g.html