Chuyển trọng tâm phát triển công nghệ về doanh nghiệp

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, doanh nghiệp sẽ được trao quyền và khuyến khích mạnh mẽ để đầu tư cho nghiên cứu phát triển, không chỉ bằng nguồn lực của mình mà còn được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.

Phát biểu tại Ngày hội Khoa học và công nghệ Việt Nam năm 2025 diễn ra chiều 16/5, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Luật Khoa học công nghệ đang được sửa đổi thành Luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để thể chế hóa các định hướng, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước.

Một trong những chính sách đột phá là chuyển trọng tâm phát triển công nghệ về doanh nghiệp. Doanh nghiệp được trao quyền và khuyến khích mạnh mẽ để đầu tư cho nghiên cứu phát triển, không chỉ bằng nguồn lực của mình mà còn được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.

Ảnh: Bộ Khoa học và Công nghệ.

Ảnh: Bộ Khoa học và Công nghệ.

“Nếu trước đây, ngân sách Nhà nước tài trợ cho nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp chỉ được dưới 10% thì thời gian tới sẽ là 70-80%. Doanh nghiệp được hạch toán các khoản chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp như chi phí sản xuất kinh doanh và không còn giới hạn mức tối đa. Trước đây là khoảng 1% doanh thu và chỉ áp dụng với doanh nghiệp có lãi”. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng

Các khoản chi này còn được tính khấu trừ thuế với hệ số ưu đãi vượt trội là 150% và có thể lên đến 200% nếu đầu tư vào công nghệ chiến lược. Doanh nghiệp có lãi được trích lợi nhuận trước thuế để lập quỹ đầu tư cho khoa học công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn, hỗ trợ các khởi nghiệp sáng tạo nghiên cứu phát triển các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mang tính đột phá.

Theo người đứng đầu Bộ Khoa học và Công nghệ, Nhà nước cũng có chính sách ưu tiên mua sắm sản phẩm khoa học công nghệ của doanh nghiệp trong nước.

Một điểm mới khác là thay đổi tư duy quản lý, từ kiểm soát quy trình và đầu vào như hóa đơn, chứng từ chi tiết, sang quản lý kết quả và hiệu quả đầu ra, chấp nhận rủi ro gắn với quản trị rủi ro.

Trọng tâm của quản lý Nhà nước không còn là cách thức thực hiện mà là kết quả. “Tăng quyền tự chủ cho các tổ chức, cá nhân và chủ nhiệm đề tài trong triển khai nhiệm vụ, quản lý bộ máy, chi tiêu theo cơ chế khoán chi, nhưng đi kèm là yêu cầu nâng cao trách nhiệm giải trình và minh bạch trong sử dụng nguồn lực,” Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Đồng thời, các tổ chức và cá nhân thực hiện nghiên cứu sẽ được quyền sở hữu kết quả nghiên cứu để thương mại hóa, người làm nghiên cứu được hưởng tối thiểu 30% từ phần thu nhập thu do thương mại hóa và được miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân đối với khoản thu nhập này.

Dự thảo Luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng đặt trọng tâm chuyển từ một quốc gia sử dụng công nghệ lõi sang làm chủ các công nghệ chiến lược. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đây là lần đầu tiên Việt Nam xác lập định hướng rõ ràng về việc chuyển từ một quốc gia chủ yếu sử dụng công nghệ lõi sang làm chủ các công nghệ chiến lược có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế và an ninh quốc gia.

Ngân sách Nhà nước đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên phân bổ khoảng 40-50% để thực hiện các nhiệm vụ làm chủ công nghệ chiến lược. Việc triển khai các nhiệm vụ này được giao cho các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu có năng lực và uy tín thực hiện. Nhà nước có chính sách đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm dùng chung, hạ tầng kỹ thuật hiện đại nhằm phục vụ phát triển công nghệ chiến lược.

Về nghiên cứu cơ bản, người đứng đầu Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, sẽ chuyển nghiên cứu cơ bản về các cơ sở giáo dục đại học. Đây là định hướng lớn của Nhà nước, việc chuyển dịch nghiên cứu cơ bản về các cơ sở giáo dục đại học là phù hợp với thông lệ quốc tế.

“Tất cả quốc gia đều xem các cơ sở giáo dục đại học là trung tâm nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản do đây là nơi tập trung nhiều nhất nhân lực nghiên cứu cơ bản, nhất là nhân lực trẻ gồm đội ngũ giáo viên, giáo sư, sinh viên, nghiên cứu sinh,” Bộ trưởng KH&CN lập luận.

Tuy nhiên ông cũng lưu ý, việc chuyển dịch này không có nghĩa là loại bỏ vai trò của các viện nghiên cứu trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản. Ngược lại, các viện nghiên cứu, nhất là hai viện hàn lâm vẫn có thể tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản phù hợp với thế mạnh, cơ cấu tổ chức và định hướng phát triển của mình.

Đưa thể chế thành 'cầu nối' tới nhà khoa học và doanh nghiệp

Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhận định thế giới đang bước vào sự thay đổi sâu sắc với bước tiến công nghệ với trí tuệ nhân tạo (AI), IoT (Internet Vạn vật), công nghệ xanh…

Theo Phó Thủ tướng, đây là thách thức và cũng là cơ hội để Việt Nam bắt nhịp với thế giới để Việt Nam bắt nhịp với thế giới để phát triển nhanh, bền vững, bao trùm. Phát triển khoa học là nền tảng để xây dựng Việt Nam thịnh vượng, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống người dân.

Để hoàn thiện các mục tiêu này, Phó thủ tướng đề nghị hoàn thiện thể chế để tạo hành lang pháp lý, cởi trói cho các lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ông yêu cầu đưa thể chế trở thành "cầu nối" lan tỏa đến các nhà khoa học và doanh nghiệp.

Tiếp theo để phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, cần quan tâm mô hình phát triển công-tư, có thực chất để đưa người dân, doanh nghiệp trở thành trung tâm. Cùng với đó, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu cơ bản, làm chủ công nghệ chiến lược, công nghệ lõi. Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt để phát triển các xu hướng của thế giới mà Việt Nam có tiềm năng như AI, bán dẫn, công nghệ sinh học.

Cần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trao quyền tự chủ cho các nhà khoa học, đội ngũ tri thức. Thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ trong mọi lĩnh vực của đời sống, từ kinh tế đến xã hội, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong giai đoạn mới. Đồng thời, khơi gợi niềm đam mê khoa học công nghệ, tôn vinh các nhà khoa học, tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa các mô hình thành công cho thế hệ trẻ.

Đẩy mạnh ngoại giao khoa học, tranh thủ tri thức và công nghệ của thế giới, tham gia vào mạng lưới toàn cầu, đưa khoa học Việt Nam ra thế giới và trở thành cầu nối đưa những công nghệ mới đến Việt Nam. Nâng cao tiêu chuẩn đo lường và chất lượng, nâng cao vị thế hàng hóa Việt Nam, đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người dân.

Ngày hội Khoa học và công nghệ Việt Nam là sự kiện thường niên do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức để chào mừng Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam (18/5). Sự kiện nhằm tuyên truyền rộng rãi về các thành tựu của khoa học và công nghệ đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đồng thời biểu dương và tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ.

Ngày hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2025 với chủ đề "Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số: Đột phá đưa đất nước bước vào kỷ nguyên giàu mạnh, thịnh vượng".

Hà Anh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/chuyen-trong-tam-phat-trien-cong-nghe-ve-doanh-nghiep-41589.html