Chuyện Tự Đức dâng roi lên mẹ Từ Dụ để chịu phạt

Một nhân vật nổi tiếng về sự nghiêm khắc khi dạy con là Nghi Thiên Chương Thái hoàng thái hậu triều Nguyễn (hoàng thái hậu Từ Dụ).

 Hình ảnh từ vở cải lương Tự Đức dâng roi.

Hình ảnh từ vở cải lương Tự Đức dâng roi.

Bà là chính thất của vua Thiệu Trị, mẹ vua Tự Đức. Tên thời con gái là Phạm Thị Hằng, sinh năm 1810 tại huyện Tân Hòa, tỉnh Gia Định (nay là thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang), bà được ca ngợi về đức hạnh và tính tiết kiệm cũng như uy quyền trong gia đình mà vua Tự Đức luôn phải kính nể và nhất mực nghe lời.

Truyện về nhà Nguyễn kể rằng, có lần, do mải mê đi săn trong rừng Thuận Trực, lại gặp nước lụt, Vua Tự Đức chưa về cung được, trong khi 2 ngày sau là ngày giỗ vua cha Thiệu Trị, Thái hậu sốt ruột phải cử đại thần Nguyễn Tri Phương đưa thuyền đi đón.

Về đến hoàng cung, vua Tự Đức đã vội vàng lên kiệu trần đến cung Diên Thọ dù trời đang mưa, nằm phục dưới thềm, đặt chiếc roi lên mâm son để chờ hoàng thái hậu Từ Dụ đòn phạt.

Tuy sau đó Thái hậu nguôi giận, không phạt roi vua, nhưng chuyện này đã được dựng thành tích cải lương “Tự Đức dâng roi”, thể hiện tấm lòng hiếu nghĩa của người con ngay cả khi giữ vị trí cai trị quân dân cả nước.

Bà từng răn dạy vua Tự Đức: “Biết lỗi với ta chỉ là phụ, biết lỗi với dân mới là chính”. Nghe lời dạy bảo của bà, mà Tự Đức không chỉ là vị vua chí hiếu, mà luôn thể hiện tinh thần yêu nước và rất siêng năng việc triều chính.

Lê Tiên Long/NXB Tổng hợp

Nguồn Znews: https://znews.vn/chuyen-tu-duc-dang-roi-len-me-tu-du-de-chiu-phat-post1510353.html