Chuyển từ ứng phó sang chủ động phòng ngừa
Hiện mực nước trên các tuyến kênh vùng ngọt hóa đang giảm dần, đánh dấu mùa khô đang bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm. Ðiều này đồng nghĩa với thách thức phòng chống hạn mặn, nhất là bảo vệ, duy trì vùng ngọt, cũng ngày một lớn hơn.
Hạn hán, xâm nhập mặn là loại hình thiên tai được đánh giá có tác động nặng nề đến đời sống và sản xuất của người dân cả vùng ngọt hóa lẫn các vùng nuôi thủy sản. Trước bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến khó lường, thiên tai ngày càng phức tạp, công tác phòng, chống thiên tai trong nhiều năm qua luôn được tỉnh chủ động từ sớm, từ xa.
Với hệ sinh thái đa dạng, phong phú, vùng ngọt hóa với đa dạng chủng loại cây trồng, vật nuôi, các loài thủy sản nước ngọt, mặn, lợ, đặc biệt là hệ sinh thái rừng tràm U Minh Hạ, nét đặc trưng của tỉnh. Tuy nhiên, cũng chính đặc điểm này khiến công tác ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn mỗi khi bước vào mùa khô vô cùng khó khăn.
Ðể bảo vệ vùng ngọt hóa trước thách thức xâm nhập mặn, đảm bảo đời sống và sản xuất của người dân, thời gian qua, nhiều giải pháp công trình đã được triển khai xây dựng. Trong đó, hệ thống đê bao ngoài, cống và trạm bơm được đầu tư tương đối cơ bản, bảo đảm điều tiết nước, ngăn mặn, xổ phèn cho khu quy hoạch vùng ngọt hóa tại huyện Trần Văn Thời, nhất là tại Tiểu vùng III.
![Người dân xã Khánh An, huyện U Minh, tranh thủ lấy nước vào vùng nuôi cá đồng kết hợp trồng bồn bồn.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_621_51466850/ea73e797d6d93f8766c8.jpg)
Người dân xã Khánh An, huyện U Minh, tranh thủ lấy nước vào vùng nuôi cá đồng kết hợp trồng bồn bồn.
Do không có nguồn nước ngọt bổ sung từ hệ thống sông Mê Kông nên việc tiết kiệm nước mưa trong sản xuất là giải pháp thích ứng trước các diễn biến của hạn hán, xâm nhập mặn khi vào mùa khô. Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi: "Thời gian qua, việc chia nhỏ thành các ô thủy lợi đã mang lại hiệu quả cao. Tùy theo điều kiện thực tế của từng ô mà tiến hành xây dựng lịch thời vụ phù hợp, để từ đó điều tiết nguồn nước phù hợp, ổn định cho sản xuất của người dân".
Ðến thời điểm này, vụ lúa đông xuân đã cơ bản thu hoạch xong với năng suất trung bình hơn 5,5 tấn/ha, phần nào cho thấy công tác ứng phó với hạn hán được các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và người dân chủ động từ rất sớm. Ông Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ: “Ngay khi chưa kết thúc mùa mưa, các phương án, kịch bản, giải pháp ứng phó với mùa khô đã được chuẩn bị và triển khai vào thực tế”.
Hành động sớm để ứng phó thiên tai trên địa bàn tỉnh thể hiện rõ nhất ở công tác xây dựng phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro theo từng loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn tỉnh. Cụ thể như phương án ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển; phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão; phương án ứng phó với mưa lớn, lốc, sét, ngập lụt, nước dâng; phương án ứng phó với sạt lở, sụt lún và phương án ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt.
![Ðoạn lộ T88 bị sụt lún tại khu vực Ấp 3, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, đã được gia cố.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_621_51466850/516f428b73c59a9bc3d4.jpg)
Ðoạn lộ T88 bị sụt lún tại khu vực Ấp 3, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, đã được gia cố.
Không chỉ vậy, theo từng phương án là những kịch bản ứng với lịch sử thiên tai đã từng xảy ra và có tính đến yếu tố bất thường, để chủ động chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị... theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”. Từ sự chủ động này đã phần nào giúp công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh chuyển từ thế ứng phó sang chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ đó giảm thiểu thiệt hại, đặc biệt đảm bảo an toàn về người, hướng tới xây dựng một xã hội an toàn trước thiên tai.
Trước bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến khó lường, thiên tai ngày càng phức tạp, đồng nghĩa với công tác phòng, chống thiên tai sẽ còn gặp không ít khó khăn. Nhất là đối với tỉnh Cà Mau, địa phương được đánh giá đang chịu tác động nặng nề của các loại hình thiên tai, trong khi các điều kiện về hạ tầng và cả kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn thì nhiệm vụ phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại của thiên tai càng trở nên nặng nề và khó khăn hơn.
![Trà lúa đông xuân đang được thu hoạch gần xong.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_621_51466850/46a05144600a8954d01b.jpg)
Trà lúa đông xuân đang được thu hoạch gần xong.
Trong điều kiện thực tế ấy, để giảm thấp nhất thiệt hại cho người dân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử đã nhiều lần chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu cần xác định công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên. Ðồng thời, tăng cường tuyên truyền, tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong phòng tránh, ứng phó với thiên tai.
Dù đã triển khai nhiều giải pháp và bước đầu mang lại hiệu quả, thế nhưng, để giải quyết bài toán nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh, cần có những giải pháp mang tính căn cơ và lâu dài hơn, nhất là việc bổ sung nước ngọt từ hệ thống sông Mê Kông. Còn như hiện nay, dù có chủ động thế nào, nếu xảy ra hạn hán gay gắt kéo dài thì tình trạng nước trên các sông rạch sẽ tiếp tục khô cạn. Khi ấy, thiệt hại là không thể tránh khỏi. Không chỉ ảnh hưởng đến lưu thông, vận chuyển hàng hóa, sạt lở, sụt lún đất, hư hỏng đường giao thông, trực tiếp tác động đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân... mà còn tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, nhất là vùng rừng U Minh Hạ./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/chuyen-tu-ung-pho-sang-chu-dong-phong-ngua-a37219.html