Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình: 'Làm sao để tiền Nhân dân đóng góp nuôi bộ máy là ít nhất có thể'
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình yêu cầu bộ máy phải tinh gọn hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn; tiền nhân dân đóng góp để nuôi bộ máy ít nhất có thể, còn lại dành cho việc phát triển kinh tế- xã hội để cải thiện đời sống cho người dân.
Ngày 13-2, Quốc hội dành thời gian thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Nghiên cứu để tiếp tục tinh gọn bộ máy
Nêu ý kiến, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội đang diễn ra nhằm xem xét, giải quyết vấn đề pháp lý liên quan đến việc hình thành, sáp nhập các cơ quan, tổ chức theo tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương.
Bởi việc sáp nhập các bộ, sở, ngành phải bắt đầu từ luật; đòi hỏi cùng một lúc phải sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm tạo ra cơ sở pháp lý cho xây dựng, triển khai tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hợp lý, hiệu lực, hiệu quả.
![Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: PHẠM THẮNG](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_114_51468666/baa59d7eac30456e1c21.jpg)
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: PHẠM THẮNG
Đặt lại vấn đề "tại sao phải tinh gọn", Phó Thủ tướng Thường trực chỉ rõ hiện nay ngân sách quốc gia đang dành tới 70% cho chi thường xuyên, làm 10 đồng chỉ có 3 đồng để chi đầu tư phát triển, còn lại 7 đồng để chi thường xuyên.
“Muốn tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đường sá, cơ sở hạ tầng… mà trông cậy vào 30% thì không có cách nào khác là phải tinh gọn. Tuy nhiên, để tinh gọn hiệu quả cần phải có hành lang pháp lý phù hợp”- ông Nguyễn Hòa Bình nói.
Trả lời câu hỏi “việc tinh gọn đã dừng lại chưa?”, ông Bình khẳng định quá trình này đến nay mới chỉ là bước đầu.
“Chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu để tinh gọn nữa, vì thế luật có thể cũng sẽ được điều chỉnh trong thời gian tới" - Phó Thủ tướng Thường trực cho biết và nhấn mạnh yêu cầu làm sao để chúng ta phải có được bộ máy tinh gọn hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn, tiền nhân dân đóng góp để nuôi bộ máy ít nhất có thể, còn lại dành tiền cho việc phát triển kinh tế- xã hội để cải thiện đời sống cho người dân.
Trên tinh thần đó, ông Nguyễn Hòa Bình chỉ rõ nhiệm vụ thứ nhất mà kỳ họp bất thường đặt ra là phải tạo được hành lang pháp lý, không chỉ tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước vận hành hiệu quả mà còn thể hiện tư duy đổi mới trong xây dựng pháp luật. Đó là xóa bỏ việc "không quản được thì cấm" và bảo đảm pháp luật phải thực hiện được cả hai chức năng, gồm chức năng quản lý và chức năng kiến tạo để thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
Vấn đề thứ hai là tư duy phân cấp, phân quyền mạnh mẽ nữa, nhiều hơn nữa. Hôm qua, Quốc hội đã bàn về Luật Tổ chức Quốc hội, theo đó Quốc hội đã ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất nhiều và Quốc hội cũng ủy quyền cho Chính phủ, phân cấp phân quyền cho Chính phủ.
"Hôm nay, bàn về Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng theo tinh thần đổi mới như vậy, phải phân cấp, phân quyền cho bên dưới nhiều hơn" - ông Nguyễn Hòa Bình nói.
2 dự án luật mang tính lịch sử, đột phá về tư duy lập pháp
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhận định việc xây dựng hai dự án luật này diễn ra trong bối cảnh đặc biệt cấp thiết, gắn với yêu cầu sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
“Thời gian xây dựng luật chỉ có hai tháng, đúng nghĩa ‘vừa chạy vừa xếp hàng’ nhưng phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành. Không chỉ có ý nghĩa chính trị, pháp lý, hai dự án luật này còn mang tính lịch sử" - Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói.
![Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: PHẠM THẮNG](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_114_51468666/0e6d3db60cf8e5a6bce9.jpg)
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: PHẠM THẮNG
Bà Phạm Thị Thanh Trà cho hay hai dự thảo có rất nhiều điểm mới nhưng lớn nhất là điểm mới trong tư duy xây dựng pháp luật. Theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư và Chủ tịch Quốc hội, luật chỉ quy định vấn đề mang tính nguyên tắc chung, cơ bản, đảm bảo sự ổn định, sức sống bền vững của dự án luật và đảm bảo điều hành thực tiễn của nền hành chính nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng nhấn mạnh đây là hai “đạo luật gốc” của nền hành chính nhà nước, đặt nền tảng để các luật chuyên ngành sau này thiết kế theo. Nếu không thiết kế theo nguyên tắc này, hệ thống pháp luật sẽ bị phá vỡ, gây xung đột giữa luật gốc và luật chuyên ngành.
Một nội dung quan trọng khác, hai dự thảo luật thể hiện việc phân định rạch ròi thẩm quyền giữa Chính phủ và chính quyền địa phương. Chính phủ được xác định rõ vai trò là cơ quan hành chính cao nhất, thực hiện quyền hành pháp.
Dự thảo luật cũng làm rõ mối quan hệ giữa Chính phủ với các cơ quan lập pháp, tư pháp. Cùng với đó, thẩm quyền của Thủ tướng, bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cũng được thể hiện rõ ràng trong dự thảo.
“Việc xác định rõ trách nhiệm là để không đẩy việc lên Chính phủ” - bà Phạm Thị Thanh Trà nói.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng chỉ rõ vấn đề cốt lõi của hai dự án luật là phân quyền, phân cấp, ủy quyền. Trong đó, phân quyền được quy định trong luật, đảm bảo tính pháp lý cao nhất; phân cấp được quy định trong các văn bản pháp luật dưới luật, linh hoạt trong điều hành; còn ủy quyền được quy định qua các văn bản hành chính, giúp xử lý nhanh các vấn đề thực tiễn.
Căn cứ vào nguyên tắc này, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo tính đồng bộ trong toàn bộ hệ thống hành chính nhà nước.
Hai dự luật được thiết kế xuyên suốt theo phương châm mà Tổng Bí thư Tô Lâm nêu đó là “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết tất cả các vấn đề hiện nay của luật chuyên ngành.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, sau khi hai luật được thông qua, trong vòng hai năm, các luật khác phải được sửa đổi để đảm bảo tính đồng bộ.
Hiện nay, Chính phủ đã hoàn thành các nghị định quan trọng liên quan đến hai dự án luật này và sẽ được ban hành ngay sau khi luật được Quốc hội thông qua để hướng dẫn thực hiện, vận hành ngay bộ máy mới, không để khoảng trống pháp lý.
Chồng chéo trong quy định thẩm quyền
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu vấn đề nổi cộm trong quản lý nhà nước hiện nay là sự chồng chéo trong quy định thẩm quyền.
Theo bà Trà, qua rà soát có 177 luật quy định thẩm quyền của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; 152 luật quy định thẩm quyền của Thủ tướng; 141 luật quy định thẩm quyền của UBND, HĐND; 92 luật quy định thẩm quyền cả ba cấp chính quyền địa phương.
“Với hệ thống pháp luật phức tạp như vậy, nếu không cải cách mạnh mẽ thì rất khó để phân cấp, phân quyền, ủy quyền một cách hiệu quả" - bà Trà nêu quan điểm và một lần nữa nhấn mạnh, điểm rất mới trong tư duy xây dựng luật tại Việt Nam là ủy quyền lập pháp. Đây là việc chưa từng có tiền lệ.
"Chính phủ được ủy quyền ban hành nghị định và các văn bản để giải quyết vấn đề thực tiễn, nếu không thì rất khó” - bà Trà nói và cho rằng đây là quyết định rất sáng suốt.