Chuyện về 4 cái tên Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng và Hoàn Kiếm
Từ ngày 1-7-2025, theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, cả nước sẽ thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, gồm cấp tỉnh và cấp xã; cấp huyện sẽ chấm dứt hoạt động.
Tại Hà Nội, trong đề án sắp xếp đơn vị hành chính, nhiều phường mới sẽ mang tên các quận cũ như Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng... Vậy những tên gọi này xuất hiện từ khi nào và được chọn để đặt tên quận vào thời điểm nào trong lịch sử hành chính Hà Nội?

Quận Hoàn Kiếm có nhiều con phố và di tích lâu đời. Ảnh: Internet
Ngày 17-7-1914, chính quyền thực dân Pháp điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội, vẫn giữ nguyên 8 hộ (quartier) và đánh số thứ tự từ 1 đến 8. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954), chính quyền Việt Minh đã chia lại địa giới khu vực nội đô, đổi đơn vị “hộ” thành “quận” và tiếp tục đánh số. Tuy nhiên, cách phân chia này chỉ nhằm phục vụ yêu cầu của thời kỳ kháng chiến.
Sau ngày tiếp quản Hà Nội (10-10-1954), thành phố được tổ chức lại về mặt hành chính. Năm 1958, nội thành chia thành 12 khu phố, trong đó có khu phố Hoàn Kiếm. Đến tháng 5-1959, số khu phố được rút gọn còn 8, và Hoàn Kiếm vẫn được giữ nguyên tên gọi.
Năm 1961, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua nghị quyết mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, sáp nhập nhiều huyện, xã từ các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Đông... vào thành phố. Từ đây, nội thành Hà Nội chính thức có 4 khu phố - tiền thân của các quận hiện nay, gồm: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng.
Tên gọi của bốn khu phố nội đô Hà Nội đều bắt nguồn từ những địa danh, di tích lịch sử gắn bó sâu sắc với mảnh đất ngàn năm văn hiến. Khu phố Hai Bà Trưng được đặt theo tên hai vị nữ anh hùng dân tộc, gắn liền với đền thờ Hai Bà Trưng nằm ở làng Đồng Nhân (nay thuộc phường Đồng Nhân).
Khu phố Đống Đa được đặt theo tên gò Đống Đa, một di tích lịch sử ghi dấu chiến thắng oanh liệt trong trận Khương Thượng - một trong những chiến công lừng lẫy của vua Quang Trung vào năm 1789, nơi từng là bãi chôn xác hàng vạn quân Thanh. Khu phố Ba Đình lại gắn với quảng trường Ba Đình - cái tên do thị trưởng Hà Nội Trần Văn Lai đặt vào tháng 7-1945, thay cho tên cũ là quảng trường Puginier, nằm trước Phủ Toàn quyền Đông Dương (nay là Phủ Chủ tịch).
Tên "Ba Đình" vốn là tên một vùng đất thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa - nơi cuối thế kỷ XIX từng là căn cứ kháng chiến của phong trào Cần Vương chống Pháp, do lãnh binh Đinh Công Tráng cùng văn thân ba làng: Mậu Thịnh, Thượng Thọ, Mỹ Khê lập nên.
Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã giữ nguyên tên gọi đầy ý nghĩa này cho quảng trường nơi diễn ra Lễ Tuyên ngôn Độc lập. Còn khu phố Hoàn Kiếm mang tên hồ Hoàn Kiếm tuy nhiên, tên gọi ấy lại là cả một câu chuyện dài, nhuốm màu huyền thoại...
Hồ Hoàn Kiếm xưa vốn là phần phía bắc của hồ Lục Thủy, còn có tên gọi khác là Tả Vọng. Cái tên “Hoàn Kiếm” bắt nguồn từ truyền thuyết Lê Lợi hoàn trả thanh gươm báu cho thần Kim Quy sau khi đánh thắng quân Minh. Truyền thuyết này có lẽ khởi sinh từ sách Lam Kinh thực lục - một văn bản được cho là do Lê Lợi viết, hoặc do ông sai người chấp bút vào năm 1431. Trong bản chép này, câu chuyện về thanh gươm còn rất giản đơn: Lê Lợi được trời ban cho gươm thần và ấn quý ở đất Lam Sơn, nhờ đó đánh tan giặc ngoại xâm. Đáng chú ý là Lam Kinh thực lục không hề nhắc đến hồ Lục Thủy ở Thăng Long.
Phải đến cuối thế kỷ XVIII - tức hơn 400 năm sau - một nhà nho vô danh đã “tạo tác” nên câu chuyện Lê Thái Tổ trả gươm ở hồ Tả Vọng. Ông gọi nơi này là “Hồ Trả Gươm”. Không có ghi chép nào nêu tên hay quê quán người chấp bút truyền thuyết ấy, nhưng câu chuyện nhanh chóng lan rộng khắp Thăng Long. Qua thời gian, dân gian thêm thắt, chuyển đổi nhiều chi tiết. Chữ “trả” nghe có phần sòng phẳng, khô khan, nên được đổi thành “hoàn” - gợi cảm xúc ân tình, nghĩa khí hơn. “Hồ Trả Gươm” từ đó trở thành “Hồ Hoàn Gươm”, rồi dần quen gọi là “Hồ Hoàn Kiếm” - cái tên vừa giàu tính biểu tượng vừa giữ nguyên bài học sâu sắc về chữ Tín.
Trong “Đại Nam nhất thống chí” - bộ chính sử đồ sộ của triều Nguyễn hoàn thành vào giữa thế kỷ XIX - có ghi: “Hồ ở ngoài đông nam thành tỉnh Hà Nội. Tương truyền: Lê Thái Tổ đi thuyền chơi hồ, có con rùa nổi lên, nhà vua cầm kiếm chỉ vào rùa. Rùa liền ngậm kiếm lặn xuống. Lại có thuyết nói, trước kia, vua Thái Tổ bắt được kiếm thần và ấn thần, bèn dấy binh đánh giặc Minh, sau truyền làm bảo vật. Đến năm Lê Thánh Tông băng hà, kiếm thần và ấn đều mất, sau người ta thấy đầu thanh kiếm nổi ở trong hồ, chốc lát lại biến mất, nên nhân dân đặt tên hồ là Hoàn Kiếm”.
Sau này, trên bản đồ Hà Nội năm 1873 do Phạm Đình Bách vẽ, địa danh này cũng được ghi là hồ Hoàn Kiếm. Tuy nhiên, các bản đồ do người Pháp lập từ năm 1883 cho đến thập niên 1930 lại chú thích hồ bằng cái tên giản lược hơn: Lac Petit (nghĩa là “hồ nhỏ”). Đầu năm 1893, con đường bao quanh Lac Petit được khánh thành. Người dân quanh vùng ra đây hóng mát, trò chuyện, nghỉ ngơi bên bờ hồ và từ đó, cách gọi “Bờ Hồ” xuất hiện, trở nên gần gũi, thân thuộc, rồi dần trở thành cách gọi phổ biến cho đến ngày nay.
Hiện nay, trong các văn bản hành chính hay sách giáo khoa, cách gọi hồ Hoàn Kiếm, quận Hoàn Kiếm là bắt buộc, nhằm bảo đảm tính chuẩn mực và thống nhất. Tuy nhiên, với giới nghiên cứu lịch sử, văn hóa, cũng như các văn nghệ sĩ, cách gọi lại linh hoạt hơn, khi trang trọng thì viết hồ Hoàn Kiếm, lúc thân mật, gần gũi lại dùng hồ Gươm. Còn với những người đã sống lâu năm ở Hà Nội, gắn bó với từng góc phố, từng hàng cây nơi đây, cái tên thân thương vẫn luôn là Bờ Hồ.