Chuyện về Anh Bảy Cay xỏn Phômvihản: Chuyện làm tượng

Có một thời gian dài gần như tôi phải… lòng người thợ đá làng Ninh Vân, Ninh Bình Phạm Viết Hoàn! Trên cả tầm thợ, Hoàn là nghệ nhân đá thực thụ. Bởi bàn tay Hoàn từng chỉ huy cả kíp thợ làng Ninh Vân chế tác các tượng danh nhân.

Giám đốc Nguyễn Nam Mộc (giữa) hướng dẫn Thượng tướng Na Khon nguyên thứ trưởng Bộ Quốc phòng - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Lào thăm nội thất Bảo tàng Cay Xỏn Phômvihản

Giám đốc Nguyễn Nam Mộc (giữa) hướng dẫn Thượng tướng Na Khon nguyên thứ trưởng Bộ Quốc phòng - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Lào thăm nội thất Bảo tàng Cay Xỏn Phômvihản

Tôi từng lẽo đẽo theo Phạm Viết Hoàn vào Thanh coi Hoàn tạc tượng Bình Định Vương Lê Lợi ở thành phố Thanh Hóa. Ra An Sinh vương ở An Phụ, Chí Linh ngắm Hoàn cùng kíp thợ làng Ninh Vân thổi hồn vào những thớ đá lấy tận trong xứ Thanh của Tượng đài Trần Hưng Đạo. Vào Vinh coi Hoàn chăm chút tượng Bác ở Quảng trường Hồ Chí Minh. Rồi bám theo tàu xe của Phạm Viết Hoàn và đám thợ đá Ninh Vân từ Ninh Bình ra tận đảo Lý Sơn, chiêm ngưỡng nhóm thợ của Hoàn dựng cụm tượng đài chủ quyền Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.

Cái tài cái khéo của nghệ nhân Phạm Viết Hoàn và kíp thợ đá làng đá Ninh Vân đã lọt tầm ngắm của Giám đốc Công ty TNHH Mỹ thuật và công nghệ Việt Nguyễn Nam Mộc. Công ty ông khi ấy (năm 2005) trúng thầu được nhận việc chế tác tượng đài Chủ tịch Cay Xỏn tại Học viện Quốc phòng Lào mang tên Cay Xỏn Phômvihản.

Do những đóng góp xứng đáng ở công trình trang trí nội thất ở Bảo tàng CayXỏn Phômvihản trước đó mà Công ty ông Mộc được giao tiếp phần việc quan trọng và ý nghĩa này.

Nguồn động viên lớn là ngày duyệt mẫu phác thảo tượng đài Cay Xỏn đặt tại Học Viện Quốc phòng, ông Xay Xổm phon Phômvihản, Ủy viên T.Ư Đảng Nhân dân Cách mạng (NDCM) Lào Phó Chủ tịch Quốc hội Lào, con trai Chủ tịch cùng các tướng lĩnh Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa Lào đã trực tiếp cùng các thành viên Công ty bàn soạn, góp ý chỉnh sửa đến chi tiết nhỏ nhất cho việc hoàn thiện.

Ở Việt Nam thời điểm đó, chưa có tượng đài nào nguyên khối lớn như vậy. Giám đốc Nguyễn Nam Mộc bộc bạch có lẽ phải có một cơ may nào đó mới hoàn tất được một công trình tiếng là thổ mộc đồ sộ nhưng phải tinh xảo. Ngoài quy trình chế tác công phu tỉ mẩn, lại phải di chuyển khối tượng nặng hơn 30 tấn xuyên qua hai quốc gia Việt - Lào trên lộ trình gần 1.000 km.

Để chế tác tượng phải dùng thứ đá nguyên khối khai thác tại mỏ đá ở Ninh Bình, vì nước bạn không có. Ông Mộc lẽo đẽo theo Phạm Ngọc Hoàn bươn chải các mỏ triền núi đá trong vùng gọi là tìm nguyên liệu. Hơn nửa tháng mới chọn được vỉa ưng ý. Một ê kíp thợ phải dùng thuốn, những tre, gỗ, sắt và sức người đánh bẩy sao đó cho bật ra khối đá được chọn. Hỏi sao không dùng mìn cho đỡ tốn sức? Hoàn cười, ông có muốn cho lực nổ om vào khối đá để đến khi đục nó toác ngầm ra thì cứ việc dùng… mìn!

Tiếp đó, dưới sự chỉ đạo của Hoàn, các nghệ nhân đục, đẽo, sơ chế và cẩu, chở đá về xưởng điêu khắc. Căn cứ vào tạo mẫu đất sét rồi mẫu thạch cao, theo tỷ lệ 1/1, từ khối đá khổng lồ chắc khừ và vô hồn, không có khuôn sẵn, các nghệ nhân chỉ được dùng nhỡn lực của đôi mắt và cả những tưởng tượng cảm nhận vô hình để làm sao những đường đục, những đường vạc truyền được tạo được, thần thái của nhân vật!

Tượng đài Chủ tịch Cay Xỏn tại Học Viện Quốc phòng Lào

Tượng đài Chủ tịch Cay Xỏn tại Học Viện Quốc phòng Lào

Có lẽ ông Mộc đã gặp may khi Ninh Vân có hàng trăm doanh nghiệp làm đá mỹ nghệ lớn nhỏ với hàng ngàn tay thợ. Từ bao đời nay, làng nghề này đã làm được biết bao công trình có giá trị lịch sử và ý nghĩa giáo dục các thế hệ, trong đó có những tượng đài. Với lòng say mê, kiên trì, tác phong tỉ mỉ, trí sáng tạo, các nghệ nhân đã thổi hồn vào đá, đục đẽo, tỉa tót chính xác đến từng chi tiết nhỏ của tượng đài như tai, mũi, mắt… Qua 9 tháng miệt mài lao động của các nghệ nhân, tượng đài Chủ tịch CayXỏn Phômvihản hoàn tất.

Bây giờ đến công đoạn di chuyển tượng. Giám đốc Nguyễn Nam Mộc lại phải lo thuê xe đầu kéo để di chuyển tượng đài. Xuất phát từ Ninh Vân, Ninh Bình, lộ trình phải gập ghềnh qua bao cái dốc với rì rì tốc độ xe bò. Lại qua hơn chục khúc cua chóng mặt. Hơn một ngày mới lên được Cửa khẩu Cầu Treo. Hẵng khoan chưa vội được thở phào mà đang phải bắt đầu vào quốc lộ 13 của đất bạn Lào. Đó là một lộ trình dài dặc gian nan. Đường dài 800km không phải thẳng thớm mà có khá nhiều đèo dốc. Ớn nhất là phải qua 5 cầu sắt đã cũ… Cánh tiền trạm mặc dù hỏi han rất kỹ nhưng vẫn chưa có thông tin rành rẽ là với trọng tải tượng khủng như này thì liệu cầu có đảm bảo? Lái xe lo ngay ngáy. Mùa lạnh mà mỗi khi qua cầu anh em toát mồ hôi hột vì lo sập cầu. May mà thoát cả. Tầm 1 giờ sáng mới đến được nơi cần đến. Anh em nói vui, nhờ có Chủ tịch Cay Xỏn phù hộ nên mọi việc đều suôn sẻ.

Tại học viện Quốc phòng Lào, bục, bệ cao 2,5m được thi công trước đó. Lễ đặt tượng đài Chủ tịch CayXỏn Phômvihản được tổ chức trọng thể ngày 20/1/2005. Tác phẩm là một công trình tập thể, bao gồm: Sáng tác mẫu - nhà điêu khắc Vũ Thị Hoa; thể hiện- nhà điêu khắc Nguyễn Triệu Thành và nghệ nhân Phạm Ngọc Hoàn. Chủ nhiệm công trình là Giám đốc Nguyễn Nam Mộc.

Trên một khuôn viên rộng lớn, trước cửa, chính giữa nhà cao tầng của học viện, tượng đài Chủ tịch CayXỏn Phômvihản cao lồng lộng; chất liệu đá nguyên khối màu ghi.

Học viện Quốc phòng CayXỏn Phômvihẳn ngày nay là Trung tâm đào tạo cán bộ chính trị, quân sự cao nhất của Quân đội nhân dân Lào. Học viện được thành lập ngày 23/12/1996. Học viện hằng năm tuyển sinh, đào tạo từ 400 đến 450 học viên, với 9 đối tượng đào tạo, trong đó có các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh cho cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và cán bộ diện Trung ương quản lý; các lớp đào tạo cán bộ cấp chiến dịch-chiến lược; đào tạo thạc sĩ quân sự, chính trị... Đội ngũ giảng viên của Học viện có 15% là tiến sĩ, hơn 40% trình độ thạc sĩ, còn lại là cử nhân và cao đẳng. Hiện nay, Học viện đang khẩn trương nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo tiến sĩ bắt đầu tuyển sinh nghiên cứu sinh tiến sĩ các chuyên ngành khoa học quân sự và khoa học xã hội nhân văn quân sự.

Cũng mở thêm cái ngoặc về tình cảm công sức của riêng Công ty Mỹ thuật của ông Nguyễn Nam Mộc với nước bạn Lào.

Với Hoàng thân Chủ tịch Xu-pha-nu-vông, Công ty của Giám đốc Nguyễn Nam Mộc đã hoàn thành xuất sắc 2 công trình mỹ thuật về Người. Trong đó, tượng đài Chủ tịch đặt tại Trường đại học Quốc gia Lào ở Cố đô, tỉnh Luông Pha-băng. Chất liệu tượng đài bằng đá cẩm thạch màu trắng; có kích thước: cao 4,5m; bục bệ 2,5m; tọa lạc trên sân, vườn hoa rộng 1.800m2 (Nhà điêu khắc Nguyễn Triệu Thành sáng tác mẫu; thể hiện: nghệ nhân Phạm Viết Hoàn và Nguyễn Triệu Thành. Tượng đài khánh thành vào ngày 18/2/2008).

Với lòng say mê, kiên trì, tác phong tỉ mỉ, trí sáng tạo, các nghệ nhân đã thổi hồn vào đá, đục đẽo, tỉa tót chính xác đến từng chi tiết nhỏ của tượng đài như tai, mũi, mắt… Qua 9 tháng miệt mài lao động của các nghệ nhân, tượng đài Chủ tịch CayXỏn Phômvihản hoàn tất.

Xuân Ba

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi-phong-su/chuyen-ve-anh-bay-cay-xon-phomvihan-chuyen-lam-tuong-1763624.tpo