Chuyện về cán bộ y tế không thích làm theo quy trình

Thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được cấp ủy, các tổ chức Đảng trên địa bàn huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đã tạo thành việc làm thường xuyên, tự giác trong mọi hoạt động của các tổ chức, cá nhân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở địa phương.

Qua học tập và làm theo Bác, huyện Tân Phú Đông đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, trong đó có đồng chí Hồ Văn Son (sinh năm 1988, quê quán huyện Gò Công Đông), một đảng viên trẻ và là Bí thư Chi bộ Y tế dự phòng, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế huyện Tân Phú Đông.

GẮN BÓ VỚI VÙNG ĐẤT KHÓ

Sau khi tốt nghiệp ngành Y ra trường, theo nguyện vọng của gia đình muốn mình về quê công tác. Như một cơ duyên, khi đồng chí Son gửi hồ sơ xin việc ở Sở Y tế và được Trung tâm Y tế huyện Tân Phú Đông tiếp nhận. Dù đã 13 năm qua, nhưng đồng chí Son vẫn không quên những ngày đầu đặt chân đến vùng đất cù lao Tân Phú Đông nhận công tác.

Đồng chí Son nhớ lại: “Khi ấy, huyện Tân Phú Đông mới thành lập, là một huyện nghèo, đặc biệt khó khăn, còn thiếu thốn nhiều thứ. Con đường đi làm của tôi đầy khó khăn, chưa có đường nhựa, phải qua đò, do lúc bấy giờ không có phà lớn thân sắt… Trời mưa, tôi dắt xe đi bộ qua những con đường sình lầy; trời nắng thì áo quần bị bám đầy bụi bặm. Do Tân Phú Đông là đơn vị huyện mới thành lập nên cơ quan tôi phải tận dụng Phòng khám Khu vực Tân Phú để làm trụ sở làm việc. Cả Khối Y tế dự phòng khi ấy có 7 người, mọi thứ vật dụng từ máy tính, tủ, bàn làm việc… đều gói gọn trong 1 căn phòng. Dù khó khăn, thiếu thốn nhưng anh em luôn động viên nhau cùng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”.

Với sự góp sức của đồng chí Son khi được giao phụ trách Khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế huyện Tân Phú Đông vào tháng 12-2017, từ năm 2018 đến năm 2021, huyện Tân Phú Đông 4 lần nhận Cờ Thi đua của UBND tỉnh Tiền Giang trong thực hiện Chuyên đề phòng, chống dịch bệnh; Chi bộ Y tế dự phòng, Trung tâm Y tế huyện Tân Phú Đông được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liên tục (2017 - 2021); Khoa Kiểm soát bệnh tật được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận Tập thể Lao động xuất sắc 5 năm liền (2018 - 2022).

Khi nhận nhiệm vụ, đồng chí Son được phân công công tác lĩnh vực y tế công cộng và an toàn vệ sinh thực phẩm, thuộc Khối Y tế dự phòng. “Cơ quan khi ấy chủ yếu là các cô, chú lớn tuổi từ các huyện lân cận chuyển đến, tôi là người nhỏ tuổi nhất nên áp lực cũng lớn và nhiều bỡ ngỡ vì môi trường, điều kiện làm việc khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm, động viên từ lãnh đạo, đồng nghiệp, tôi đã không ngừng rèn luyện, học tập, trau dồi bản thân. Sau 1 năm công tác, tôi được bổ nhiệm làm Phó Trưởng Khoa Y tế công cộng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đó là bước ngoặt, là động lực để tôi tiếp tục cống hiến và phấn đấu”, đồng chí Son chia sẻ.

Đồng chí Son cho biết, ba của đồng chí ngày trước cũng học ngành Y, từng công tác tại một trạm y tế xã, nhưng rồi nghỉ việc do hoàn cảnh gia đình. Sau này, chị của đồng chí cũng theo ngành Y và tiếp theo thì đồng chí cũng gắn bó với ngành này. “Nhà tôi ở một vùng quê khó khăn, không khác gì với nơi tôi công tác, người dân luôn phải vật lộn với những vất vả, thiếu thốn, nhất là về y tế. Dù đối mặt với điều kiện làm việc còn nhiều hạn chế nhưng tôi không nản lòng, mà luôn với tinh thần kiên nhẫn, bền bỉ và quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ, chăm lo sức khỏe nhân dân”, đồng chí Son chia sẻ.

Với ý chí phấn đấu, đồng chí Son đã khắc phục khó khăn, học tập và làm việc với đam mê và cống hiến không ngừng nghỉ. Sự khó khăn không chỉ cho đồng chí nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, mà còn là động lực giúp đồng chí ngày càng hoàn thiện bản thân, tìm kiếm nhiều giải pháp vượt qua những rào cản trong công tác.

ĐAM MÊ SÁNG TẠO, NGHIÊN CỨU

Đồng chí Son với bản tính thích tìm tòi học hỏi, mong muốn chứng minh bản thân công tác ở vùng đất khó nhưng vẫn có thể làm được nhiều thứ, để từ đó việc nghiên cứu trở thành đam mê, có nhiều sáng kiến mang lại lợi ích cho người dân. Sau 13 năm công tác, đồng chí đã có 14 đề tài sáng kiến cấp cơ sở và 2 đề tài sáng kiến cấp tỉnh, 6 bài báo đăng trên các Tạp chí Y học trong danh mục của Hội đồng Giáo sư nhà nước.

Theo đồng chí Son, tính ứng dụng của các bài báo khoa học chủ yếu là phòng bệnh về lâu dài, chứ không thấy được hiệu quả trước mắt, nên ngoài việc nghiên cứu khoa học thuần túy, đồng chí đã nghĩ đến hướng đề xuất các giải pháp có tính ứng dụng thực tiễn cao hơn để giúp người dân được tốt hơn. “Thường thì tôi khá lười làm theo quy trình, mà hay nghĩ cách làm nhanh gọn, để đỡ tốn công cho bản thân và cho cả người dân, như Bác Hồ dạy: “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”.

Qua 13 năm nỗ lực phấn đấu, cá nhân đồng chí Son đã được cấp trên ghi nhận với những thành tích nổi bật, như: Là 1 trong 2 cá nhân của tỉnh Tiền Giang được nhận Bằng khen của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương về học tập và làm theo lời Bác năm 2022; năm 2023 là cá nhân duy nhất của tỉnh Tiền Giang được nhận Bằng khen của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về học tập và làm theo lời Bác giai đoạn 2021 - 2022; là 1 trong 2 cá nhân của tỉnh Tiền Giang được Sở Y tế đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân (2012 - 2022). Năm 2023, đồng chí Son được Sở Y tế lập hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền (2018 - 2022).

Điển hình như lúc vắc xin ComBe FIVE (vắc xin 5 trong 1) giúp phòng 5 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em (do Ấn Độ sản xuất) dùng thay thế vắc xin Quinvaxem, khi ấy có quá nhiều phản ứng phụ, phụ huynh rất hoang mang. Trước tình hình này, đồng chí Son đề xuất kênh liên lạc qua số điện thoại để tư vấn cho phụ huynh tự chăm sóc trẻ, không đưa trẻ đến trạm y tế, vừa tiện cho người dân, vừa giảm áp lực cho ngành Y tế. Tiếp đến là việc triển khai Chiến dịch khám bệnh cho người cao tuổi, nhận thấy người trên 80 tuổi đi lại khó khăn, đường sá bất tiện, đồng chí Son bàn bạc với lãnh đạo cơ quan phối hợp Đoàn Thanh niên các xã đưa đón các cụ, thành lập đoàn đến tại ấp để khám bệnh cho người cao tuổi nhằm tiết kiệm công sức đi lại của người dân.

Hay trong đợt dịch Covid-19 bùng phát, đồng chí Son chủ động đề xuất nhiều giải pháp, sáng kiến, như: Máy rửa tay tự động; buồng sát khuẩn phòng, chống dịch; thiết lập đường dây nóng tư vấn tiêm chủng vắc xin Covid-19, tạo đường link Google Form khai báo y tế từ xa cho người về từ vùng dịch, cũng như quét mã QR-Code cho học sinh khai báo y tế khi nhập học… Đồng thời, khi dịch sốt xuất huyết bùng phát trên địa bàn huyện Tân Phú Đông vào năm 2022, đồng chí Son tiếp tục có sáng kiến đánh giá và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng công tác giám sát hộ gia đình trong chiến dịch diệt lăng quăng, góp phần đáng kể trong kiểm soát dịch sốt xuất huyết. Từ đó đến nay, huyện Tân Phú Đông là địa phương luôn có số ca mắc sốt xuất huyết thấp nhất tỉnh.

Năm 2023, dịch tay chân miệng diễn biến phức tạp, đồng chí Son đã có ý tưởng và triển khai thực hiện cung cấp đường link khai báo bệnh tay chân miệng, tuyên truyền các thông điệp phòng bệnh gói gọn trong 1 mã QR-Code, giúp các bậc cha mẹ tiện lợi hơn trong việc truy cập thông tin, khai báo bệnh và áp dụng các kiến thức phòng lây nhiễm cho cộng đồng. Đồng chí Son cho rằng: “Khi bản thân làm ra được những cái mới, cái hay thì không chỉ có bản thân, mà còn giúp các đồng nghiệp đỡ vất vả, người dân được hưởng lợi. Mình cũng cảm thấy vui vì làm được những điều có ích”.

NGUYỆN HỌC THEO BÁC SUỐT ĐỜI

Với đồng chí Son, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là suốt đời. Đồng chí Son luôn cố gắng học tập về những nguyên tắc và giá trị mà Bác đã truyền tải, áp dụng vào cuộc sống và công việc hằng ngày. Điều này thể hiện qua việc đồng chí luôn có tình yêu quê hương, đất nước, quan tâm đến cộng đồng và luôn đặt lợi ích chung lên hàng đầu.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ, đồng chí Son luôn cố gắng giữ vững phẩm chất đạo đức, tự trọng và trách nhiệm trong mọi hành động. Học hỏi khả năng tự quản lý và sáng tạo, đồng thời không ngừng hoàn thiện kiến thức và kỹ năng của mình để đóng góp tích cực vào xã hội. Đồng chí Son cho biết: “Học tập và làm theo Bác đã mang lại cho tôi nhiều hiệu quả tích cực, giúp tôi xây dựng tư duy tích cực và lạc quan, luôn tìm kiếm những giải pháp tốt đẹp cho các vấn đề phức tạp. Thay vì cứ làm theo quy trình, tôi luôn tự đặt ra câu hỏi, có cách nào hay hơn, có giải pháp nào trong tình huống này. Khi làm gì tôi đều luôn nghĩ đến việc mang lại hiệu quả thiết thực, giúp người dân đỡ nhọc nhằn hơn…”.

LÝ OANH

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/hoc-tap-lam-theo-tam-guong-hcm/202308/chuyen-ve-can-bo-y-te-khong-thich-lam-theo-quy-trinh-988006/