Chuyện về căn cứ Tỉnh ủy trên núi Sầu Đâu

Tháng 5/1955, theo quy định của Hiệp định Geneve, Quảng Ngãi giao cho ngụy quyền Sài Gòn quản lý. Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi rút vào hoạt động bí mật. Việc chọn một địa điểm làm căn cứ để Tỉnh ủy chỉ đạo phong trào cách mạng trong thời gian đầu là một sự cân nhắc, tính toán hết sức chu đáo.

Một quyết định táo bạo

Cuối tháng 10/1954, Hội nghị Tỉnh ủy tập trung bàn 2 nhiệm vụ, đó là hoàn thành đúng kế hoạch chuyển quân tập kết và chủ trương gấp rút xây dựng một số căn cứ ở đồng bằng để tạo điều kiện bám dân, thuận tiện cho việc lãnh đạo.

Cựu chiến binh Huỳnh Thanh Mười bên kẽ đá từng là nơi trú ẩn tránh bom, pháo trên núi Sầu Đâu, phường Phổ Minh (TX.Đức Phổ) trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Thanh Kỳ

Tỉnh ủy phân công đồng chí Phạm Xuân Hòa - Quyền Bí thư Tỉnh ủy phụ trách chung, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Tỉnh ủy viên phân công đứng chân ở huyện để chỉ đạo. Các huyện ủy được tổ chức lại cho phù hợp với tình hình mới. Tỉnh ủy chỉ định trên 300 đồng chí cán bộ lãnh đạo xã, huyện, một số ngành của tỉnh ở lại hoạt động bí mật; số đảng viên còn lại lãnh đạo nhân dân đấu tranh đòi thi hành nghiêm Hiệp định Geneve, duy trì và giữ vững phong trào cách mạng.

Tỉnh ủy quyết định lấy xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ (nay là phường Phổ Minh, TX.Đức Phổ) làm trụ sở Tỉnh ủy trong thời gian đầu, nhằm tạo thuận lợi cho việc chỉ đạo phong trào cách mạng ở các huyện đồng bằng và thị xã. Xã Phổ Minh đã chọn núi Sầu Đâu- nơi có sẵn một địa đạo được người dân xây dựng để tránh địch từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp, để đặt Căn cứ Tỉnh ủy.

Khi đó, Huyện ủy Đức Phổ bàn nhiều phương án nên chọn địa điểm nào phù hợp nhất? Đồng chí Phạm Xuân Hòa quyết định chọn núi Sầu Đâu của xã Phổ Minh vì mấy lẽ: Trong khi địch tập trung tố cộng ở các địa phương phía tây, để tạo bất ngờ ta chọn một địa điểm phía đông, sát biển nhằm hạn chế sự chú ý của địch. Đứng ở vị trí này dễ cơ động khi địch tập trung đánh phá, có thể rút sang núi Cửa, trốn vào những hang đá bí mật, địch khó phát hiện lại có sự che chở, bảo vệ của người dân xóm chài Bải Xếp, thuộc xã Phổ Vinh, cũng như đi vào phía nam các xã Phổ Vinh, Phổ Cường lên vùng tây Đức Phổ. Điều quan trọng nữa là, nơi đây có phong trào quần chúng mạnh, có đảng bộ vững vàng trong thời kỳ chống Pháp, cũng như có vị trí đảm bảo bí mật, có đường thoát khi địch phát hiện...

Đồng chí Trương Quang Chân - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi, lúc đó là cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy cho biết, trước khi địch tiếp quản, tôi được Tỉnh ủy cử vào huyện An Lão (Bình Định) - nơi có cơ quan đại diện Liên khu 5, nhận máy vô tuyến điện, bản đá in litô, máy đánh chữ, pin nghe đài mang về cất giấu ở núi Sầu Đâu. Sau đó, tôi được phân công hằng ngày nghe đài, viết tin, tổ chức in bản tin, truyền đơn. Nơi đây cũng là nơi in tờ báo “Hòa Bình” - cơ quan tuyên truyền của Tỉnh ủy, do tôi và đồng chí Trần Quang Tuyến, người bảo vệ đồng chí Phạm Xuân Hòa, cùng thực hiện.

Từ núi Sầu Đâu, Tỉnh ủy đã chỉ đạo kịp thời phong trào cách mạng ở các huyện đồng bằng, thị xã ngay từ khi địch tiếp quản.

Bài học dựa vào dân

Trước khi chọn xã Phổ Minh, mà cụ thể là núi Sầu Đâu làm trụ sở của Tỉnh ủy để chỉ đạo phong trào cách mạng, Tỉnh ủy đã đi tìm hiểu, đánh giá kỹ về tinh thần cách mạng của nhân dân địa phương. Tỉnh ủy tin tưởng vào sự kiên cường của Đảng bộ và nhân dân Phổ Minh trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Khi ấy, địa phương này là nơi đóng góp nhân lực, vật lực không nhỏ cho tiền tuyến, là chỗ dựa của bộ đội chủ lực quân khu sau mỗi chiến dịch về huấn luyện, dưỡng quân; tình cảm giữa nhân dân và các đơn vị bộ đội thật sự gắn kết, người dân hết lòng tin Đảng, tin thắng lợi của cuộc kháng chiến.

Dấu tích địa đạo của Căn cứ Tỉnh ủy vẫn còn lưu dấu trên núi Sầu Đâu, phường Phổ Minh (TX.Đức Phổ). Ảnh: Xuân Hiếu

Để bảo vệ cơ quan Tỉnh ủy, Huyện ủy Đức Phổ cùng với một số lãnh đạo huyện, xã đã bố trí nhiều gia đình nuôi giấu cán bộ hoạt động ở các thôn Hải Môn, Tân Tự, Trường Sanh, Lâm An, xã Phổ Minh và tại một số gia đình ở các xã Phổ Vinh, Phổ Cường, Phổ Văn, Phổ Thuận (Đức Phổ)... Nhờ được bố trí chặt chẽ, giữ được bí mật, bất ngờ, sự bảo vệ của quần chúng nên suốt một thời gian dài, cơ quan của Tỉnh ủy ở núi Sầu Đâu và vị trí thứ 2 là ở nhà bà Hoằng (Tô Thị Nho), ở thôn Lâm An vẫn giữ được an toàn cho đồng chí Phạm Xuân Hòa và các đồng chí trong Tỉnh ủy, Huyện ủy Đức Phổ sinh hoạt, hội họp để chỉ đạo phong trào.

Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Phạm Xuân Hòa và các đồng chí trong Tỉnh ủy, phong trào cách mạng ở Đức Phổ, trong đó có xã Phổ Minh, được đánh giá là mạnh nhất tỉnh trong những năm đầu Đảng bộ rút vào hoạt động bí mật. Phổ Minh là một trong những xã có tổ chức đảng, cơ sở cách mạng, tổ chức quần chúng mạnh; bảo vệ vững chắc phong trào cách mạng và Căn cứ Tỉnh ủy. Điều độc đáo là, Căn cứ Tỉnh ủy trên núi Sầu Đâu được giữ bí mật cho đến ngày đất nước giải phóng.

Bài học dựa vào dân đã được Đảng vận dụng trước khi giành chính quyền, cũng như trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và được phát huy trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Xứng tầm di tích lịch sử cấp tỉnh

Trong kháng chiến chống Mỹ, cơ quan Tỉnh ủy luôn thay đổi, đã đứng chân ở hầu hết các huyện, nhưng theo đề xuất của các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh thì nên tập trung xây dựng 3 nơi trở thành di tích lịch sử - văn hóa, đó là: Núi Sầu Đâu - nơi đặt trụ sở của Tỉnh ủy từ năm 1955 - 1957, núi Cà Đam (Trà Bồng) - căn cứ của Tỉnh ủy nhiều năm và làng Bờ Nung, thuộc xã Sơn Kỳ (Sơn Hà) - nơi Tỉnh ủy đứng chân để chỉ đạo giải phóng Quảng Ngãi vào ngày 24/3/1975.

Một góc núi Sầu Đâu. Ảnh: Thanh Kỳ

Đây là ý tưởng hay và UBND tỉnh đã công nhận căn cứ Cà Đam là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh; UBND huyện Trà Bồng đã tổ chức công bố quyết định vào tháng 4/2021. Đến tháng 6/2021, Căn cứ Tỉnh ủy trên núi Sầu Đâu cũng đã có quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh và TX.Đức Phổ sẽ tổ chức lễ công bố vào ngày 14/4/2022.

Việc công nhận di tích cấp tỉnh đối với Căn cứ Tỉnh ủy trên núi Sầu Đâu không chỉ là niềm tự hào của người dân Phổ Minh, mà còn tạo điểm nhấn trong phát triển kinh tế - văn hóa cho vùng đất phía đông TX.Đức Phổ. Bởi lẽ, núi Sầu Đâu nằm sát cửa biển Mỹ Á, với cảnh quan khá đẹp. Khu vực núi Sầu Đâu toàn cây bản địa, hiên ngang tồn tại trước bom đạn, dông bão, được nhân dân bảo vệ nguyên vẹn như lúc còn là lá chắn che chở cơ quan Tỉnh ủy, du kích địa phương trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

Núi Sầu Đâu, với giá trị lịch sử to lớn sẽ cùng nhiều di tích lịch sử - văn hóa khác trên địa bàn TX.Đức Phổ sẽ trở thành điểm du lịch lý tưởng cho thế hệ hôm nay và mai sau...

VŨ TÙNG VI

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2023/202204/chuyen-ve-can-cu-tinh-uy-tren-nui-sau-dau-3111549/