Chuyện về đền thờ Bác Hồ tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2
'Bác Hồ là Bồ Tát, là vị La hán, bởi vì Người đã dành tất cả cho mọi người, không giữ gì riêng cho mình cả. Cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ như đóa sen giữa rừng hoa dân tộc Việt Nam, hội tụ đức tài của đất nước'. (Báo Nhân Dân ngày 22-1-1997).

Đền thờ Bác Hồ tại NMNĐ Thái Bình 2
Đại Bồ Tát Hồ Chí Minh
Từ xưa đến nay, các bậc Thánh nhân đều được nhân dân ta yêu trọng và thành kính thờ phụng, tưởng nhớ. Người dầu khí cũng rất thành kính, tưởng niệm Bác. Bằng chứng là ở đơn vị nào thuộc Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) cũng có đền thờ, nhà tưởng niệm Bác Hồ. Và cũng có đền thờ trong khuôn viên nhà máy trở thành khu tưởng niệm nổi tiếng cả vùng như Nhà tưởng niệm Bác Hồ ở Cà Mau. Sở dĩ người dầu khí nặng lòng nhớ Bác vì Bác là người khai sinh, người đặt nền móng đầu tiên cho ngành dầu khí, trong đó chủ lực là Petrovietnam.
Sáng ngày 23-7-1959, khi Bác đi thăm Khu công nghiệp dầu khí Bacu (Cộng hòa Azerbaijan), Bác đã nói với các đồng chí lãnh đạo Liên Xô và Azerbaijan: “Tôi nghĩ Việt Nam chúng tôi có biển, nhất định sẽ có dầu, nhưng đang chiến tranh, chưa làm được. Tôi hy vọng và tin tưởng rằng sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, các đồng chí sẽ giúp chúng tôi tìm ra dầu, khai thác và chế biến dầu, xây dựng được khu công nghiệp dầu khí như Bacu”. Đây là một dự đoán thiên tài, một niềm tin mãnh liệt của Bác hay như một lời “sấm” của Thánh nhân.
Lại có một câu chuyện mang tính huyền thoại gắn với Bác và Petrovietnam. Đó là việc tìm ra dầu ở tầng đá móng. Thời điểm ấy (quãng năm 1986-1987), các giếng dầu trên mỏ Bạch Hổ đột nhiên giảm mạnh sản lượng không rõ nguyên nhân. Dưới sức ép từ phía đối tác, lãnh đạo Liên doanh Vietsovpetro quyết định dỡ giàn khoan BH6 để chuyển sang vị trí khác. Kế hoạch dỡ giàn là bắt đầu vào ngày 3-9 nhưng do trùng ngày Quốc khánh 2-9 và ngày giỗ Bác nên tạm hoãn. Lịch dỡ giàn lùi đến ngày 5-9, nhưng đúng hôm đó biển động nên chưa thể thực hiện. Trong thời gian đó, các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu Khoa học và Thiết kế Dầu khí biển (NIPI) - Vietsovpetro đã quyết định khoan thêm nên việc tháo dỡ giàn tiếp tục được đình lại. Và thật bất ngờ khi khoan qua độ sâu 3.000m, dòng dầu cực mạnh đã phụt lên. Đây là sự kiện quan trọng bậc nhất trong lịch sử xây dựng và phát triển của Petrovietnam, làm thay đổi cả lý thuyết khoa học về cấu tạo các mỏ dầu của thế giới, khai sinh ra một quan điểm, ngành khoa học mới là tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trong tầng đá móng nứt nẻ.
Qua câu chuyện được người dầu khí truyền tụng đã cho thấy một điều chắc chắn là người dầu khí luôn kính yêu Bác Hồ như một vị Đại Bồ Tát, vị Thánh nhân luôn “dõi theo” từng bước đi của người làm dầu khí. Chính vì vậy, mới có việc xây dựng đền thờ Bác tại các dự án, công trình, thậm chí trên giàn khoan khai thác cũng dành một nơi đặc biệt để tưởng niệm Người. Đặc biệt bởi đây là một khu vực phải bảo đảm tuyệt đối an toàn, tuân thủ các quy định phòng chống cháy nổ cực kỳ nghiêm ngặt.
Và như một lẽ tất yếu, việc thờ phụng Bác luôn mang sắc màu kỳ diệu. Câu chuyện đền thờ Bác Hồ ở Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2 cũng là câu chuyện như thế. Tất cả đều xuất phát từ lòng kính yêu Người.

Khu tưởng niệm Bác Hồ tại Cà Mau
Nơi niềm tin hội tụ
NMNĐ Thái Bình 2 được xây dựng trên vùng ven sông thuộc xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Từ ngày khởi công dự án đến khi hoàn thành đã bị kéo dài hơn 10 năm. Với nhiều lý do cả chủ quan và khách quan, lãnh đạo dự án phát hiện ra một hiện tượng là mỗi khi thực hiện một công việc mới là anh em hay đến các đền thờ, chùa, miếu ở quanh vùng thắp hương, thậm chí làm cả ban thờ nhỏ tại hiện trường.
Theo ông Vũ Kiều Khánh - nguyên Trưởng phòng Tổ chức Hành chính Ban Quản lý Dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 (Ban QLDA), sau nhiều lần bàn bạc “nát nước” với đầy đủ lãnh đạo tổng thầu và đại diện các nhà thầu (cả Việt Nam và quốc tế), toàn bộ lãnh đạo tại Dự án NMNĐ Thái Bình 2 đã thống nhất rằng, ngành dầu khí được khai sinh và phát triển từ chính mong ước và lời căn dặn của Bác Hồ, vì vậy xây đền thờ Bác Hồ tại dự án, cùng với đặt ban thờ các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các anh hùng liệt sĩ, để mỗi cán bộ, nhân viên của dự án luôn ghi nhớ, làm theo lời Bác dạy là điều nên làm.
Nhìn ở một khía cạnh khác, việc dựng đền thờ vừa tạo thêm niềm tin cũng như thể hiện nét văn hóa “uống nước nhớ nguồn” trong văn hóa dân tộc, vừa là nơi “neo đậu” niềm tin cho người lao động tại dự án. Hơn nữa, việc này cũng sẽ góp phần bảo đảm an toàn phòng cháy cho dự án, chấm dứt các hoạt động hương khói “bí mật” theo thói quen của các tổ đội thi công trên công trường.
Tiếp đó, việc xây dựng đền thờ Bác Hồ cũng được thống nhất với toàn thể cán bộ, nhân viên, lãnh đạo Ban QLDA. Ông Nguyễn Thành Hưởng - Trưởng ban QLDA liền trao đổi với các ông Nguyễn Duyên Hải, Lương Văn Hòa của tổng thầu dự án để triển khai. Theo đó, việc thiết kế, thi công được giao cho một đơn vị có kinh nghiệm thực hiện. Kinh phí lấy từ nguồn tự nguyện của cán bộ, công nhân viên Ban QLDA, Ban Điều hành Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC, nay là PETROCONs) và cá nhân các đơn vị với yêu cầu là không ảnh hưởng đến tổng mặt bằng thi công, không ảnh hưởng an toàn, an ninh dự án.
Riêng chuyện về đôi câu đối ở cửa đền cũng khá thú vị. Chuyện là khi thi công hoàn thành đền thờ, anh em tổng thầu mới đưa câu đối để đắp ở cổng, ghi là:
“Miếu mạo sơn dung tương ẩn ước
Thiên quang vân ảnh cộng bồi hồi”
Đúng lúc đang đắp chữ, ông Nguyễn Thành Hưởng đi qua, thấy anh em thảo luận liền cắc cớ hỏi: “Thái Bình có núi đâu mà lại có “sơn dung” trong câu này?”. Thực ra, ông Hưởng biết đây là đôi câu đối nổi tiếng tại đình Trấn Ba đền Ngọc Sơn được Phạm Đức Huân dịch nghĩa:
“Dáng miếu, hình non cùng nhắc bảo
Bóng mây, ánh nắng đều bồi hồi”
Thấy thầy đắp chữ và anh em vẫn muốn giữ câu này và cũng đang được đắp dang dở nên ông Hưởng thủng thẳng bảo: “Thôi thì thay chữ “sơn” thành chữ “hương” vậy”. Thấy mọi người im lặng, ông Hưởng liền giải thích thêm, rằng “hương” ở đây là trong “hương thôn”, “hương ước”, nghĩa là “làng”, chứ không phải “hương” trong “hương sắc”, “hương thơm”. Ông thầy đắp chữ nghe xong vỗ tay tán thưởng vì vừa hợp cảnh do Thái Bình không có núi, lại vừa hợp tình vì lúc này câu đối có nghĩa dáng miếu (miếu mạo) cùng thấp thoáng trong cảnh làng (hương dung), rất đúng với phong cảnh nơi này.

Toàn cảnh NMNĐ Thái Bình 2
Dự án NMNĐ Thái Bình 2 nằm trong Trung tâm Điện lực Thái Bình, được xây dựng tại xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Dự án gồm 2 tổ máy có công suất 600 MW, mỗi năm sản xuất khoảng 7,2 tỉ kWh điện thương phẩm.
Sự đổi thay đến không tưởng
Từ khi hoàn thành đền thờ Bác Hồ tại nhà máy cho đến nay, dự án xây dựng NMNĐ Thái Bình 2 thuận lợi đến kỳ lạ. Dự án được sự cảm thông và quan tâm sâu sát từ lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Petrovietnam. Một loạt quyết sách chưa hề có tiền lệ đã tháo gỡ hàng loạt khó khăn về cơ chế cho dự án, cùng với sự đoàn kết quyết tâm của Ban QLDA và các nhà thầu đã phăm phăm đẩy dự án về đích, hoàn thành nhà máy vào cuối tháng 4-2023, đúng dịp cả nước mừng lễ thống nhất đất nước. Và cũng chỉ trong 2 năm, nhà máy đã ngay lập tức đi vào sản xuất ổn định hiệu quả với sản lượng vượt 10 tỉ kWh điện thương phẩm.
Đơn cử như để xử lý vấn đề nền móng - hạng mục công việc quan trọng nhất của một nhà máy điện công suất lớn, tổng thầu dự án là PETROCONs đã phải tiến hành thử nghiệm nhiều loại cọc khác nhau, có nhiều hố móng chỉ đóng tầm 15m là gặp nền đá cứng, rồi có những khu vực chỉ cách nhau vài mét vuông mà cả cọc bê tông chuyên dụng cũng không thể đóng xuống được. Anh em ở dự án từ Ban QLDA cho đến tổng thầu, các đơn vị liên quan ngày đêm tìm giải pháp mà vẫn “trăm mối tơ vò”. Nhiều cuộc họp, các kỹ sư của Ban QLDA và nhà thầu còn cãi nhau như mổ bò từ sáng đến khuya. Nghe đâu lúc ấy dù đã nửa đêm nhưng ông Nguyễn Thành Hưởng - Nguyên Trưởng ban QLDA Nhiệt điện Dầu khí Thái Bình 2 và tất cả lãnh đạo từ Ban QLDA, tổng thầu đến các nhà thầu xây dựng đã cùng thắp hương tại đền thờ Bác.
Thật kỳ lạ, sau khi cả tập thể đi thắp hương Bác, các bên trong tổ hợp xây dựng phối hợp nhau thật ăn khớp, các chuyên gia nhanh chóng thống nhất giải pháp sử dụng tổng hợp các loại cọc bê tông, thích hợp với từng loại đất đá. Không những thế, từ sự đồng lòng nhất trí của các nhà thầu nên tiến độ xử lý nền được gia tăng, lại còn tiết kiệm cho dự án, Nhà nước hàng trăm tỉ đồng.
Và từ khi có đền thờ Bác Hồ, cán bộ, người lao động dự án luôn thành kính dâng hương tưởng nhớ Bác vào những ngày lễ theo truyền thống và báo cáo Bác khi có công việc trọng đại. Việc làm này đồng thời nhắc nhở người lao động Petrovietnam về cội nguồn của ngành, về ước mong của Bác để ý thức hơn trách nhiệm của mình - hoàn thành các dự án công trình được giao với chất lượng và hiệu quả cao nhất.
Toàn bộ lãnh đạo tại dự án NMNĐ Thái Bình 2 đã thống nhất rằng, ngành dầu khí được khai sinh và phát triển từ chính mong ước và lời căn dặn của Bác Hồ, vì vậy xây đền thờ Bác Hồ tại dự án để mỗi cán bộ, nhân viên của dự án luôn ghi nhớ, làm theo lời Bác dạy là điều nên làm.
Thành Công