Chuyện về liệt sĩ Hoàng Nghĩa Nghiệm

Trong ngôi nhà nhỏ ở thôn Vân Nội, xã Đồng Tiến (Khoái Châu), hai người già cùng tập trung lần giở những trang giấy viết tay đã ngả màu thời gian. Đó là các ông Hoàng Nghĩa Hanh và Hoàng Nghĩa Danh, những người em của liệt sĩ Hoàng Nghĩa Nghiệm bên những kỷ vật của anh trai mình.

ông Hoàng Nghĩa Hanh và ông Hoàng Nghĩa Danh bên các kỷ vật của anh trai - liệt sĩ Hoàng Nghĩa Nghiệm

ông Hoàng Nghĩa Hanh và ông Hoàng Nghĩa Danh bên các kỷ vật của anh trai - liệt sĩ Hoàng Nghĩa Nghiệm

Trò chuyện bên ấm trà nóng, ông Hoàng Nghĩa Hanh chậm rãi kể về người anh trai của mình. Từ những năm 1994, 1995 đến nay, họ Hoàng ở làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An) đã tìm đến thôn Vân Nội để đối chiếu gia phả. Qua đối chiếu, giữa họ Hoàng ở làng Hoàng Trù và họ Hoàng ở thôn Vân Nội có chung một tổ tiên, đó là cụ Hoàng Thế Chân... Theo gia phả họ Hoàng, liệt sĩ Hoàng Nghĩa Nghiệm là hậu duệ, trưởng tôn đời thứ 10 của danh tướng Hưng Yên Hoàng Nghĩa Giao (1623 - 1662) và là trưởng họ Hoàng, dòng họ cụ Hoàng Xuân Đường, cha bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh) ở xã Hồng Tiến, nay là xã Đồng Tiến.

Liệt sĩ Hoàng Nghĩa Nghiệm sinh năm 1949, tháng 4/1968, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ khi đang là sinh viên Trường đại học Thủy sản. Sau thời gian huấn luyện, cuối năm 1970 anh vào Nam chiến đấu. “Trước khi đi anh chỉ kịp gửi về gia đình mấy quyển sách viết tay và cuốn lưu bút đồng đội viết cho anh. Tuổi đôi mươi với bao ước mơ hoài bão, anh đành gác lại, xông pha nơi chiến trường và hy sinh ngày 9/5/1973. Đến nay gia đình vẫn chưa tìm thấy hài cốt của anh” - ông Hanh kể. Từ ngày anh hy sinh, những tập thơ, cuốn lưu bút anh gửi lại trước khi lên đường vào Nam được gia đình cất giữ như những kỷ vật quý báu. Lật giở những trang lưu bút đồng đội viết cho anh, tất cả đều thể hiện tình cảm quý trọng một người anh, một người đồng chí gương mẫu, tốt bụng, luôn sẵn sàng giúp đỡ đồng đội, bảo ban các em nhỏ tuổi hơn; cũng có những dòng thể hiện sự mến mộ tâm hồn lãng mạn và tài thi ca của anh... Trong những kỷ vật liệt sĩ Hoàng Nghĩa Nghiệm để lại, đáng chú ý là tập thơ viết tay sáng tác vào khoảng những năm 1968 - 1970. Với bút danh Hoài Anh, Hồng Vân, mỗi trang viết, mỗi vần thơ đều chứa đựng lý tưởng, ý chí, trách nhiệm của tuổi trẻ và niềm khao khát hòa bình. Trách nhiệm tuổi trẻ trong anh thể hiện rõ nét ở 9 khổ thơ của bài “Tình nguyện”, trong đó nổi bật ở các khổ thơ như:

Năm mươi sinh viên trường Thủy sản
Tôi rất yêu tiếng nói câu cười
Gác lại hết những gì luyến ái
Của tuổi đời mười chín, đôi mươi
...
Xưa tay bút, ngày nay tay súng
Xưa ngồi bàn bên tập sách cao
Thì anh hỡi ngày nay vạn dặm
Và lăn lê nhào lộn chiến hào
...
Ơi các anh sinh viên!
Đã lớn lên trong mùa hoa cách mạng
Trên đường hành quân hôm nay ra tiền tuyến
Thơm ngát bông hồng, sáng trước ngực các anh.

Thật vậy, liệt sĩ Hoàng Nghĩa Nghiệm và nhiều đồng đội của anh đã hy sinh, máu các anh đã đổ cho đất nước nở hoa. Bông hồng thơm ngát sáng trước ngực các anh và tấm gương hy sinh anh dũng của các anh sáng mãi trong lòng người dân Việt Nam yêu hòa bình.

Hiện nay, ông Hoàng Nghĩa Hanh là người thờ cúng liệt sĩ Hoàng Nghĩa Nghiệm. Cuối năm 2017, ông Hanh đã soạn, in sao, đánh máy cẩn thận những tài liệu là kỷ vật của liệt sĩ Hoàng Nghĩa Nghiệm (Các bài thơ, những dòng lưu bút), tặng cho Bộ CHQS tỉnh và Tỉnh đoàn Hưng Yên. Bộ CHQS tỉnh đã biên soạn thành cuốn tài liệu giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh với tên gọi “Tư liệu lịch sử tuổi 20 - Liệt sĩ Hoàng Nghĩa Nghiệm”.

Đức Hùng

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/chuyen-ve-liet-si-hoang-nghia-nghiem-3178265.html