Chuyện về lớp học 'làm người' ở bản Dao Đồng Chụa

Khi hè về, trẻ em nơi phố thị náo nức với trại hè kỹ năng, lớp học năng khiếu, thì ở bản Dao Đồng Chụa thuộc tổ 9, phường Thống Nhất những đứa trẻ lại háo hức đến lớp để học chữ viết của cha ông truyền lại và học đạo lý làm người. Một lớp học không bảng đen, không phấn trắng, không bàn ghế chỉnh tề nhưng đầy ắp những triết lý về bài học đạo làm người...

Một lớp học không phấn, không bảng nhưng đầy ắp những triết lý về những bài học “làm người”.

Một lớp học không phấn, không bảng nhưng đầy ắp những triết lý về những bài học “làm người”.

Lớp học... “làm người”

Ông Bàn Sinh Lương, nay đã ngoài 70 tuổi, tóc bạc trắng nhưng đều đặn hàng ngày vẫn đứng lớp. Ông bảo: “Người Dao mình sống phải có lẽ, có luật. Muốn nên người thì phải học. Như cây muốn thẳng thì phải uốn từ lúc còn non”. Với mong muốn truyền lại cái “đạo” làm người cho con cháu mình.

Dù tuổi đã cao, nhưng hàng ngày cụ Bàn Sinh Lương vẫn “đứng lớp” truyền dạy chữ cho con, cháu.

Dù tuổi đã cao, nhưng hàng ngày cụ Bàn Sinh Lương vẫn “đứng lớp” truyền dạy chữ cho con, cháu.

Từ hơn 20 năm qua, ông Bàn Sinh Lương đã mở hàng chục lớp dạy chữ Nôm Dao cho con em, dân bản. Đây là loại chữ được mượn ký tự chữ Hán để ghi âm tiếng nói của người Dao. Mỗi con chữ là một kho tàng văn hóa dân tộc, ghi chép gia phả, răn dạy đạo lý, trao truyền kinh nghiệm sản xuất, đối nhân xử thế.

Không chỉ giảng dạy, ông còn tự sưu tầm, biên soạn lại những cuốn sách cổ để lưu truyền tri thức. Em trai ông là ông Bàn Sinh Lợi cũng tham gia trợ giảng. Họ cùng dựng lên một “mái trường” ở nơi bản nhỏ. Lớp học không bảng đen, phấn trắng, không ghế nhựa bàn học, mà ở đó chỉ có tấm lòng thành kính với chữ nghĩa cha ông trao truyền và tình yêu thương đối với lớp trẻ.

Khi việc mở lớp truyền dạy chữ Nôm Dao của cụ Bàn Sinh Lương gặp khó khăn thì thiếu tá Nguyễn Thu Thủy đã thắp lên một ngọn lửa mới.

Khi việc mở lớp truyền dạy chữ Nôm Dao của cụ Bàn Sinh Lương gặp khó khăn thì thiếu tá Nguyễn Thu Thủy đã thắp lên một ngọn lửa mới.

Năm 2024, lớp học tưởng chừng phải dừng lại vì không còn kinh phí duy trì, nhưng trong lúc gian nan nhất, Thiếu tá Nguyễn Thị Thu Thủy, cán bộ Công an phường Thống Nhất đã lặng lẽ bước tới và thắp lên một ngọn lửa mới. Chị đã chủ động trích một phần tiền lương cá nhân để duy trì lớp học. Không chỉ gửi gắm về vật chất, Thiếu tá Nguyễn Thị Thu Thủy còn trực tiếp cùng các “thầy giáo” xây dựng kế hoạch giảng dạy, đồng hành vận động học sinh đến lớp. Nhờ vậy, tiếng đánh vần trong trẻo từng con chữ lại đều đặn vang lên nơi bản nhỏ.

Từ sự hỗ trợ, giúp đỡ của thiếu tá Nguyễn Thị Thu Thủy, những tiếng đánh vần trong trẻo của đám trẻ tiếp tục được vang lên nơi bản nhỏ.

Từ sự hỗ trợ, giúp đỡ của thiếu tá Nguyễn Thị Thu Thủy, những tiếng đánh vần trong trẻo của đám trẻ tiếp tục được vang lên nơi bản nhỏ.

Từ năm 2024 đến nay, với sự đồng hành, hỗ trợ của Thiếu tá Nguyễn Thị Thu Thủy, các “thầy giáo” Bàn Sinh Lương, Bàn Sinh Lợi đã mở thêm được 2 lớp dạy chữ Nôm Dao cho người dân ở bản Dao Đồng Chụa. Mỗi lớp có hơn 30 học sinh từ 4 tuổi đến 16 tuổi. “Không chỉ hỗ trợ kinh phí, Thiếu tá Nguyễn Thị Thu Thủy còn đồng hành trong quá trình vận động, xây dựng kế hoạch học tập. Chị quan tâm đến từng buổi học, từng đứa trẻ, từng nỗi lo của chúng tôi. Đó là điều khiến chúng tôi thực sự xúc động”, ông Bàn Sinh Lợi chia sẻ.

Sau nhiều năm “đứng lớp” đã không biết bao nhiêu người được các “thầy” Bàn Sinh Lương, Bàn Sinh Lợi truyền dạy chữ Nôm Dao.

Sau nhiều năm “đứng lớp” đã không biết bao nhiêu người được các “thầy” Bàn Sinh Lương, Bàn Sinh Lợi truyền dạy chữ Nôm Dao.

Không chỉ hỗ trợ tài chính, Thiếu tá Thủy còn đồng hành với các “thầy” Bàn Sinh Lương, Bàn Sinh Lợi đến từng nhà, thuyết phục từng phụ huynh, nhắn gửi từng học sinh. Mỗi phần thưởng trao cuối khóa là một lời động viên về một giấc mơ gieo mầm từ chữ nghĩa và đạo lý làm người. Nhờ sự đồng hành của chị, các em nhỏ vẫn đều đặn đến lớp hàng ngày bất kể trời mưa hay nắng như một lời hồi đáp đầy yêu thương dành cho tấm lòng người “thầy áo xanh”.

Giữ “hồn chữ”, dưỡng “hồn người”

Lớp học ở Đồng Chụa khác mọi lớp học thông thường. Ở đó, các em nhỏ không chỉ học viết từng chữ Nôm Dao, mà được học lẽ sống. Mỗi lần lên lớp, “thầy” Bàn Sinh Lương luôn mở đầu bằng những bài học giản dị mà sâu sắc: “Cây cong muốn thẳng phải nắn từ nhỏ”, “ta có thể mua được mọi thứ khi xuống chợ, nhưng cha mẹ thì không có chợ nào bán”...

Mỗi chữ Nôm Dao được truyền dạy là một bài học giản dị mà sâu sắc

Mỗi chữ Nôm Dao được truyền dạy là một bài học giản dị mà sâu sắc

Từ những bài học giản dị ban đầu đã trở thành đạo lý sống thấm sâu vào tâm hồn những đứa trẻ. Nó như một ngọn lửa thắp lên giữa đại ngàn tĩnh lặng. Những “bài học làm người” không khô khan mà gắn chặt với đời sống về sự hiếu thuận, về lòng trung thực, về trách nhiệm với gia đình, cộng đồng. Trò chuyện với chúng tôi, ông Bàn Sinh Lương kể: Trước đây, người Dao mình nếu vi phạm điều cấm như nghiện ma túy, cờ bạc... sẽ bị cả dòng họ khai trừ. Bởi, làm sai là làm nhục họ, nhục làng. Nên ai cũng phải giữ mình. Cũng phải học chữ, học đạo làm người để gìn giữ tự trọng của mỗi cá nhân, mỗi dòng họ.

và là một bài học làm người về lòng hiếu thuận, sự trung thực...

và là một bài học làm người về lòng hiếu thuận, sự trung thực...

Trước đây, theo tục lệ chỉ con trai đủ 15 tuổi mới được “xin cửa thầy”. Nhưng nay, cả trai lẫn gái đều có thể được tham gia lớp học từ nhỏ. Có em mới 4 tuổi đã ê a theo “thầy” Lương, “thầy” Lợi học chữ. Người già, người trung niên, ai chưa biết chữ cũng tự tìm đến lớp. Người dân Đồng Chụa coi lớp học ấy là nơi gìn giữ danh dự. Họ bảo nhau: “học để biết lẽ phải, học để sống có nhân cách, học để không làm điều xấu”. Những ai từng mắc sai lầm, sau khi học chữ, đều thay đổi. Nhờ vậy, trong nhiều năm qua, ở bản Dao Đồng Chụa không còn tệ nạn xã hội, không có trộm cắp, không có vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng nào xảy ra. Bởi lẽ, mỗi người đều tâm niệm: đã học được cái chữ, thì phải biết sống có đạo lý, có tự trọng.

Mỗi câu chữ mà Triệu Quý Dương được học là một điều hay...

Mỗi câu chữ mà Triệu Quý Dương được học là một điều hay...

Với người Dao, mỗi ngày học một chữ là mỗi ngày học một điều hay, điều phải. Như chữ “Đức”, có khi học cả đời cũng chưa xong. “Đức” không chỉ là đạo đức mà còn là nhân cách. Đó là gốc rễ của mọi hành xử, là nền móng để một người trưởng thành. Không phải vô cớ mà trong những bài học đầu tiên, “thầy” Lương, “thầy” Lợi luôn nhắc nhở: muốn nên người thì phải học. Cũng như sống phải có đức, có nhân, có nghĩa. Chính sự tự nguyện học tập, sự nghiêm khắc trong răn dạy và tấm gương sống mẫu mực của các “thầy” Bàn Sinh Lương, Bàn Sinh Lợi đã khiến lớp học trở thành biểu tượng văn hóa sống động ở Đồng Chụa. Đó là nơi mà đám trẻ tìm đến để học chữ, người lớn tìm đến để học những bài học về đạo làm người. Chẳng vậy, từng có những người lầm lỗi, sau khi tham gia lớp học, học được những điều hay lẽ phải thì cũng tự thay đổi.

Ngoài việc hỗ trợ kinh phí để duy trì lớp học, Thiếu tá Nguyễn Thị Thu Thủy còn trích một phần lương của mình để làm phần thưởng cho những học viên có thành tích tốt.

Ngoài việc hỗ trợ kinh phí để duy trì lớp học, Thiếu tá Nguyễn Thị Thu Thủy còn trích một phần lương của mình để làm phần thưởng cho những học viên có thành tích tốt.

Sau những ngày miệt mài với từng nét bút, những đứa trẻ đã biết viết tên mình bằng chữ Nôm Dao. Và chúng đều hiểu rằng, làm người là một hành trình phải học, phải giữ, phải sống cho tử tế. Lớp học ấy không chỉ gìn giữ ngôn ngữ dân tộc, mà còn giữ lại cả nền nếp, cốt cách, lòng tự trọng và đạo lý sống của một cộng đồng. Câu chuyện về lớp học đặc biệt ở Đồng Chụa không chỉ là câu chuyện về giữ gìn chữ viết, mà đó là hành trình gìn giữ nhân cách, lòng tự trọng, đạo lý sống của cả một cộng đồng.

Với đồng bào người Dao ở Đồng Chụa, Thiếu tá Nguyễn Thị Thu Thủy đã trở thành một phần “máu thịt” của nơi này.

Với đồng bào người Dao ở Đồng Chụa, Thiếu tá Nguyễn Thị Thu Thủy đã trở thành một phần “máu thịt” của nơi này.

Để có được giá trị đó là bởi trong cộng đồng đó có những người dành trọn tâm huyết giữ “hồn chữ” như ông Bàn Sinh Lương, Bàn Sinh Lợi. Và có cả người âm thầm giữ “hồn người” như Thiếu tá Nguyễn Thị Thu Thủy. Với Thủy, dù không phải là người đồng bào dân tộc Dao, không sinh ra và lớn lên ở bản Dao, nhưng có lẽ chị đã trở thành một phần “máu thịt” của nơi này - bản Dao Đồng Chụa.

Mạnh Hùng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/chuyen-ve-lop-hoc-lam-nguoi-o-ban-dao-dong-chua-236637.htm