Chuyện về miếu Bà Nhã

Sau khi bà Nhã qua đời, người dân lập miếu thờ, tổ chức lễ cúng vào mùng 7 tháng Giêng. Ngôi miếu này được cho là rất linh thiêng nên mỗi khi trong gia đình có sự việc quan trọng như đưa con đi thi cử, làm ăn, buôn bán… người dân địa phương đều đến miếu cúng vái, cầu khẩn.

Ấp Bà Nhã được thành lập năm 1951 với diện tích 1.300 ha. Đến nay, có ít nhất 2 câu chuyện khác nhau kể về địa danh này. Theo “Trảng Bàng Phương chí” của Vương Công Đức (trang 452, NXB Tri Thức, 2014) thì: “Bà Nhã vốn họ Võ, là vợ của một vị hương chức trong vùng. Sinh thời bà làm nghề mụ vườn.

Một đêm nọ có một con cọp đực đến bắt bà mang vào rừng sâu, bà hoảng sợ ngất đi, khi tỉnh dậy thấy mình trong một cái hang có con cọp cái đang đau đớn chuyển dạ. Bà Nhã nhanh trí hiểu ý nghĩa của cọp đực bèn tiến tới đỡ đẻ cho cọp cái.

Với sự trợ giúp của bà, cọp cái mẹ tròn con vuông. Ngay hôm đó, cọp đực cõng bà trở lại nhà. Tối hôm sau, cọp còn quay lại tạ ơn bà đầu con heo rừng lớn, bà trở nên nổi tiếng trong vùng. Khu vực bà Nhã sống ngày xưa được dân gian gọi là Bà Nhã”.

Khu vực miếu Bà Nhã hiện nay.

Khu vực miếu Bà Nhã hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Bế, 65 tuổi, phụ trách việc trông coi miếu Bà Nhã kể thêm, sau khi bà Nhã qua đời, người dân địa phương lập miếu thờ. Hằng năm, vào mùng 7 tháng Giêng, nhiều người dân địa phương đến miếu làm lễ cúng viếng. Ngôi mộ của bà Nhã cách ngôi miếu khoảng 400 mét.

Ông Nguyễn Văn Chường- Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Quản lý ấp Bà Nhã chia sẻ: “Tôi không rõ sự tích bà Nhã. Tôi cũng đã hỏi những người cao niên ở địa phương, không ai rõ vì sao có địa danh Bà Nhã. Trong sách lịch sử Trảng Bàng cũng không thấy nói rõ lý do vùng đất này được đặt tên Bà Nhã, nhưng câu chuyện bà mụ vườn đỡ đẻ cho cọp là không hợp lý”.

Miếu Bà Nhã chỉ là một ngôi miếu nhỏ.

Miếu Bà Nhã chỉ là một ngôi miếu nhỏ.

Ông Nguyễn Ngọc Sương, 82 tuổi, ngụ ấp Bà Nhã, nguyên chiến sĩ Trung đoàn C60 cũng không đồng ý với giả thuyết bà Nhã là bà mụ vườn đỡ đẻ cho cọp. Ông Sương kể, ngày trước có nghe các cụ lớn tuổi nói lại, thời chiến tranh Tây Sơn - chúa Nguyễn, người dân miền Trung di tản vào Nam sinh sống. Một số người về Tây Ninh lập nghiệp.

Trong số các di dân đó có một người đàn bà tên Nhã, cất căn chòi nhỏ ở gần mé sông. Nhiều người đi rừng đi rẫy thường ghé vào chòi bà Nhã xin nước uống hoặc nhờ nấu cơm. Dần dần, dân cư tụ tập đông đúc xung quanh khu vực này thành một xóm và gọi là xóm Bà Nhã. Sau này, thành ấp mới lấy địa danh bà Nhã đặt tên ấp. “Theo tôi, sự tích bà Nhã làm nghề mụ vườn đỡ đẻ cho cọp là không đúng. Câu chuyện bà mụ vườn đỡ đẻ cho cọp không hợp lý và mang tính thêu dệt”- ông Sương nói.

Theo lời ông Sương, sau khi bà Nhã qua đời, người dân lập miếu thờ, tổ chức lễ cúng vào mùng 7 tháng Giêng. Ngôi miếu này được cho là rất linh thiêng nên mỗi khi trong gia đình có sự việc quan trọng như đưa con đi thi cử, làm ăn, buôn bán… người dân địa phương đều đến miếu cúng vái, cầu khẩn.

Tượng phật Bà Quan Âm trong khu vực miếu Bà Nhã.

Tượng phật Bà Quan Âm trong khu vực miếu Bà Nhã.

Miếu Bà Nhã xây tường, lợp tôn, có đặt 2 tượng hổ lớn và 2 tượng hổ nhỏ chầu trước miếu. Bên trong miếu có ban thờ, bình hoa, nhang đèn và 2 tượng hổ khác. Trên tường có bảng khắc chữ với nội dung: “Nhà thờ bà: Võ Thị Lệ (tự Bà Nhã)”.

Bên dưới tấm bảng này có bài thơ 36 câu, khắc trên đá hoa cương với tựa đề: Lưu truyền về kỳ tích Bà Nhã Võ Thị Lệ (tức Bà Nhã địa danh), trong đó có đoạn: “Đúng là bà mụ lẫy lừng/Năm xưa đẻ cọp tưng bừng tiếng tăm/ Ngày nay đất nước thanh bình/ Sơ bà lại được tiếng vang tên làng…”.

Bài thơ bên trong miếu Bà Nhã.

Bài thơ bên trong miếu Bà Nhã.

Trong khuôn viên miếu Bà Nhã còn có tượng phật Bà Quan Âm, có miếu thờ Quan lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản, phật Di Lặc, thành hoàng bổn cảnh, thờ linh xà thần xà, cửu huyền thất tổ. Ông Nguyễn Văn Chường- Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban quản lý ấp Bà Nhã cho biết miếu Bà Nhã được xây dựng trên phần đất công của xã. Nơi đây chưa được công nhận là cơ sở thờ tự. Trước đây, miếu Bà Nhã chỉ là ngôi miếu nhỏ, những năm sau này, người dân đóng góp chi phí sửa chữa, cơi nới khuôn viên miếu thờ ngày càng rộng ra.

Bà Nguyễn Thị Hồng- Phó Chủ tịch UBND xã Đôn Thuận cho biết: “Miếu Bà Nhã do người dân tự lập, đến nay chưa được ngành chức năng công nhận là cơ sở thờ tự hay di tích. Những năm trước, người dân dựng bảng tên miếu lên, UBND xã không đồng ý, đã cho tháo bảng. Về việc trong miếu Bà Nhã thờ thêm một số tượng khác, UBND xã chưa nghe Trưởng Ban quản lý ấp báo cáo”.

Cạnh miếu Bà Nhã còn có nhiều ngôi miếu khác.

Cạnh miếu Bà Nhã còn có nhiều ngôi miếu khác.

Đáng tiếc là trong khu vực miếu Bà Nhã bị người dân xen vào nhiều tượng phật khác quy mô hơn, khiến miếu bà Nhã trở nên nhỏ bé, lu mờ so với vinh dự tên bà trở thành tên ấp.

Đại Dương

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/chuyen-ve-mieu-ba-nha-a149562.html