Chuyện về ngày giỗ Vua Quang Trung ở Tây Sơn Thượng đạo

Năm 2009, lần đầu tiên thị xã An Khê tổ chức lễ tưởng niệm ngày mất Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ. Từ đó đến nay, ngày giỗ Vua (theo cách gọi của dân gian) trở thành sự kiện thường niên trên vùng Tây Sơn Thượng đạo.

Nhớ ngày giỗ Vua

Ông Lê Khắc Thiện-nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao thị xã An Khê-cho biết: Năm 2009, ông cùng bà Nguyễn Thị Hồng Minh-nguyên Phó Chủ tịch UBND thị xã xuống Tây Sơn Hạ đạo dự lễ tưởng niệm ngày mất Hoàng đế Quang Trung.

Trong chuyến đi đó, ông đề xuất ý tưởng tổ chức hoạt động này bởi An Khê là vùng đất có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp của 3 anh em họ Nguyễn, là nơi xuất phát cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn lừng lẫy trong lịch sử (1771-1773). Ý tưởng đó được lãnh đạo thị xã tán thành và cho chủ trương tổ chức.

Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt trong An Khê trường. Ảnh: H.N

Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt trong An Khê trường. Ảnh: H.N

Năm đầu tiên, lễ tưởng niệm diễn ra trang trọng, giản dị với hoa trái dâng cúng trước tượng đài Hoàng đế Quang Trung, đánh dấu lần đầu tiên Tây Sơn Thượng đạo có ngày giỗ Vua. Song, để người dân vùng Thượng đạo có thể xuôi về Hạ đạo dự ngày giỗ Vua vào ngày 29-7 âm lịch hàng năm (dân gian vẫn gọi là chính kỵ hay hậu thường), thị xã An Khê tổ chức lễ tưởng niệm trước 1 ngày (28-7 âm lịch, hay còn gọi là tiên thường).

Ông Thiện nhớ lại: “Hai năm đầu tổ chức, kinh phí hoàn toàn của UBND thị xã. Những năm sau, người dân các làng, xã, ban quản lý các đình làng ở An Khê đến ngày giỗ Vua tự nguyện đóng góp. Trong vùng có sản vật gì, bà con mang tới thứ đó. Trong ngày này còn có thêm mâm cúng dành cho Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ cùng nghĩa quân Tây Sơn.

Khi đó, ông Mười Chương (đã mất) làm Trưởng ban nghi lễ An Khê trường đã góp phần tái hiện lễ giỗ Vua theo nghi thức trang trọng nhất, tái hiện được hùng khí của Hoàng đế và đại quân nhà Tây Sơn. Trong ngày này, các bô lão ở hầu khắp các xã, phường, đặc biệt là ban nghi lễ trong các đình làng ở An Khê đều khăn đóng áo dài chỉnh tề về dự giỗ, tạo không khí vừa trang trọng vừa tình cảm”.

Gia đình sống lâu đời ở vùng đất An Khê, ngay sát di tích An Khê trường, ông Dương Thế Hoàng (SN 1944) kể: Khi còn khỏe, năm nào đến ngày giỗ, ông cũng sắm lễ vật dâng Vua, thắp hương tưởng nhớ. Người Việt rất coi trọng ngày giỗ kỵ và đã đi vào tâm thức văn hóa, lối sống từ ngàn đời nay. Ngày giỗ Vua lại càng có ý nghĩa vì đó là người có công lớn với đất nước, Nhân dân. Ngày này, các bô lão trong vùng gặp nhau, ôn chuyện dâu bể, thế thời.

“Hai năm nay, sức khỏe suy giảm, đi lại khó khăn, tôi không tham dự được nữa nhưng đến ngày này vẫn rất bồi hồi. Tôi đứng bên này vọng sang An Khê trường, gửi nén tâm hương đến các bậc tiền nhân”-ông Hoàng chia sẻ.

Một trong những cổng vào di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo. Ảnh: Hoàng Ngọc

Một trong những cổng vào di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo. Ảnh: Hoàng Ngọc

Giữ gìn phong tục thờ cúng ngàn năm

Tiếp nối công việc của ông Mười Chương hiện nay là ông Trần Ngọc Hỷ-Trưởng ban nghi lễ đình An Khê. Ông là đời thứ tư của dòng họ Trần sinh sống trên vùng đất Tây Sơn Thượng đạo, có cha, ông nội là những “ông từ giữ đình”.

Theo ông Hỷ, ngày giỗ Vua cũng như phong tục thờ cúng của dân tộc đã có từ hàng ngàn năm. Đó là ngày cháu con dù ở đâu cũng tìm về tưởng nhớ tiền nhân. Đến ngày này, người dân có gì góp nấy, chung tay chuẩn bị lễ vật, nấu cỗ dâng lên người có công lớn và sau đó cùng thụ lộc.

Ông Hỷ cho hay: “Từ khi di tích Tây Sơn Thượng đạo trở thành di tích quốc gia đặc biệt thì đã được đầu tư nguồn lực trùng tu, tôn tạo, xây dựng thêm các hạng mục. Cùng với đó, các lễ hội gắn với quần thể di tích cũng được nâng tầm, tổ chức quy mô hơn, đặc biệt là lễ tưởng niệm Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ. Đây là điều hợp lòng dân, người dân rất hoan nghênh. Là thế hệ đi sau, chúng tôi có trách nhiệm giữ gìn di tích đặc biệt này”.

Tâm huyết với văn hóa vùng đất An Khê, ông Lê Khắc Thiện bày tỏ: “Lễ tưởng niệm Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ hiện được Nhà nước quan tâm tổ chức với quy mô lớn, trang trọng. Nhưng để sự kiện này thực sự trở thành “tâm thức hội” của cộng đồng, đi sâu vào đời sống, tình cảm người dân mới là quan trọng hơn cả. Để con cháu muôn đời ghi lòng tạc dạ công lao của người anh hùng, khắc ghi ngày giỗ Vua, dẫu có đi ngược về xuôi vẫn nhớ ngày tiên thường ở Tây Sơn Thượng đạo và hậu thường ở Tây Sơn Hạ đạo”.

Ông Trần Ngọc Hỷ (bìa phải)-cùng các bô lão trong ban nghi lễ An Khê đình dành nhiều tình cảm trong việc giữ gìn phần xác lẫn phần hồn của di tích quốc gia đặc biệt. Ảnh: Hoàng Ngọc

Ông Trần Ngọc Hỷ (bìa phải)-cùng các bô lão trong ban nghi lễ An Khê đình dành nhiều tình cảm trong việc giữ gìn phần xác lẫn phần hồn của di tích quốc gia đặc biệt. Ảnh: Hoàng Ngọc

Tây Sơn Thượng đạo là nơi khởi phát phong trào Tây Sơn nửa cuối thế kỷ XVIII, đánh dấu ngày đầu dựng nghiệp lớn của 3 anh em nhà Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Trong đó, Quang Trung-Nguyễn Huệ được biết đến là nhà văn hóa, quân sự lỗi lạc chỉ huy trăm trận trăm thắng.

Đội quân Tây Sơn đánh Nam dẹp Bắc, lật đổ các thế lực phong kiến, xóa bỏ ranh giới sông Gianh chia cắt đất nước trên 200 năm; quét sạch 5 vạn quân Xiêm với chiến công Rạch Gầm-Xoài Mút và đỉnh cao là chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa năm 1789 đánh tan 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh, bảo vệ vững chắc bờ cõi đất nước. Vua Quang Trung mất ngày 29-7-1792 âm lịch ở tuổi 39.

Theo Ban Quản lý di tích quốc gia đặc biệt tỉnh, năm nay, lễ tưởng niệm 232 năm ngày mất Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ sẽ diễn ra vào ngày 31-8 tại Khu di tích Tây Sơn Thượng đạo (phường Tây Sơn, thị xã An Khê).

HOÀNG NGỌC

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/chuyen-ve-ngay-gio-vua-quang-trung-o-tay-son-thuong-dao-post289226.html