Chuyện về những người đi làm thủy lợi...

Tháng 4/1977, một thời gian ngắn sau ngày đất nước hòa bình, huyện Bến Hải, tỉnh Bình - Trị - Thiên đã có quyết định thành lập Trung đoàn 477, còn gọi là Trung đoàn 477 - Bến Hải, tập hơn 6.000 thanh niên nam, nữ, thuộc 24 đơn vị từ các xã của vùng đất Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ với nhiệm vụ xây dựng các công trình thủy lợi, rà phá bom mìn khắc phục hậu quả chiến tranh, khai hoang mở đất để phát triển sản xuất…

 Những người đi làm thủy lợi thuộc Trung đoàn 477- Bến Hải thăm hồ thủy lợi Hà Thượng

Những người đi làm thủy lợi thuộc Trung đoàn 477- Bến Hải thăm hồ thủy lợi Hà Thượng

Vào một ngày cuối hạ, vượt qua chặng đường dài ngót cả trăm cây số, từ Vĩnh Linh, Gio Linh rồi Cam Lộ, những người đi xây dựng công trình thủy lợi năm xưa đã có một chuyến trở về thăm lại hồ Lìa. Niềm vui ngày gặp lại bất chợt như chùng xuống khi có người bỗng cất cao tiếng hát: “Con kênh ta đào chưa có nước chảy qua/Chỉ có nắng mùa hè nóng bỏng/Mồ hôi muối lưng áo em bạc trắng/Con kênh bây giờ chưa là con kênh xanh”…

Sau hơn 40 năm, tiếng hát của họ vẫn tràn đầy sức sống, vẫn vút cao cùng đất trời quê hương. Về nơi chốn cũ, hồ Lìa giữa núi rừng Trường Sơn bây giờ hẳn đã có nhiều thay đổi, nhưng bao kỉ niệm về những tháng ngày gian khó và tình cảm ấm áp của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô ở A Xing, Xy, A Túc cho đến tận A Dơi, Pa Tầng đối với những chàng trai, cô gái đến từ miền xuôi khi tuổi đời mới chỉ mười tám, đôi mươi sao cứ rưng rưng…

“Bước chân lên đây vào tháng 11 năm 1978, lúc ấy tôi chỉ vừa tròn 16 tuổi, ngày cũng như đêm nhìn ra bốn phía chỉ thấy toàn núi rừng”, chị Phan Thị Hoa, quê ở Vĩnh Long, Vĩnh Linh cất lời, vậy là với nhiều người, những “ngày xưa ấy” như ngọn lửa được ủ kín lâu ngày trong kí ức nay lại có dịp cháy lên giữa ngày nắng hạ. “Tôi vẫn nhớ mãi những cơn sốt rét rừng và những bữa cơm nhưng chỉ có sắn”, chị Nguyễn Thị Thuyến nhớ lại. Chị Trần Thị Lượng thì chắp nối câu chuyện: “Mỗi khi có người bị sốt rét, đơn vị phải cử 10 người mang theo lương thực để thay nhau gánh người bị bệnh ra thị trấn Khe Sanh”. Chị Hoàng Thị Loan với dáng người chắc khỏe xem chừng ít nhớ đến chuyện ốm đau thì nói: “Tôi nhớ nhất là lúc đi ngang qua những bãi cỏ tranh vẫn còn thấy rất nhiều bom mìn chưa nổ”…

Bốn phía hồ Lìa bây giờ là bản làng của hàng trăm gia đình người Vân Kiều, Pa Kô. Họ sống dựa vào nguồn nước hồ Lìa để sinh hoạt, trồng trọt, chăn nuôi và đánh bắt cá. Bà Hồ Thị Loan năm nay bảy mươi tuổi, nguyên cán bộ phụ nữ xã A Xing cũng bùi ngùi khi nhớ về ngày cũ: “Ngày ấy cuộc sống của dân bản rất khó khăn, thế nhưng có củ sắn, quả ngô hay ít măng rừng thì các mẹ, các chị đều chia sẻ cùng các em”, câu chuyện cứ thế tưởng chừng không dứt…Nhưng hồi ức đâu chỉ có chuyện khó khăn, mà còn có cả những trăn trở, thao thức đầy trách nhiệm của tuổi trẻ. “Lúc ấy không kể gì tuổi tác, đất nước cần thì chúng tôi lên đường, có người ra chiến trường bảo vệ Tổ quốc, còn chị em chúng tôi lên đường chung tay góp sức vắt đất ra nước cho sự sống của quê hương”, chị Đặng Thị Thi ở Vĩnh Nam, Vĩnh Linh chia sẻ.

Hồ Lìa chỉ là một công trình nhỏ trong số hàng chục công trình thủy lợi trọng điểm của Quảng Trị mà lực lượng tuổi trẻ của Trung đoàn Bến Hải ngày ấy đã tham gia xây dựng. Tháng 4/1977, một thời gian ngắn sau ngày đất nước hòa bình, huyện Bến Hải, tỉnh Bình - Trị - Thiên đã có quyết định thành lập Trung đoàn 477, còn gọi là Trung đoàn 477 - Bến Hải, tập hơn 6.000 thanh niên nam, nữ, thuộc 24 đơn vị từ các xã của vùng đất Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ với nhiệm vụ xây dựng các công trình thủy lợi, rà phá bom mìn khắc phục hậu quả chiến tranh, khai hoang mở đất để phát triển sản xuất…

 Niềm vui ngày trở lại hồ Lìa của những người đi làm thủy lợi năm xưa

Niềm vui ngày trở lại hồ Lìa của những người đi làm thủy lợi năm xưa

Lễ ra quân được tổ chức ngay tại sân vận động của xã Vĩnh Thủy, Trung đoàn 477- Bến Hải được tổ chức như một đơn vị quân đội thực sự, trong những ngày đầu các đại đội thanh niên được điều động tăng cường cùng sát cánh với lực lượng của Sư đoàn thủy lợi Triệu Hải để xây dựng đại công trình thủy nông Nam Thạch Hãn. Sau một thời gian, Trung đoàn 477- Bến Hải nhận nhiệm vụ mới, lần lượt bắt tay xây dựng các công trình như hoàn chỉnh hệ thống kênh mương La Ngà, Bàu Nhum, xây dựng đê ngăn mặn Vĩnh Linh, trạm bơm nước ngầm ở xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Linh; xây dựng hồ chứa nước Kinh Môn, Hà Thượng trên địa bàn Gio Linh, xây dựng hồ chứa nước Nghĩa Hy, Lâm Lang ở Cam Lộ. Ngoài ra các đại đội trực thuộc Trung đoàn 477- Bến Hải còn góp sức thi công một số công trình như đập Bến Tám, đập Đại Độ, đập Cánh Hòm, đập Phú Dụng và tham gia rà phá bom mìn ở khu vực Cồn Tiên, Hải Thái của huyện Gio Linh…

Quá trình xây dựng các công trình thủy lợi và tham gia rà phá bom mìn, khai hoang trên những vùng đất từng là chiến trường hết sức ác liệt trong chiến tranh, phải thường xuyên đối mặt với biết bao gian lao, khó nhọc và hi sinh, nhưng ngày ấy các anh, các chị vẫn luôn lạc quan yêu đời, không tính toán thiệt hơn, sẵn sàng dâng hiến sức trẻ của mình vì tương lai của quê hương. Tự hào về những năm tháng thanh xuân trên những công trường bụi đỏ, những chàng trai, cô gái của Trung Đoàn 477- Bến Hải vẫn không thể nguôi quên những đồng đội đã hi sinh trong lúc đắp đập, chặn dòng tại công trường hồ chứa nước Hà Thượng nơi miền Tây Gio Linh và ở hồ Nghĩa Hy, Cam Lộ. Bởi vậy về thăm lại công trình năm xưa, không chỉ để tìm gặp lại tuổi trẻ của mình và bạn bè từ trong kí ức, mà còn là dịp để tưởng nhớ về những người đã ngã xuống. Ngồi trên bờ đê hồ chứa nước Hà Thượng, dõi mắt theo những con sóng nhỏ cứ đuổi nhau như không dứt, chị Lê Thị Hảo mắt ngấn lệ khi nghĩ về những người bạn cũ: “Hôm ấy mọi người đều làm việc hăng say và rất vui, có người kể chuyện về gia đình, có người nhắc tên người mình yêu…rồi bất ngờ cả núi đất đổ sập xuống… Mấy hôm sau tôi mới biết bốn bạn Hiền, Hạnh, Hiến và Xuân đã ra đi mãi mãi…”.

Hồ chứa nước Nghĩa Hy, một trong số công trình thủy lợi được xây dựng sớm nhất trên vùng đất Cam Lộ để cung cấp nước tưới cho cánh đồng thị trấn Cam Lộ và xã Cam Hiếu; hồ chứa nước Hà Thượng, Kinh Môn được ví như nguồn sống cho cánh đồng Trung Sơn, Trung Hải và một số xã vùng Đông của vùng đất Gio Linh và cùng với nhiều công trình thủy lợi lớn, nhỏ khác…Từ Vĩnh Linh, Gio Linh rồi Cam Lộ, nhiều cánh đồng một thời khô khát, một năm chỉ gieo trồng một vụ lúa hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, nhiều làng mạc lam lũ xác xơ và hầu như thiếu đói triền miền, thế rồi tất cả đã chuyển mình đổi thay khi có nguồn nước thủy lợi, đó là những cánh đồng lúa hai vụ, những làng quê ngày mỗi ấm no, trù phú và theo đó câu chuyện về những tháng ngày thiếu đói giáp hạt chỉ còn là quá khứ…

 Hồ thủy lợi La Ngà

Hồ thủy lợi La Ngà

Lại nói về những công trình thủy lợi, từ chỗ ban đầu chỉ được đào đắp thủ công, chủ yếu bằng sức người và phương tiện hết sức thô sơ, nhưng với đôi chân trần và đôi gánh trên vai, các anh các chị đã đặt nền móng quan trọng để sau này Quảng Trị có điều kiện xây dựng nên nhưng công trình có quy mô bằng bê tông cốt thép, phát huy vai trò là nhân tố quyết định làm thay đổi hẳn bộ mặt nông nghiệp và nông thôn của quê hương.

Theo chân những người đi làm các công trình thủy lợi năm xưa ấy, được chia sẻ những câu chuyện về niềm tự hào của tuổi trẻ, về những mất mát, hi sinh, điều làm chúng tôi trăn trở là những người ngã xuống trong lúc làm nhiệm vụ trên công trường sau 40 năm nhưng vẫn chưa được xem xét giải quyết về chế độ chính sách như câu chuyện của bốn cô gái ở hồ chứa nước Hà Thượng, hay trường hợp hai người khác bị nước cuốn trôi trong lúc chặn dòng nước hồ Nghĩa Hy… Ngoài ra còn có không ít người vì hao mòn sức khỏe, vì dang dở tuổi xuân nên không thể tìm thấy hạnh phúc cho mình, những câu chuyện đời thường thật chẳng dễ kể hết.

Dừng chân bên công trình thủy lợi La Ngà, một công trình mà Trung đoàn 477- Bến Hải đã có dịp góp sức xây dựng hệ thống kênh mương, giai điệu bài hát “Con kênh ta đào” một lần nữa lại ngân vang như nối nhịp đôi bờ kí ức và hiện tại: “…Ngay trên công trường ta đã mến yêu nhau/Em cứ để khuôn mặt tròn lấm đất/Con kênh xanh từ mắt em trong vắt/Ngay buổi đầu anh đã thấy cả đồng xanh/Con kênh ta đào có em và có anh…”.

Trong ánh chiều tà, mặt nước lung linh như dát vàng, gió mơn man làm mặt hồ gợn sóng, tôi chợt nghĩ về những người đi làm thủy lợi, họ đã góp phần làm thay đổi cuộc sống của nhiều phận người lam lũ, đói nghèo một thủa nơi những vùng quê khắc nghiệt.

“Để vượt qua khó khăn, thử thách, để xây dựng quê hương giàu đẹp, nhất là trong những hoàn cảnh khó khăn, gian khổ, chúng ta luôn cần đến sức trẻ để mở đường, làm chủ các đại công trường...”, ông Trần Công Năm, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 477- Bến Hải tâm sự. Còn tôi cứ nghĩ việc ghi nhận sự đóng góp xứng đáng của những thế hệ đã dâng hiến sức trẻ của mình cho quê hương chính là cách chúng ta xây dựng niềm tin, gửi một thông điệp nghĩa tình và chung thủy để tuổi trẻ hôm nay sẽ tiếp nối thế hệ đi trước mà dâng hiến tuổi xuân đẹp nhất của mình vì quê hương giàu đẹp.

Phan Tân Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=77&modid=412&itemid=141570