Chuyện về những nữ 'phi công' máy bay không người lái
Từng là một bà nội trợ ở vùng nông thôn Ấn Độ, Sharmila Yadav luôn muốn trở thành một phi công. Giờ đây, cô đang thực hiện ước mơ của mình từ xa - lái một chiếc máy bay không người lái hạng nặng trên bầu trời để canh tác những vùng đất nông nghiệp đẹp như tranh vẽ của đất nước.
Hiện đại hóa nông nghiệp và thay đổi xã hội
Cô Yadav, 35 tuổi, nằm trong số hàng trăm phụ nữ được huấn luyện lái máy bay phun phân bón theo chương trình "Drone Sister" do Chính phủ hậu thuẫn.
Kế hoạch này nhằm mục đích giúp hiện đại hóa nền nông nghiệp Ấn Độ bằng cách giảm chi phí lao động, cũng như tiết kiệm thời gian và nước trong một ngành đang bị cản trở bởi sự phụ thuộc vào công nghệ lạc hậu và thách thức ngày càng tăng của biến đổi khí hậu.
Đây cũng là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi thái độ của vùng nông thôn Ấn Độ đối với phụ nữ đi làm, những người có truyền thống ít tìm thấy cơ hội tham gia lực lượng lao động và thường bị kỳ thị khi đi làm.
"Trước đây, phụ nữ rất khó bước ra khỏi nhà. Họ phải làm việc nhà và chăm sóc con cái", bà mẹ hai con Yadav nói nói.
"Những người phụ nữ đi làm bị coi thường. Họ bị chế nhạo vì bỏ bê nhiệm vụ làm mẹ. Nhưng giờ đây, tư duy đang dần thay đổi", cô cho biết thêm.
Yadav là một bà nội trợ trong 16 năm sau khi kết hôn với một nông dân ở một ngôi làng nhỏ gần thị trấn Pataudi, cách thủ đô New Delhi vài giờ lái xe, nơi có rất ít cơ hội việc làm cho phụ nữ. Bây giờ, cô được trả thù lao là 50.000 rupee (600 USD) sau khi phun 150 mẫu Anh (60ha) đất nông nghiệp 2 lần trong 5 tuần, cao hơn một chút so với thu nhập trung bình hàng tháng ở bang Haryana quê hương cô.
Hơn thế nữa, cô cho biết, nghề mới không chỉ là "nguồn thu nhập" đối với cô. "Tôi cảm thấy rất tự hào khi ai đó gọi mình là phi công. Tôi chưa bao giờ ngồi trên máy bay nhưng bây giờ tôi cảm thấy như mình đang lái một chiếc máy bay vậy", cô nói.
Vẫn còn nhiều định kiến
Yadav là một trong 300 phụ nữ đầu tiên được đào tạo bởi Hợp tác xã Phân bón Nông dân Ấn Độ (IFFCO) - cơ sở sản xuất phân bón hóa học lớn nhất nước này. Những phụ nữ được đào tạo thành “phi công” được cung cấp miễn phí máy bay không người lái nặng 30kg (66 pound) cùng với pin để làm việc.
Các công ty phân bón khác cũng tham gia chương trình đào tạo 15.000 “chị em máy bay không người lái” trên khắp đất nước.
Yogendra Kumar, Giám đốc tiếp thị của IFFCO, nói: “Kế hoạch này không chỉ nhằm mục đích tạo việc làm mà còn trao quyền và khởi nghiệp ở nông thôn”.
Ông nói: “Những phụ nữ trước đây không thể bước ra khỏi nhà do quan điểm gia trưởng nặng nề và thiếu cơ hội ở vùng nông thôn, giờ đây đang nhiệt tình tham gia vào chương trình. Bây giờ họ có thể tự mình trang trải các chi phí trong gia đình mà không cần phụ thuộc vào người khác”.
Kumar cho biết, phun phân bón bằng máy bay không người lái tiết kiệm chi phí, sử dụng ít nước hơn và rút ngắn thời gian phun thủ công. Ông nói: “Một mẫu Anh có thể được phun thuốc chỉ trong vòng 5 đến 6 phút”.
Theo một cuộc khảo sát của Chính phủ năm ngoái, hơn 41% phụ nữ nông thôn Ấn Độ tham gia lực lượng lao động chính thức so với 80% nam giới nông thôn.
Thủ tướng Narendra Modi, người đã ủng hộ kế hoạch này và đã đề cập đến nó trong bài phát biểu nhân Ngày Độc lập hàng năm vào tháng 8 năm ngoái, cho biết, ông rất vui khi thấy phụ nữ đi đầu trong phương pháp canh tác mới mang tính cách mạng này.
Ông nói trong một chương trình phát thanh vào tháng trước: “Cho đến cách đây vài năm, ai có thể nghĩ rằng ở đất nước chúng tôi, phụ nữ sống ở làng mạc cũng sẽ lái máy bay không người lái? Nhưng ngày nay điều này đã trở thành hiện thực”.
Những người phụ nữ muốn tham gia chương trình phải vượt qua một cuộc phỏng vấn trước khi đăng ký. Sau đó, họ làm bài kiểm tra viết sau khóa học lý thuyết kéo dài một tuần trước khi thực hiện một tuần đào tạo thực tế khác.
Tại một trong những lớp học chào đón lứa “phi công” mới, Rifat Ara, 23 tuổi, cho biết ban đầu cô rất lo lắng về việc đăng ký. Nhưng hiện tại, cô ấy cảm thấy bây giờ mình có thể kiếm được thứ gì đó và cũng có thể dạy những phụ nữ khác cách bay.
“Thật là một cảm giác tuyệt vời khi có thể tự đứng trên đôi chân của mình và được gọi là phi công lái máy bay không người lái”, Rifat Ara nói.
Nisha Bharti, giảng viên của trường đào tạo Drone Destination, cho biết cô rất phấn khởi khi chứng kiến sự tiến bộ của học sinh khi các em thành thạo kỹ năng của mình. Cô nói: “Khi mới từ làng đến đây, các em tỏ ra rất lo lắng. Nhưng khi kết thúc khóa học, họ trở nên cực kỳ tự tin. Giống như có cánh và muốn bay ngày càng cao hơn”.
Nguồn Công Lý: https://congly.vn/chuyen-ve-nhung-nu-phi-cong-may-bay-khong-nguoi-lai-420539.html