Chuyện về thầy giáo mầm non duy nhất tại Đam Rông
'Những ngày đầu khi mới bước vào nghề, nhiều người thắc mắc tại sao trong ngành giáo dục lại có giáo viên nam dạy mầm non. Nhưng một khi đã chọn và càng gắn bó với nghề này, tôi hiểu rằng đó là sự lựa chọn của hạnh phúc. Và, những việc phụ nữ làm được thì dĩ nhiên nam giới cũng có thể làm' - Thầy Sơn mở đầu câu chuyện.
Khi thầy là “mẹ hiền”
Giáo viên mầm non - công việc dạy các cháu múa, hát, dạy chữ đến những việc chải đầu, tết tóc… tưởng chừng chỉ dành cho những cô giáo mầm non khéo léo, đảm đang. Ấy vậy mà, thật đáng quý khi ở tận vùng sâu thôn Đạ M’Pô xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông vẫn đang có một người thầy miệt mài bám điểm trường, gắn bó với công việc dạy trẻ mầm non suốt gần 10 năm qua.
Thầy là Sùng Seo Giáo, người dân tộc Mông, hay còn được đồng nghiệp gọi với cái tên thân thuộc thầy giáo Sơn, giáo viên Trường Mầm non Đạ R’Sal. Anh là giáo viên nam duy nhất bậc học mầm non tại huyện Đam Rông.
Chúng tôi có mặt tại mầm non 4; 5 tuổi tại điểm trường Đạ M’Pô cũng là lúc thầy Sơn đang dạy cho các bé múa hát trong tiết học âm nhạc. Nhìn những động tác thuần thục, mềm mại không thua kém giáo viên nữ, chúng tôi cảm nhận được sự nhiệt tình, tâm huyết, yêu trẻ của chàng trai 32 tuổi dành cho các bé nơi đây.
Trò chuyện với chúng tôi, Sơn chia sẻ: Những ngày đầu anh thực sự cảm thấy ngại vì sống và học tập trong môi trường đa số là nữ, thậm chí khi có ai đó hỏi học trường nào, ngành gì, anh không dám thú nhận. Sơn cũng bộc bạch rất thực rằng, chính vì môi trường toàn nữ giới ấy đã khiến anh luôn cố gắng “sống đúng bản lĩnh thực sự của người đàn ông”.
“Nhiều người nghĩ nam giới làm việc chăm sóc, giáo dục trẻ rất khó khăn, đặc biệt là với bé gái. Nhưng khi trong trường, chúng tôi đã được học hết nên không ngại làm gì cả, từ vệ sinh nhà cửa đến vệ sinh cho các cháu, chải tóc… Phụ nữ làm được thì nam giới cũng có thể làm” Sơn nói.
Những điệu múa còn khá gượng gạo, thiếu sự mềm dẻo, những câu từ với trẻ đôi khi còn hơi khô cứng, việc vệ sinh cá nhân cho các cháu đặc biệt là vệ sinh cho bé gái đối với các thầy còn khá gian nan. Nhưng nhìn những gương mặt thơ ngây, ngộ nghĩnh, đặc biệt là khi các bé nói rất thích được thầy dạy và say mê, hứng thú học là động lực không gì lớn lao bằng, giúp Sơn tiếp tục gắn bó với công việc của mình.
Xuyên suốt gần 10 năm gắn bó với nghề dạy trẻ, Sơn không chỉ dạy học trò bi bô từng con chữ, kết nạp những kiến thức đầu đời, mà anh như người cha, người mẹ thứ hai, ngày ngày lo cho các con từ mọi thứ.
Cũng chính Sơn, từ hơn 10 năm trước, được sự khích lệ của ông Nguyễn Đăng Biện, một cán bộ lâm trường tại địa phương, Sơn đã đi đến từng nhà, vận động từng hộ gia đình người Mông trong thôn đưa trẻ mầm non đi học. Lớp học do Sơn trực tiếp đứng lớp, mặc dù anh chỉ có trình độ tốt nghiệp hết cấp 2. Bản thân Sơn cũng chưa hề trải qua ngày giờ nghiệp vụ sư phạm nào.
Vượt lên bao khó khăn thường nhật, nén bao giọt nước mắt vào lòng, thầy giáo Sơn vẫn lặng thầm bám lớp, bám điểm trường. Rồi Sơn theo học Trung cấp tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, từng bước vững vàng chuyên môn, cống hiến hết tuổi thanh xuân, mang đến mầm xanh hy vọng cho những mảnh đất hoang sơ này.
Tự hào là một giáo viên mầm non
Sau gần 10 năm đứng lớp một mình, năm học 2020 Trường Mầm non Đạ R’Sal đã tăng cường thêm vào điểm trường Đạ M’Pô một giáo viên nữ, giúp Sơn phần nào san sẻ công việc.
Và những hy sinh, nỗ lực của thầy giáo Sơn được đổi lại là những trái ngọt cho các em học sinh và nhận thức chung của dân làng nơi đây. Điểm trường Đạ M’Pô từ 3 phòng học được xây dựng từ những tấm ván, gỗ, đóng góp từ người dân trong thôn đã được thay thế bằng một ngôi trường mới khang trang, phục vụ đầy đủ cho cả 3 cấp học từ Mầm non, Tiểu học, THCS.
Nhờ có Sơn, ước mơ được đến trường của hàng trăm học sinh đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương đã được ươm mầm, góp phần nâng cao ý thức về giáo dục của khu vực để tạo nên một thế hệ tương lai, góp phần phát triển đất nước.
Giờ đây, khi đã là một giáo viên mầm non biên chế thực thụ, Sơn càng thực sự thấu hiểu ý nghĩa và trân trọng công việc mình đang làm. Anh chia sẻ: “Hồi mới vừa bước vào lớp trung cấp sư phạm mầm non, cả lớp chỉ có tôi là nam. Rồi cũng chỉ một mình tôi cùng 118 bạn học nữ thực hiện các môn học múa, hát ngay dưới sân trường, tôi đã thấy mình rất lẻ loi, từng muốn bỏ nghề. Nhưng bây giờ thì tôi lại rất tự hào về trường mình. Đó là một môi trường tốt đã đào tạo trình độ chuyên môn vững chắc để ra trường tôi có thể làm tốt công việc của một giáo viên mầm non. Giờ có ai hỏi đã từng học trường nào, tôi có thể tự hào nói rằng trường Cao đẳng sư phạm Đà Lạt”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Âu Văn Nghị - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đam Rông chia sẻ: Trong số hàng trăm giáo viên đang công tác và giảng dạy tại địa phương thì chỉ có duy nhất thầy Sơn là thầy giáo dạy mầm non. Đây là điều khác biệt đối với các cấp học khác, bởi từ trước đến nay cấp học mầm non chỉ có nữ giới tham gia. Càng đặc biệt hơn, thầy Sơn còn là người đồng bào dân tộc thiểu số.
Lúc đầu mới nhận công tác, bản thân tôi được nghe tại ngôi trường Đạ M’Pô này có một giáo viên mầm non nam. Thời điểm đó, tôi cũng tò mò và không hiểu giáo viên nam sẽ dạy các bé mầm non như thế nào? Nhưng chính từ những lần đi thực tế tại điểm trường, chứng kiến mọi công việc chăm sóc, giáo dục… trẻ, thầy đều thực hiện thuần thục, đúng quy trình sư phạm thì tôi mới vỡ lẽ.
Đặc biệt, đối với một điểm trường mầm mon với hầu hết các em đều là đồng bào dân tộc Mông, chính sự tương đồng trong giao tiếp đã giúp thầy Sơn đứng lớp rất vững vàng, thực hiện những phần việc mà rất khó giáo viên mầm non thông thường làm được.
Bên cạnh đó, việc ở lại bám điểm trường, bám lớp hằng ngày đã giúp thầy Sơn nhận được sự yêu thương, tình cảm của đông đảo bà con trong thôn. Bản thân thầy Sơn cũng là một tuyên truyền viên vô cùng hiệu quả trong việc phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.