Chuyện vợ chồng gần 10 năm hiếm muộn vay lãi mua quần áo đón con đầu lòng

Chị Thanh không thể quên gần ngày dự sinh, trong nhà không còn tiền, 2 vợ chồng chấp nhận vay lãi để mua bộ quần áo mới đón con sắp chào đời bởi 'không có đồ mới, sợ bé tủi thân'.

Một ngày nắng nóng cuối tháng 7/2022, chị Nguyễn Thị Mai Thanh (SN 1991) vừa nấu cơm vừa giục chồng là anh Nguyễn Văn Niên (SN 1987, ở Thanh Hóa) rửa tay cho con trai để chuẩn bị ăn cơm trưa. “Thằng bé, ngày hè, đi bêu nắng nhiều nên giờ đen nhẻm. Nay cháu được 5 tuổi rồi. Tôi cũng vừa tiếp tục đặt phôi lần 2 vào 3 ngày trước để cho cháu có thêm em”, chị Thanh cười hạnh phúc.

Cặp vợ chồng cưới nhau đầu năm 2009 khi chị Thanh quê ở Hà Nam theo chồng về huyện Như Xuân, Thanh Hóa làm dâu. Nhờ cha mẹ 2 bên giúp đỡ, họ mua mảnh đất với căn nhà con con làm chỗ ở tạm. Anh chị mưu sinh bằng nghề làm ruộng.

Nhưng nhiều năm chờ đợi, họ vẫn chưa có con. Ban đầu, cả 2 vợ chồng chỉ nghĩ đơn giản là “hơi chậm đường con cái” nên chờ nhưng càng chờ đợi càng thất vọng. Đặc biệt là khi bạn bè cưới cùng lúc với họ lần lượt sinh con đầu rồi thứ con hai… “Mỗi lần đi ăn đầy tháng con của bạn bè, nhìn đứa bé kháu khỉnh, tôi lại ứa nước mắt khi mừng cho người ta mà tủi cho thân mình”, chị Thanh nói.

Bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân đến khám tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện.

Bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân đến khám tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện.

Chị càng thương chồng hơn khi không ít lần anh được các em, họ hàng mời đi uống rượu mừng sinh nhật con – dù các em cưới sau anh chị rất lâu. “Phụ nữ dù sao sức chịu đựng cũng tốt hơn đàn ông. Nguyên nhân hiếm muộn lại còn do tôi bị u nang buồng trứng”, nghĩ thế chị càng buồn hơn dù chồng cũng như gia đình chưa một lần trách móc.

Vợ chồng chị lại đều là con cả trong gia đình vì vậy cả 2 bên đều rất mong có cháu bồng bế. Thời điểm đó, ở khu vực chị sống không là vùng miền núi, không có nhiều kênh thông tin để tìm hiểu về thăm khám, điều trị hiếm muộn. Vì vậy được người quen mách các thầy lang “mát tay”, vợ chồng chị lại đi lấy thuốc lá về uống. Cứ bán được ít lúa, ít ngô, vợ chồng chị Thanh lại dồn hết số tiền đó đi mua thuốc. “Hai vợ chồng tăng gần 20kg mỗi người vì uống quá nhiều các loại thuốc bổ nhưng con vẫn chẳng thấy về”, chị nói về những ngày tuyệt vọng.

Một ngày đầu năm 2017, đang làm việc ngoài ruộng, vợ chồng anh chị nhận được cuộc điện thoại của người họ hàng từ Hà Nội chia sẻ về chương trình hỗ trợ một phần cho các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn của bệnh viện.

“Khi nhận thông tin, chúng tôi vô cùng băn khoăn. 2 vợ chồng không có tiền, nếu quyết định làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) sẽ phải vay nợ. Nếu kết quả không thành thì sao? và vợ chồng liệu có còn ở với nhau không vì lúc đó cưới quá nhiều năm không có tin vui, tôi cũng áy náy muốn anh tìm hạnh phúc mới”.

Nhưng 2 bên gia đình động viên họ bằng cách người hỗ trợ 2 triệu, người hỗ trợ 5 triệu đồng… Số tiền còn thiếu, vợ chồng chị quyết định đi vay nặng lãi. Đó là một ngày mùa đông năm 2017, họ đem theo hết hi vọng của bao người thân, họ hàng để bắt chuyến xe từ một huyện miền núi Thanh Hóa ra Thủ đô.

Thời gian sau đó, cả 2 vợ chồng hồi hộp và hạnh phúc khi đón nhận tin cấy phôi thành công. Khi con sắp chào đời, trong nhà gần như khánh kiệt. Một tối, anh Niên bàn với vợ: “Đi vay ít tiền em ạ, mua cho con bộ đồ. Con chào đời không có bộ quần áo mới lại tủi thân”. Vậy là họ lại vay lãi từng đồng để chuẩn bị cho ngày vượt cạn.

“Ngày mổ đón con là ngày không bao giờ tôi có thể quên. Tôi mổ sớm khi thai mới 38 tuần. Trước khi lên bàn mổ, huyết áp cao nên tôi càng lo lắng. Thấy con đạp trong bụng, nước mắt tôi trào ra, chị hộ lý hoảng hốt hỏi tôi làm sao, có vấn đề gì không. Tôi chỉ lắc đầu: “Không, tại em hạnh phúc quá thôi”.

Giây phút khi nhân viên y tế nói: “Con trai mẹ Thanh đây, 3kg”, vợ chồng chị Thanh như vỡ òa trong nước mắt. Bé trai được bố mẹ đặt tên là Quốc Bảo. Chị Thanh bảo: “Vui lắm, nhiều đêm con ngủ rồi, vợ chồng vẫn ngồi ngắm con một cách say sưa. Bố cưng chiều cháu lắm, đôi lúc mẹ nặng lời bố ngăn cản ngay. Người ta bảo “Con hư tại mẹ”, chứ ở nhà tôi có khi lại ngược lại”, chị cười nói. Khi con trai sắp gần 5 tuổi, kinh tế gia đình ổn định hơn, vợ chồng chị lại tiếp tục ra Thủ đô làm IVF lần hai.

Câu chuyện vợ chồng chị Thanh là một trong số hàng trăm cặp vợ chồng được hỗ trợ kinh phí làm thụ tinh trong ống nghiệm tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện. Năm 2022, bệnh viện tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho 99 cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn làm thụ tinh trong ống nghiệm. Theo đó, viện sẽ hỗ trợ 100% chi phí làm một chu kỳ IVF cho 9 cặp vợ chồng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chưa có con lần nào và đã có thời gian vô sinh, hiếm muộn từ 10 năm trở lên.

Đồng thời, hỗ trợ 30 triệu đồng/1 cặp vợ chồng cho 90 cặp vợ chồng đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn như: Là bệnh nhân vô sinh, hiếm muộn, có chỉ định của bác sĩ phải làm IVF; Có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; Chưa có con lần nào... thời hạn tiếp nhận hồ sơ từ ngày 1/8 đến hết ngày 31/10/2022, để mong đem lại hi vọng cho các gia đình hiếm muộn.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chuyen-vo-chong-gan-10-nam-hiem-muon-vay-lai-mua-quan-ao-don-con-dau-long-2042366.html