Chuyến xe về tết

Minh họa: TRẦN QUYẾT THẮNG

Năm con trâu, nói mở sang chuyện bò cũng là hợp lẽ, vì quê tôi không có trâu.

Bò ơi ta bảo bò này

Bò ra ngoài ruộng bò cày với ta

Không sao cả. Cũng là lớp gia súc phục vụ nhà nông, tại sao không, khi trâu được vào chiếu ca dao, còn bò thì vắng bóng?

Năm ấy là năm đầu tiên tôi đi học xa, nhớ nhà kinh khủng, nhớ quay nhớ quắt. Đếm từng ngày mong về tết, nhưng thời gian như rùa bò. Thời gian tâm lý đã đành, đằng này các phương tiện giao thông “vật lý” hồi ấy cũng rùa bò không kém. Tôi không rành tên gọi các loại xe đò khi ấy như thế nào. Loại xịn nhất có tên Hải Âu, chạy từ Đà Lạt tới Nha Trang thì dừng, vì không có tuyến đi thẳng. Từ Nha Trang về Tuy Hòa phải lên xe than, chạy bằng than hay gì chả rõ, nhưng quệt gỉ mũi quả có đen sì, chẳng khác than là mấy. Còn mặt mũi chúng tôi cũng đen sạm bụi đường, chỉ có hàm răng là trắng. Ấy vậy nhưng hạnh phúc lắm, trong lòng cứ nôn nao, háo hức, cứ nghĩ tết bao gồm cả sự háo hức này đây chứ đâu. Chỉ có 120 cây số, xe khởi hành lúc 3 giờ chiều, mà tới đèo Cả trời đã tối mịt, ngỡ như đang nửa đêm. Bỗng, xe tụt dốc! Lập tức các chú phụ xe - thường gọi là ếch, nhái - nhảy phốc xuống đường, chèn hai khúc cây vào hai bánh sau xe. Xe lập tức khựng lại. Hú hồn. Bác tài già lại khởi động máy nhưng nó cứ hực hực, è è; chiếc xe nom cũng già nua như bác vậy; bác ta kêu cánh đàn ông xuống xe phụ đẩy. Chúng tôi lục tục xuống đẩy “một, hai, ba...” đến mấy lượt, chiếc xe mới nhúc nhích. Phía trước, bác tài hô hào luôn miệng “ráng lên, gần được đó, chút nữa...”. Bác hãm ga khè khè và cuối cùng tiếng máy xe cũng cất lên, mới đầu còn “hắng giọng, lí nhí”, sau lớn dần. Và chiếc xe nhích tới, rướn mình trườn đi. Ai nấy chưa kịp thở phào đã phải lật đật chạy theo níu nhau lên xe. Chuyến xe của tầm 25-26 tết, người chật như nêm, chật cả những chờ mong đang ấp ủ theo người.

Về tới cầu Ông Chừ, trời đã khuya hẳn, tôi chỉ còn cách cuốc bộ 6 cây số về nhà. Đang đi thì phía trước có đốm lửa bập phà từ một điếu thuốc. À thì ra một bác “xế bò” đang giong cộ về nhà. Tôi bước nhanh tới hỏi với hy vọng gặp bạn đồng hành cho đường đỡ vắng, liền được lời mời: “Đi học về tết hả cháu? Về Vĩnh Phú à? Tao Đông Bình nhưng cứ lên cộ đi, tao đưa tới Ân Niên luôn rồi giáp đường vòng xuống Đông Bình sau. Cháu mày từ Ân Niên về Vĩnh Phú là gần hơn nhiều rồi”. Điếu thuốc bập phà trong đêm đã thấy ấm rồi, giờ lại có câu này càng ấm biết bao. Người cùng xã nhưng tôi chẳng quen chẳng biết, lại sẵn sàng cho quá giang vô tư như vậy, hỏi còn gì bằng trong lúc này. Quăng túi xách lên trước, tôi lóng ngóng bước lên thùng cộ đang di chuyển, bị lắc thiếu điều muốn ngã dụi! Lúc này gần hơn, thấy gương mặt chủ cộ sạm đen, rắn rỏi, chắc tầm gần năm mươi, còn tôi mười tám tuổi rưỡi - đang là học trò “trói gà không chặt”, tết đến tính tròn là mười chín! Ông chú này kể: “Có gì đâu, tao đi chở bông cho con gái để mai nó bán chợ tết, mới xong chớ mấy. Nó lấy chồng ngoài Bình Kiến. Hổm rày bán cúc cũng chạy lắm”. Nói xong ông lại vê tròn điếu thuốc, chắp lửa từ điếu cũ… Phía trước, chú bò to khỏe cứ lầm lũi bước đi trong đêm, thấy thương vô cùng.

Hai chúng tôi một già một trẻ, chưa từng quen biết trước, câu chuyện chẳng đâu vào đâu mà gắn kết lạ kỳ. Tiếng lụp cụp thủng thẳng của chú bò gõ móng, tiếng gió rít cuối Chạp se lạnh thỉnh thoảng tạt qua, tiếng kèn kẹt của bánh cộ lăn đều, lăn đều… cứ như đang hòa vào nhịp bước thời gian. Có phải tết đã cận kề…

HUỲNH VĂN QUỐC

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/252128/chuyen-xe-ve-tet.html