CIA và các gián điệp nhị trùng trong Chiến tranh Lạnh

Điệp viên hai mang hay còn gọi là điệp viên nhị trùng là một loại người đặc biệt. Họ vờ làm gián điệp cho một cơ quan tình báo này nhưng thực sự lại làm gián điệp cho một cơ quan tình báo khác.

Tất cả các cơ quan tình báo đều từng là nạn nhân của những sự lừa dối như vậy. Bởi vì lĩnh vực tình báo là một “vương quốc của những chiếc mặt nạ” nơi mà thực tế và ảo ảnh cùng tồn tại song hành, luôn đan xen vào nhau.

Richard Helm, cựu Giám đốc của Trung tâm Tình báo Mỹ (DCI) đã từng phát biểu trước Quốc hội rằng việc phát hiện ra một điệp viên hai mang “là một trong những khía cạnh phức tạp và khó khăn nhất của hoạt động tình báo, không có ai hoạt động lâu năm trong lĩnh vực này mà không bị lừa từ một, hai lần đến rất nhiều lần”.

Những thất bại của CIA

Trong chiến tranh Lạnh, CIA đã tuyển mộ một số lượng cực lớn các điệp viên hai mang và đã bị lừa không chỉ một vài lần mà là rất nhiều lần. Việc phát hiện ra các điệp viên hai mang ở Cuba, Đông Đức hay Liên Xô, sau một thời gian ồn ào sẽ nhanh chóng bị lãng quên. Tình báo Mỹ thì luôn sợ hãi những con “chuột chũi”, tức là những kẻ phản bội ẩn nấp trong hàng ngũ của mình hơn là những gián điệp nhị trùng.

Trong cuốn hồi ký của mình, bậc thầy tình báo Đông Đức là Markus Wolf đã viết: “Vào cuối những năm 1980, chúng tôi đạt được một vị thế đáng ghen tỵ khi mà mọi điệp viên được CIA tuyển mộ để hoạt động trên lãnh thổ Đông Đức đều là điệp viên hai mang hoặc là các nhân viên tình báo hoạt động cho chúng tôi ngay từ đầu. Theo lệnh của chúng tôi, họ thường xuyên cung cấp những thông tin sai lệch được lựa chọn cẩn thận cho những người Mỹ”.

Tuyên bố này của Markus Wolf không hề là một lời khoe khoang quá mức. Bằng chứng là hầu hết các cựu quan chức của CIA đều đồng tình với nhận định này. Đô đốc Bobby Ray Inman, cựu Phó giám đốc CIA đã từng tuyên bố với Quốc hội Mỹ: “Hầu hết, nếu như không muốn nói là tất cả các điệp viên của CIA tại Đông Đức trong một quãng thời gian hơn 20 năm đều là gián điệp nhị trùng”. Milton Bearden, Giám đốc cuối cùng của bộ phận Liên Xô - Đông Âu của CIA (SE), người trực tiếp phụ trách địa bàn Đông Đức cũng thừa nhận: “Những kẻ sẵn sàng đổi phe hóa ra đều lại là những điệp viên hai mang”.

Năm 1994, việc sĩ quan CIA Aldrich Ames bị bắt giữ vì làm gián điệp cho KGB và sau đó là SVR (cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga) đã làm chấn động Langley, đại bản doanh của CIA. Ames đã cung cấp cho KGB các chỉ dẫn về phương pháp làm việc của CIA, điều này cho phép KGB tiến hành một chiến dịch “tẩm độc thông tin” cực lớn trong nhiều năm. Thông qua các điệp viên hai mang, KGB đã chuyển cho CIA những thông tin “tối mật” được lựa chọn cẩn thận, hòa trộn một cách khéo léo giữa các tin thật và tin giả.

Aldrich Hazen Ames, nhà phân tích phản gián của CIA, bị kết tội làm gián điệp cho Liên Xô và Nga.

Aldrich Hazen Ames, nhà phân tích phản gián của CIA, bị kết tội làm gián điệp cho Liên Xô và Nga.

Câu chuyện được bắt đầu với Aleksandr Zhomov, một sĩ quan của KGB. Năm 1987, Zhomov đã tiếp cận với Trưởng trạm CIA và đề nghị bán các thông tin tuyệt mật để đổi lấy một khoản tiền và quyền được định cư tại Mỹ. Một lời đề nghị vượt xa mọi mong ước và CIA đã nhanh chóng chấp nhận lời đề nghị này và đặt bí danh cho Zhomov là GTPROLOGUE. Hóa ra đây là một điệp viên hai mang, nhiệm vụ chính của anh ta là bảo vệ Ames.

Anh ta đã tạo cho CIA niềm tin rằng mọi điệp viên của CIA bị bắt tại Nga là nhờ vào sự giám sát chặt chẽ của KGB cộng thêm với một chút may mắn, và rằng trong hàng ngũ CIA không hề có con chuột chũi nào cả. Những thông tin của Zhomov đã giúp cho Ames được an toàn trong suốt 3 năm sau đó và tiếp tục gây ra những tác hại to lớn cho CIA.

Năm 1995, lần đầu tiên CIA lên tiếng thừa nhận rằng trong quãng thời gian 8 năm kể từ năm 1986, SE và cơ quan kế nhiệm của nó: bộ phận Trung Âu Á (CED) đã đưa ra những báo cáo tuyệt mật từ những nguồn cung cấp thông tin “không có thật” hoặc đã bị “nhiễm độc” và đã cố tình lờ đi những nguồn gốc đáng ngờ của chúng. Một số quan chức chủ chốt của CIA thậm chí biết rằng các thông tin mà họ có đã bị “nhiễm độc” và đến từ những điệp viên đã bị mua chuộc hay khống chế nhưng vẫn cố tình đưa vào những kênh dẫn tới Nhà Trắng.

Giới truyền thông xôn xao sau những tiết lộ mới này. Tổng thanh tra của CIA gọi đó là một “tiết lộ đáng hổ thẹn”. Robert Gates, cựu Giám đốc DCI thì nói rằng các nhà lãnh đạo của SE và sau đó là CED “đã đánh mất niềm tin với các chuyên gia phân tích của CIA và Bộ Quốc phòng cũng như các nhà hoạch định chính sách của Mỹ”. Các thành viên của Ủy ban Giám sát Tình báo của lưỡng viện Mỹ thì tố cáo rằng, “các thông tin bị nhiễm độc đã làm sai lệch nghiêm trọng những nhận thức của Mỹ về Liên Xô trong 7 năm cuối của Chiến tranh Lạnh... và ảnh hưởng đến quyết định chi hàng tỷ đô la cho những khí tài quân sự.

Tình báo Mỹ đã bị lừa khi đánh giá quá cao sức mạnh kinh tế cũng như sự ổn định chính trị của Liên Xô. Sai lầm đó đều bắt nguồn từ các thông tin sai lệch do các điệp viên hai mang cung cấp”. Tổng thanh tra CIA, người trực tiếp tiến hành điều tra vụ việc thì tuyên bố rằng: “Việc Liên Xô thành công trong việc truyền tải các thông tin tình báo SOVMAT (máy bay, xe tăng, khí tài quân sự) sai lệch đến ba tổng thống Mỹ và các cố vấn của họ là một thành công ngoạn mục trong cuộc chiến tình báo khiến người ta không tưởng tượng nổi”.

Đại bản doanh của CIA tại Langley, bang Virginia, Mỹ (ảnh chụp từ vệ tinh).

Đại bản doanh của CIA tại Langley, bang Virginia, Mỹ (ảnh chụp từ vệ tinh).

Vì sao CIA che giấu những thất bại?

Trong lĩnh vực tình báo có câu châm ngôn như sau: “Điều duy nhất tồi tệ hơn việc biết có một “con chuột chũi” trong tổ chức của bạn, đó là việc tìm ra nó”. Dẫu đây là một câu nói đùa nhưng CIA đã thực hiện nó một cách rất nghiêm ngặt. Tìm ra một “con chuột chũi” đồng nghĩa với việc có một vụ bắt giữ, do đó sẽ tạo ra dư luận bất lợi, làm xói mòn lòng tin của các chính trị gia và công chúng đối với cơ quan này.

CIA và FBI (Cục Điều tra Liên bang) đã âm thầm tiến hành những điều tra về các tổn thất của mình từ những năm 1985-1986 nhưng họ giấu kín những thông tin về các cuộc săn chuột chũi của mình ngay cả khi Ủy ban Giám sát Tình báo Hạ viện đã nhiều lần thúc giục “cung cấp thông tin về các vấn đề phản gián và việc mất các điệp viên tại Liên Xô”. Sự việc chỉ bung bét ra sau khi Ames bị bắt.

Trong vòng 9 năm, KGB đã sử dụng các điệp viên hai mang và những kẻ đào tẩu giả để đánh lừa, gây nhầm lẫn và đánh lạc hướng điều tra của CIA khi tiến hành điều tra về các tổn thất điệp viên trong giai đoạn 1985-1986, mục đích để CIA luôn bị lôi cuốn vào những cuộc rượt đuổi “vịt trời” mà tránh xa Aldrich Ames ra.

Cũng trong suốt những năm 1980, CIA đã tự hào gọi Adolf Tolkachev là ''điệp viên tỷ đô'' của mình, khẳng định rằng nhà nghiên cứu điện tử Liên Xô đã tiết kiệm cho Lầu Năm Góc số tiền gấp nhiều lần chi phí nghiên cứu và sản xuất và phát triển nhờ vào các thông tin có sẵn trên radar quân sự của Liên Xô và thiết bị điện tử hàng không. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu tin rằng Tolkachev là một điệp viên hai mang bởi Tolkachev chủ yếu cung cấp dữ liệu kỹ thuật thường được sử dụng trong các chiến dịch lắt léo và khó xác minh.

Việc CIA công bố câu chuyện về điệp viên “tỷ đô” được xem như là một nỗ lực quan hệ công chúng nhằm chống lại những cáo buộc rằng Tolkachev và nhân vật hậu Tolkachev (có bí danh là EASTBOUND, người đã bán cho CIA các thông tin trên radar quân sự) đã đánh lừa được Bộ Quốc phòng Mỹ, khiến họ tiêu tốn vô ích hàng tỷ đô la. Nhưng trong các kho tài liệu tình báo của Liên Xô và Đông Đức được giải mật sau chiến tranh Lạnh, có thể tìm thấy nhiều thông tin được xác nhận rằng Tolkachev và EASTBOUND đều là các điệp viên nhị trùng.

Ngày 30-9-2009, Humam Khalil Abu-Mulal al-Balawi, điệp viên hai mang đã tiến hành đánh bom tự sát, giết chết 7 sĩ quan CIA, 2 nhà thầu Mỹ và một số sĩ quan tình báo Jordanie .

Ngày 30-9-2009, Humam Khalil Abu-Mulal al-Balawi, điệp viên hai mang đã tiến hành đánh bom tự sát, giết chết 7 sĩ quan CIA, 2 nhà thầu Mỹ và một số sĩ quan tình báo Jordanie .

Hầu hết chắc chắn rằng KGB đã chủ động cử các điệp viên của mình tiếp xúc với CIA trước khi Zhomov xuất hiện. Từ năm 1977 cho đến 1985, tức là trước thời điểm Ames bắt đầu làm gián điệp cho KGB, KGB đã trục xuất 7 nhân viên CIA , những người được gọi là “nhân vật không được hoan nghênh” (PNG). Một vài hoạt động của các PNG được công bố trên truyền thông, nhưng đa phần là những vụ “trục xuất trong im lặng”, một biện pháp thích hợp được cả Mỹ và Liên Xô sử dụng nhằm ngăn chặn việc để các hoạt động gián điệp làm đổ vỡ mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Nhưng để có thể phát hiện ra 7 nhân viên CIA đó, hoặc là KGB đã phải có một con chuột chũi đang ẩn náu trong CIA trước cả Ames (điều này khó có thể xảy ra) hoặc là những nhân viên CIA này đã tuyển mộ và làm việc với các điệp viên hai mang người bản xứ, những người được KGB cử đến để cộng tác với họ. Giả thiết thứ hai này là khả thi hơn rất nhiều.

Tại sao CIA lại tuyển dụng nhầm nhiều điệp viên hai mang đến như vậy trong suốt thời gian “Chiến tranh Lạnh”? Theo nhiều nhà nghiên cứu, áp lực tuyển dụng các điệp viên ngầm, thước đo chính được sử dụng để đánh giá khả năng của các nhân viên CIA, liên quan đến khả năng thăng tiến nghề nghiệp của họ chính là câu trả lời xác đáng nhất. Các sĩ quan CIA sẽ hưởng những lợi ích lớn trong con đường sự nghiệp từ việc tuyển dụng lôi kéo sự hợp tác của các cá nhân đến từ Liên Xô, Đông Đức và Cuba.

Những thiệt hại do các điệp viên hai mang mang đến cho nước Mỹ từ 1986 đến 1994 là rất đa dạng và nghiêm trọng. Sử dụng các điệp viên hai mang và những thông tin sai lệch, nhiễm độc, KGB và sau đó là SVR đã gây nhiễu loạn và đánh lừa các điều tra viên viên của CIA và FBI trong suốt 9 năm trước khi thủ phạm thật sự là Aldrich Ames bị lộ diện.

Dương Thắng

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/cia-va-cac-gian-diep-nhi-trung-trong-chien-tranh-lanh-i643586/