CIC và vai trò quản trị rủi ro tín dụng

Theo ông Cao Văn Bình, Tổng giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC), hoạt động cho vay trực tuyến sẽ tiếp tục phát triển mạnh, các tổ chức tín dụng có nhu cầu khai thác báo cáo thông tin tín dụng (TTTD) với thời gian nhanh chóng, tức thời. CIC đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đó.

CIC đang quản lý một lượng khổng lồ thông tin tín dụng cá nhân

CIC đang quản lý một lượng khổng lồ thông tin tín dụng cá nhân

Được biết, sau vụ việc một cá nhân nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng sau 11 năm thành 8,8 tỷ đồng, có hàng chục nghìn cá nhân đã tra cứu TTTD của mình mỗi ngày trên CIC, nhưng rõ ràng đây cũng chỉ là con số nhỏ trong số hàng chục triệu khách hàng đang sử dụng các dịch vụ tài chính tiêu dùng. Theo ông, đâu là nguyên nhân và CIC có kế hoạch gì cải thiện tình trạng này?

Theo chúng tôi đánh giá, có hai nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này: Thứ nhất, khách hàng chưa được nhận thức được đầy đủ quyền lợi của bản thân hay lợi ích, ý nghĩa của việc khai thác TTTD về bản thân tại CIC. Thứ hai, các hoạt động lừa đảo liên quan đến dịch vụ trực tuyến ngày càng gia tăng cũng khiến khách hàng có tâm lý e ngại khi tiến hành các hoạt động đăng ký, xác thực và khai thác thông tin trên các ứng dụng, tương tự như ứng dụng của CIC.

Thực tế, trong suốt thời gian qua, CIC đã triển khai đa dạng hoạt động truyền thông qua các kênh nội bộ, báo giấy, báo điện tử, truyền hình và các hoạt động khác nhằm cung cấp thông tin đúng, đủ, kịp thời, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về tiêu dùng tài chính nói chung và cách kiểm soát tình trạng dư nợ của bản thân nói riêng. Tuy nhiên, cũng cần thêm thời gian để các thông tin này tiếp cận tới nhiều độc giả hơn.

Ông Cao Văn Bình, Tổng giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC)

Ông Cao Văn Bình, Tổng giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC)

Để giải quyết vấn đề trên, CIC đã triển khai quyết liệt hai giải pháp chính về công tác truyền thông và công nghệ thông tin (CNTT). Bên cạnh việc nâng cấp hạ tầng CNTT, ứng dụng iCIC trên Cổng thông tin kết nối khách hàng vay cũng như cải thiện sản phẩm/dịch vụ cho khách hàng vay, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông, giáo dục tài chính cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó, tập trung hướng tới đối tượng người tiêu dùng tài chính trẻ (học sinh, sinh viên), người dân tại vùng sâu, vùng xa, hoặc công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp.

Chúng tôi hy vọng, sẽ ngày càng nhiều người dân, doanh nghiệp tiếp cận các thông tin đúng về Cổng thông tin của CIC, từ đó khai thác báo cáo để kiểm soát, quản lý TTTD của bản thân, đảm bảo thông tin của mình chính xác, kịp thời phát hiện các gian lận.

Quay lại với hoạt động của CIC, kho dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia do CIC quản lý đã phát huy vai trò rất tích cực trong việc hỗ trợ hoạt động tín dụng các ngân hàng. Tuy nhiên, để đáp ứng tốt hơn cho hoạt động quản trị rủi ro tại các TCTD trong thời kỳ chuyển đổi số, CIC đã và sẽ làm gì để hỗ trợ các đơn vị?

Hiện tại, tỷ lệ trả lời tin tự động của CIC đã đạt khoảng 97%, với thời gian trả lời dưới 10 giây.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số của ngành ngân hàng diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt là sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023, trong đó quy định cho vay bằng phương thức điện tử. Trong thời gian tới, hoạt động cho vay trực tuyến sẽ tiếp tục phát triển mạnh. Hoạt động này có các đặc điểm như thủ tục vay đơn giản, thời gian thẩm định, phê duyệt giải ngân nhanh, thường trong vòng 5 phút… nên các TCTD đều có nhu cầu khai thác báo cáo TTTD với thời gian nhanh chóng, tức thời, gần như thời gian thực.

Nhận thức được điều đó, CIC đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các TCTD. Về dữ liệu, bên cạnh việc xây dựng, phát triển kho dữ liệu TTTD, CIC đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, làm sạch, chuẩn hóa gần 49 triệu hồ sơ khách hàng. Đây là cơ sở quan trọng để CIC phát triển sản phẩm, tăng tỷ lệ trả lời tin tự động. Hiện tại, tỷ lệ trả lời tin tự động của CIC đã đạt khoảng 97%, với thời gian trả lời dưới 10 giây.

Về kênh kết nối, thời gian qua, bên cạnh kênh kết nối truyền thống qua website, CIC đã phát triển thêm kênh kết nối trực tiếp H2H (Host-to-Host) với hệ thống quản trị rủi ro tại các TCTD, từ đó giảm thiểu sự can thiệp của con người, tạo điều kiện cho các TCTD rút ngắn thời gian khai thác báo cáo TTTD.

Về hệ thống sản phẩm, dịch vụ, CIC đã phát triển được hệ thống sản phẩm, dịch vụ đa dạng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của các TCTD. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã phát triển và dự kiến đưa vào cung cấp từ ngày 1/6/2024 sản phẩm TTTD tức thời. Theo đó, tích hợp đầy đủ các thông tin về dư nợ, thẻ và tài sản bảo đảm cung cấp theo thời gian thực để phục vụ hoạt động cho vay trực tuyến tại các TCTD.

Sở hữu một kho dữ liệu khổng lồ, việc đưa ra các báo cáo tổng quan về một lĩnh vực kinh doanh, hay một ngành, thậm chí cả nền kinh tế là điều khả thi. Nhưng thực tế chưa thấy nhiều những báo cáo như vậy từ CIC?

Liên quan đến vấn đề này, tôi muốn thông tin thêm là, các báo cáo thông tin tổng quan về lĩnh vực kinh doanh, ngành nghề được CIC xây dựng và cung cấp cho Ngân hàng Nhà nước định kỳ, thường xuyên và liên tục theo đúng chức năng, nhiệm vụ được phân công.

Phục vụ đối tượng TCTD và đơn vị ngoài ngành, bên cạnh việc cung cấp các báo cáo xếp hạng tín dụng doanh nghiệp phục vụ công tác đánh giá khách hàng và quản trị rủi ro, nhiều năm qua, CIC đã xây dựng và xuất bản các báo cáo phân tích ngành, các ấn phẩm xếp hạng tín dụng doanh nghiệp theo ngành (dệt may, da giầy, thủy sản, doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán…). Các báo cáo, ấn phẩm này ngoài việc đánh giá sự phát triển của ngành, thông qua các số liệu do CIC thu thập được, còn đưa ra các nhận định về xu hướng phát triển của ngành trong thời gian tới.

Dữ liệu TTTD nếu bị lộ lọt và xâm nhập trái phép sẽ là rủi ro rất lớn với khách hàng. Câu chuyện bảo mật dữ liệu khách hàng đang được thực hiện như thế nào tại CIC?

Tính tới thời điểm này, hoạt động TTTD do CIC làm đầu mối chưa ghi nhận sự cố lộ lọt thông tin nghiêm trọng nào, gây ảnh hưởng đến uy tín và tác động tiêu cực đến hoạt động TTTD nói riêng và hoạt động ngân hàng nói chung. Tuy nhiên, CIC vẫn luôn chú trọng công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin ở các khía cạnh sau:

Về tuân thủ quy định pháp luật, CIC tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn, an ninh mạng, bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân của khách hàng; đồng thời, cụ thể hóa thành các quy định trong các hợp đồng liên quan với đối tác, khách hàng để đảm bảo an toàn, an ninh chung của toàn hệ thống. Bên cạnh tuân thủ quy định chung, CIC cũng ban hành các quy định, quy trình nội bộ về an toàn, an ninh dữ liệu để đảm bảo việc triển khai thông suốt, thống nhất tại CIC.

Về công nghệ, tại CIC, hầu hết quá trình thu thập, xử lý, kiểm soát, cập nhật TTTD từ các TCTD được thực hiện tự động trên nền tảng công nghệ hiện đại, quản trị cơ sở dữ liệu ba lớp và được bảo mật chặt chẽ với các giải pháp an ninh mạng, chống đột nhập, được dò quét thường xuyên. Bên cạnh đó, hệ thống phần mềm nghiệp vụ cũng thường xuyên phát triển, theo dõi, nâng cấp và tối ưu hóa với nhiều giải pháp đảm bảo an toàn như phân quyền truy cập, phân quyền dữ liệu, các giải pháp giám sát việc khai thác, sử dụng dữ liệu. Với những nỗ lực trên, hạ tầng công nghệ CNTT đã từng bước được nâng cấp hiện đại, tuân thủ yêu cầu về hạ tầng quản lý và điều hành chuẩn an toàn thông tin cấp độ 3, đảm bảo khả năng vận hành an toàn của trung tâm dữ liệu, cung cấp môi trường hoạt động liên tục cho hệ thống.

Về nhân lực, chúng tôi đã thành lập Bộ phận An ninh thông tin, chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn an ninh hệ thống. Bên cạnh đó, CIC triển khai nhiều chính sách để đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, có kiến thức chuyên sâu về xử lý và phân tích dữ liệu, bảo mật dữ liệu, an ninh mạng nhằm đảm bảo đáp ứng được những thay đổi của thị trường và xu thế phát triển của ngành ngân hàng trong kỷ nguyên số. Đồng thời, chúng tôi cũng chú trọng công tác truyền thông, đào tạo về an ninh thông tin để tất cả cán bộ, chuyên viên CIC đều hiểu được tầm quan trọng, có trách nhiệm đối với công việc mình làm và đều trở thành “chiến sỹ” trong công cuộc đảm bảo, giữ gìn an toàn, an ninh dữ liệu.

Nhuệ Mẫn thực hiện. / Theo Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2024

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/cic-va-vai-tro-quan-tri-rui-ro-tin-dung-post346965.html