Có cách nào giải thoát chứng 'đeo tạ' ?
Bạn đọc Lê Thị Mỹ Lệ (50 tuổi, ở Bà Rịa - Vũng Tàu) hỏi: Tôi làm đầu bếp hơn 20 năm. Do tính chất công việc hầu như phải đứng suốt nên bây giờ bị suy tĩnh mạch.
Uống thuốc kết hợp mang vớ chuyên dụng thì thấy có đỡ nhưng sau đó lại trở nặng, cẳng chân nhức nhối, đè nặng như đeo tạ, uống thuốc hay mang vớ cũng không có hiệu quả. Xin hỏi bệnh này như vậy là hết cách chữa hay sao, tôi lo quá?".
- ThS-BS Trần Thanh Vỹ, Trưởng Khoa Lồng ngực Mạch máu Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, trả lời: Suy giãn tĩnh mạch là tình trạng suy yếu chức năng dẫn máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch ở chân, gây ứ đọng máu ở vùng thấp của chân và lan lên dần. Hậu quả là gây ra các dấu hiệu như nặng mỏi chân, đau nhức bắp chân, vọp bẻ, nổi gân xanh (tĩnh mạch) ngoằn ngoèo, phù chân, ngứa da... Nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách sẽ gây ra nhiều biến chứng khó trị như loét chân, tắc mạch, viêm mạch...
Bệnh suy giãn tĩnh mạch thường xảy ra ở người có tuổi. Tuy nhiên người trẻ không nên chủ quan, cần chủ động phòng tránh bệnh. Ngoài việc hạn chế đứng hay ngồi một chỗ quá lâu, nên thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, đi bộ 15 phút mỗi ngày sẽ hỗ trợ rất tốt trong việc ngăn ngừa bệnh giãn tĩnh mạch.
Hiện nay có một phương pháp mới điều trị suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới là bằng keo sinh học (cyanoacrylate) với tỉ lệ thành công đến 95%. Chị nên ngừng việc tự điều trị, sớm đi đến bệnh viện khám để có hướng trị liệu và tư vấn phù hợp của bác sĩ.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/co-cach-nao-giai-thoat-chung-deo-ta--20191106210638487.htm