Có cần trợ giá cho xe đạp công cộng?
Việc nhà nước hỗ trợ bằng các cơ chế chính sách, hành lang pháp lý để tạo đà cho doanh nghiệp dịch vụ xe đạp công cộng phát triển đúng hướng thay vì trợ giá.
Hỗ trợ chính sách thay vì trợ giá
Sáng nay (23/11), Báo Giao thông tổ chức tọa đàm bàn về chủ đề: "Có cần trợ giá cho xe đạp công cộng?".
Tại TP Hà Nội, mạng lưới vận tải công cộng lớn có đặc thù là ngõ nhỏ phố nhỏ, ngõ sâu nên từ nơi ở đến nhà ga, bến tàu, xe buýt lên tới hàng km. Do đó, phương án xe đạp công cộng là bước đi đúng và hợp lý.
Sau hai tháng triển khai ở TP Hà Nội, thống kê đã có hơn 100.000 lượt đăng ký tham gia, gần 1 triệu km di chuyển và trung bình có 2.000 lượt di chuyển/ngày.
Tại buổi tọa đàm, chia sẻ về vấn đề xe đạp công cộng có cần trợ giá hay không ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho biết, ở Việt Nam khi triển khai dịch vụ cần đặt trong bối cảnh đặc thù giao thông và đi lại của người dân để cung ứng dịch vụ cho phù hợp.
"Tại các nước trên thế giới, nhà nước cũng quan tâm hỗ trợ điều kiện về hạ tầng cho phương tiện phát triển như bố trí các điểm để xe rộng khắp vị trí của thành phố, các phương tiện khác cũng chủ động nhường đường cho xe đạp.
Vì vậy, ở Việt Nam cũng nên theo hướng này, so với trợ giá, việc hỗ trợ bằng các cơ chế chính sách, hành lang pháp lý để dịch vụ được phát triển đúng hướng. Sau đó sẽ tiếp tục trợ giá", ông Hải cho hay.
Còn theo, ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GTVT Hà Nội cho biết, chúng ta hãy dùng từ nhà nước hỗ trợ chứ không phải trợ giá. Bởi nhà nước đã hỗ trợ về cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật và dĩ nhiên, mọi thứ cần sự hiệu quả. Cơ quan nhà nước luôn định hướng hài hòa lợi ích của 3 bên là nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
"Cả một năm thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng, việc thuê cơ sở hạ tầng bãi đỗ đã được thành phố hỗ trợ rồi. Nhà nước luôn ưu tiên, tính toán tới hiệu quả cho xã hội. Kết quả thực hiện thời gian tới sẽ là câu trả lời quan trọng nhất. Chúng tôi đánh giá đây là loại hình còn mới, nhưng khi làm phải thận trọng và tính toán sự phù hợp với từng khu vực và đô thị", ông Thành nói.
Thiếu cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp
Nói về tương lai ông Đỗ Bá Quân, Chủ tịch Công ty Vận tải số Trí Nam cho biết, mục tiêu của chúng tôi từ đầu là xe đạp công cộng phải có sự phát triển rộng hơn, nhiều trạm xe hơn.
"Chúng tôi cũng muốn sau này được cơ quan nhà nước hỗ trợ, được sự đánh giá tích cực của người dân. Khi đó, chúng tôi sẽ phát triển xe đạp công cộng đa điểm và sẽ phân công đội ngũ bảo trì, bảo dưỡng, vận hành. Tuy nhiên, chi phí cho vận hành cũng phải nghiên cứu để phù hợp với người dân. Làm sao để người dân thuận tiện nhất, có chi phí phù hợp sẽ thúc đẩy dịch vụ xe đạp công cộng. Điều đó sẽ giải quyết được vấn đề kết nối cho vận tải hành khách công cộng số lượng lớn. Điều này cũng cần sự hỗ trợ, chung tay tuyên truyền để người dân có sự thay đổi. Đây là quá trình dài và cần sự đồng hành của các cơ quan, đơn vị, người dân", ông Quân chia sẻ.
Cũng theo ông Quân, thí điểm, khó khăn lớn nhất của chúng tôi là còn thiếu cơ sở hạ tầng cho xe đạp. Hiện tại, Hà Nội bắt đầu có đề án đường dành riêng cho xe đạp. Điều này khẳng định nhà nước luôn đồng hành, ủng hộ.
"Chúng tôi xin đề xuất Nhà nước quan tâm hơn nữa cho dịch vụ xe đạp, tạo điều kiện về đảm bảo an ninh an toàn ở các điểm trạm, coi chúng tôi như các dịch vụ công cộng khác để được hưởng ưu đãi; đưa loại hình này vào hệ thống giáo dục, tuyên truyền từ trẻ mầm non để trẻ hiểu đây là phương thức để rèn luyện sức khỏe, bảo vệ môi trường. Chúng tôi cũng mong rằng khi chưa có hạ tầng dành riêng có thể mở cho xe đạp sử dụng chung với đường dành cho người đi bộ. Thực tiễn trên thế giới, có những nước cho phép xe đạp đi chung với người đi bộ. Vì vậy, tôi cũng mong có thể mở cho xe đạp đi vào một phần ở các tuyến đường dành cho người đi bộ", ông Quân đề xuất.
"Hiện Hà Nội đã cấp phép cho Trí Nam gần 80 điểm làm trạm xe, ưu tiên ở những vị trí tốt nhất trong khu vực các quận nội thành, đặc biệt các khu vực gần nhà ga bến tàu, các trường học, công viên, các trung tâm mua sắm, khu du lịch. Đây là dự án thí điểm quy mô lớn, tuy nhiên, hạ tầng dành riêng cho xe đạp tại Hà Nội chưa đồng bộ, dù trong quy hoạch giao thông đã có nhưng thực tế chưa được triển khai, chưa có làn đường dành riêng cho xe đạp. Sở GTVT Hà Nội cũng đang quan tâm để sớm có làn đường cho xe đạp", ông Thành khẳng định.
Ngoài ra, Sở GTVT cũng sẽ tham mưu các chính sách, cơ chế đặc thù riêng cho các phương tiện vận tải hành khách công cộng nói chung và xe đạp công cộng nói riêng đưa vào các Luật Đường bộ, Luật TTATGT và Luật Thủ đô.
Hiện nay, vỉa hè để làm trạm xe đạp công cộng cho công ty Trí Nam đang được miễn phí trong 1 năm thí điểm, sau khi kết thúc thí điểm sẽ có đánh giá để tham mưu cho UBND TP hướng đi cho đồng bộ hơn.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/co-can-tro-gia-cho-xe-dap-cong-cong-10267250.html