'Cơ cấu' lại năng suất lao động - Điểm mấu chốt trong 'bài toán' tăng trưởng

Theo các chuyên gia, những kết quả khảo sát gần đây cho thấy nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn Việt Nam chỉ vì lực lượng lao động trẻ và rẻ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để thực hiện được những mục tiêu về tăng trưởng kinh tế thì chìa khóa chính là nâng cao năng suất lao động của Việt Nam.

Nếu không có lao động giá rẻ, chắc gì vốn FDI đã vào Việt Nam

Nói về thực trạng năng suất lao động ở Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nếu so với các nước trong khu vực, năng suất lao động của Việt Nam những năm gần đây đã có những cải thiện đáng kể nhờ mô hình tăng trưởng từ chiều rộng chuyển sang chiều sâu. Giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô, lao động giá rẻ để từng bước chuyển sang dựa vào ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, nhìn chung năng suất lao động vẫn chưa đủ nhanh để có thể thu hẹp khoảng cách với các quốc gia khác. Năng suất lao động của Việt Nam năm 2020, theo ước tính của Tổ chức Lao động Quốc tế là thấp hơn 7 lần so với Malaysia, 4 lần so với Trung Quốc, 3 lần so với Thái Lan, 2 lần so với Philippines và 26 lần so với Singapore.

Nếu Việt Nam chậm cải tiến năng suất lao động khó đạt mục tiêu tăng trưởng.

Báo cáo năm 2020 của Tổ chức Năng suất châu Á cũng cho thấy, năng suất lao động Việt Nam đã tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, so với Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm… Trong khi đó, Đại hội Đảng khóa XIII đã đề ra mục tiêu là đến năm 2030 Việt Nam sẽ trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, Việt Nam phấn đấu trở thành nước phát triển, thu nhập cao, Chủ tịch VCCI thông tin.

Nhìn nhận thẳng thắn về vấn đề năng suất lao động, TS. Nguyễn Đức Thành - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế (VERP) cho rằng, giai đoạn trước năm 2000, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đổ vào các lĩnh vực thâm dụng vốn và công nghệ chiếm đa số (khai thác mỏ, năng lượng, xe máy, ô tô, khuôn đúc...). Sau đó, các lĩnh vực quy mô lớn, thâm dụng lao động, định hướng xuất khẩu chiếm ưu thế (may mặc, giày dép, lắp ráp điện tử...).

Các hoạt động này tạo giá trị gia tăng trong nước thấp và năng suất lao động thấp. Vì thế, các doanh nghiệp FDI cũng coi Việt Nam là nơi làm các công việc đơn giản và không có lý do gì để điều chỉnh chiến lược này. Tuy nhiên, nếu tiền lương tiếp tục tăng, FDI sẽ không nâng cấp mà chỉ đơn giản là rời khỏi Việt Nam.

Việc các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn Việt Nam nhờ lực lượng lao động trẻ và rẻ với các quy trình giản đơn cho thấy Việt Nam chưa thành công trong giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Thậm chí Việt Nam đang thiếu hụt nghiêm trọng và lâu dài nguồn nhân sự này và phải vượt qua tư duy tiêu cực này nếu muốn tiến lên trong quá trình công nghiệp hóa”, ông Thành nhấn mạnh.

Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, sòng phẳng mà nói, khối ngoại vẫn dựa vào Việt Nam như một nơi sản xuất rất rẻ như giá nhân công rẻ, giá trị gia tăng thấp... Tất cả nhân tố thấp đó vẫn được duy trì và coi như thế mạnh của Việt Nam, đặc biệt, năm 2020, Hiệp định EVFTA có hiệu lực là cơ hội Việt Nam tiếp nhận đầu tư từ khu vực này vào công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao để tự chủ trong chuỗi cung ứng. Cùng với đó, khi dịch Covid-19 xuất hiện, nhiều ý kiến cho rằng đây là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu khi nhiều nước kêu gọi doanh nghiệp của họ rời khỏi Trung Quốc.

Qua quá trình tiếp xúc với nhà đầu tư nước ngoài cho thấy họ vẫn nói so với nước khác thì Việt Nam chưa đạt chuẩn để họ chuyển vốn vào. Nhân công của Việt Nam mới dừng lại ở khâu đơn giản nhất là gia công còn sản phẩm tinh xảo, trung gian khác thì “chưa sẵn sàng”, vậy cuối cùng chúng ta được cái gì? Bà Lan quan ngại.

Chậm cải tiến năng suất lao động sẽ khó đạt mục tiêu tăng trưởng

Đưa ra giải pháp trong vấn đề “cơ cấu” lại năng suất lao động, ông Nguyễn Tùng Lâm - Phó Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần dựa vào thể trạng năng suất lao động của doanh nghiệp để có những giải pháp phù hợp, chứ không sao chép các mô hình nước ngoài. Vì vậy, cần nâng cao năng lực của đội ngũ chuyên gia năng suất lao động Việt Nam. Bên cạnh đó, đòi hỏi đội ngũ chuyên gia đủ năng lực để đánh giá một cách tổng thể, toàn diện, “bắt bệnh” cho các doanh nghiệp và đưa ra đơn thuốc cho vấn đề năng suất lao động Việt Nam. Tức là cần có đội ngũ chuyên gia năng suất đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Hiện nay, vấn đề hoạch định chính sách về năng suất lao động còn lẻ tẻ, nằm ở các Bộ như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học Công nghệ… Chưa có một cơ quan cấp quốc gia chịu trách nhiệm tư vấn, tham mưu cho Chính phủ về tăng năng suất lao động. Trong khi đó, việc Bộ Công Thương lập Hội đồng về năng suất lao động chỉ là một giải pháp, còn cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề năng suất ở Việt Nam thì chưa có. Nếu muốn doanh nghiệp triển khai đầu tư vào năng suất một cách hiệu quả, cần có hệ sinh thái, có cơ quan có trách nhiệm tạo ra hệ sinh thái một cách thuận lợi nhất cho doanh nghiệp… bởi năng suất lao động là chìa khóa của năng lực cạnh tranh, ông Lâm nhận định.

Với tư cách là người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Việt Nam chỉ còn mười năm để làm tốt việc này vì đến năm 2030 Việt Nam chuyển sang giai đoạn già hóa dân số. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2020 ước tính đạt 117,9 triệu đồng/lao động (tương đương 5.081 USD/lao động, tăng 290 USD so với năm 2019. Theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 5,4% do trình độ của người lao động ngày càng được nâng cao (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ năm 2020 đạt 24,1%, cao hơn mức 22,8% của năm 2019). Vì thế, nếu không “nhanh chân” trong vấn đề nâng cao năng suất lao động thì Việt Nam sẽ bỏ lỡ “giai đoạn vàng” này, ông Dũng bày tỏ lo ngại.

Vốn là người theo sát từng bước chân của doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cũng thừa nhận, mức tăng này chưa đủ nhanh để có thể thu hẹp khoảng cách với các quốc gia khác, nên Việt Nam cần phải có nhiều nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa trong việc cải thiện năng suất quốc gia. Để thực hiện được những mục tiêu về tăng trưởng kinh tế thì chìa khóa chính là nâng cao năng suất lao động của Việt Nam.

Khánh Linh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/co-cau-lai-nang-suat-lao-dong--diem-mau-chot-trong-bai-toan-tang-truong-post134432.html