Cơ cấu nợ linh hoạt giúp khắc phục hậu quả bão Yagi
Hôm qua (10/12), dưới sự đề xuất của Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định cho phép các ngân hàng giãn nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi siêu bão Yagi.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, việc cho phép các ngân hàng giãn nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi siêu bão Yagi góp phần hỗ trợ, giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp, người dân, tạo điều kiện để khách hàng có thể tiếp cận vốn vay mới, có thêm năng lực để khôi phục lại sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống sau thảm họa thiên tai.
Từ trước đến nay, Chính phủ luôn có những động thái bảo vệ doanh nghiệp, người dân, đặc biệt trong các tình huống nguy cấp như cơn siêu bão Yagi vừa qua.
Dưới góc độ tài chính, quyết định này sẽ tác động như thế nào đến hoạt động của các ngân hàng?
Theo quy định, thì các ngân hàng chia các món nợ họ cho vay ra thành 5 nhóm, căn cứ vào thời gian quá hạn, với mỗi nhóm, ngân hàng phải trích lập dự phòng theo tỷ lệ tương đương. Đặc biệt, quá hạn 90 ngày khoản vay bị xếp vào nợ xấu.
Đối với ngân hàng, các khoản nợ cho vay quá hạn họ phải trích ra một tỷ lệ dự phòng nào để đề phòng cho các khoản nợ không được trả đủ.
Dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, bão Yagi đã ảnh hưởng tới 94 nghìn cá nhân và doanh nghiệp vay vốn ngân hàng, với tổng số tiền vay khoảng 165.000 tỷ đồng. Con số này tương đương với 1,1% dư nợ toàn hệ thống ngân hàng tính đến cuối quý 3 vừa qua. 165.000 tỷ đồng tương đương với quy mô toàn bộ khoản cho vay của ngân hàng tầm trung như MSB vào cuối quý 3 và cao hơn tới 14 ngân hàng trên tổng số 29 ngân hàng công bố báo cáo tài chính.
Tỷ lệ nợ xấu theo quy định nằm trong vùng an toàn là 3%. Các ngân hàng phải căn ke để giữ vững con số đó. Họ phải đáp ứng hàng loạt các chỉ tiêu về an toàn vốn, trong đó chỉ tiêu đơn giản nhất là tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ.
Thực tế là nếu không được thu xếp tái cơ cấu, các ngân hàng cứ làm việc thẳng tay, siết nợ người vay thì tình hình sẽ rất không khả quan. Những phản kháng từ người dân, doanh nghiệp khi các tổ chức tín dụng lạnh lùng và thiếu sự cảm thông, nhiều khi gây nên những bức xúc không đáng có trong xã hội.
Theo đó, giúp các ngân hàng, doanh nghiệp và người dân qua cơn hoạn nạn, mở rộng cho họ tiếp cận với các khoản vay mới cũng là cách giúp mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm nay có thể thành công.