Đồng Tháp dựa vào thế mạnh đặc trưng để bứt phá

Đồng Tháp cần huy động mọi nguồn lực, các thế mạnh đặc trưng để bứt phá, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của vùng ĐBSCL và đất nước

Sáng 11-12, sau khi dâng hương, hoa Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - Thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc, TP Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), Tổng Bí thư Tô Lâm dẫn đầu đoàn công tác của Trung ương đã chủ trì buổi làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp. Cùng dự có ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.

Nhiều dự án đang đẩy nhanh tiến độ

Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong thông tin về triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Theo đó, các chỉ tiêu về xây dựng Đảng đạt và vượt kế hoạch; Ban Công tác mặt trận, chi đoàn, chi hội, hội quán, tổ nhân dân tự quản hoạt động từ khá trở lên, đạt 94% (chỉ tiêu 70%); tỉ lệ hộ nghèo còn 1,08%; các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, thành lập HTX hoạt động hiệu quả vượt cao.

Bên cạnh đó, kinh tế của tỉnh Đồng Tháp chuyển dịch theo đúng định hướng, tăng trưởng cải thiện qua từng năm.

Ngành nông nghiệp của tỉnh tiếp tục phát huy thế mạnh, tái cơ cấu hiệu quả với chuỗi giá trị các ngành hàng chủ lực được mở rộng, kết hợp hiệu quả giữa nông nghiệp - du lịch - thương mại, tư duy kinh tế nông nghiệp dần hình thành thay thế tư duy sản xuất nông nghiệp.

Tăng trưởng bình quân lĩnh vực công nghiệp ước đạt 6,15%/năm; trong đó, công nghiệp chế biến chiếm trên 98% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành và tiếp tục phát huy vai trò then chốt trong gắn kết sản xuất, tiêu thụ, gia tăng giá trị chuỗi ngành hàng nông sản.

Kinh tế tư nhân từng bước trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh, tỉ trọng đóng góp vào GRDP ước đạt hơn 29%, tăng 6% so năm 2020… Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng khá, giai đoạn 2021 - 2025 ước đạt hơn 117.000 tỉ đồng, tăng 38% so tổng vốn huy động giai đoạn 2016 - 2020. Ước tính đến cuối năm 2025, sẽ có 52 km đường cao tốc, có thêm 14 km quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh.

Nhiều dự án có quy mô, kết nối liên vùng đã và đang được đẩy nhanh tiến độ như: Hoàn thành tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (đoạn qua địa bàn tỉnh); đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu dự án thành phần 1, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 9-2025; phối hợp với Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận chuẩn bị các điều kiện khởi công tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (giai đoạn 1); đang triển khai thi công nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ, Dự án Nam Sông Tiền, tuyến tránh Quốc lộ 30 - TP Cao Lãnh…

Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, tỉnh Đồng Tháp đề nghị Trung ương đồng ý chủ trương đầu tư tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh, đoạn cảng Hồng Ngự - Cao Lãnh (chiều dài khoảng 68 km, quy mô xây dựng 4 làn xe, thuộc tuyến hành lang vận tải từ Khu kinh tế cửa khẩu Dinh Bà trước năm 2030) nhằm góp phần hình thành kết cấu hạ tầng giao thông…

Tổng Bí thư Tô Lâm với các đại biểu tại buổi làm việcẢnh: TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm với các đại biểu tại buổi làm việcẢnh: TTXVN

Phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng ĐBSCL

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý Đồng Tháp là tỉnh biên giới, có tiềm năng lợi thế rất lớn trong giao thương quốc tế. Vì vậy, tỉnh phải nhận diện đầy đủ, tập trung thúc đẩy các lĩnh vực, đặc biệt là thương mại, công nghiệp... Đồng Tháp báo cáo và triển khai ngay công tác thực hiện nghị quyết, các nhiệm vụ đại hội Đảng các cấp, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm.

Tổng Bí thư nhấn mạnh tỉnh Đồng Tháp cần huy động mọi nguồn lực, các thế mạnh đặc trưng để bứt phá, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của vùng ĐBSCL và đất nước. Đến năm 2030, phải xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng ĐBSCL về xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; phát triển bền vững ngành nông nghiệp để làm trụ đỡ cho nền kinh tế.

Tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong trong đổi mới và chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, mở ra cơ hội cho các lĩnh vực kinh tế mới như: Kinh tế sinh thái, kinh tế nước ngọt, nông nghiệp thích ứng, vận tải đa phương thức, chăm sóc sức khỏe.

Chiều cùng ngày, tại thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông, Tổng Bí thư tặng 3 phòng thực hành giáo dục STEM cho các trường, gồm Trường THPT Tràm Chim, huyện Tam Nông; Trường THPT Châu Thành 1, huyện Châu Thành và Trường THPT Tân Hồng, huyện Tân Hồng.

Dịp này, tại UBND huyện Tam Nông, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng gặp mặt, tặng quà cho đại diện 80 hộ gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam anh hùng, cựu chiến binh lão thành trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Tổng Bí thư còn khảo sát Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, đoạn xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh (kết nối Đồng Tháp với Tiền Giang).

Đưa thu nhập người dân tăng gấp đôi

Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ Đồng Tháp đã bước qua thời kỳ khó khăn, vì vậy phải tiến lên giàu có và phát triển. Nếu bằng lòng, loanh quanh với "đủ ăn đủ mặc" thì không đáp ứng được yêu cầu. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 2 con số, phát triển bền vững không chỉ là nông nghiệp, phải đặt mục tiêu thu nhập bình quân của người dân trong nhiệm kỳ tới phải tăng gấp đôi. Do đó, tất các ngành, các địa phương phải tính toán các bước đi cụ thể.

Tâm Minh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dong-thap-dua-vao-the-manh-dac-trung-de-but-pha-196241211205154696.htm