Cơ chế chấp nhận độ trễ trong nghiên cứu khoa học, công nghệ: Tạo động lực bền vững
Nghị quyết số 57-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về 'đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia' và Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội 'thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia' đã tháo gỡ rào cản bằng quy định mang tính đổi mới là 'chấp nhận độ trễ trong nghiên cứu khoa học'.
Song, điều này đặt ra thách thức cho các nhà quản lý là làm sao để bảo đảm nguồn lực của Nhà nước được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, đồng thời không triệt tiêu động lực của nhà khoa học.

Hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Phenikaa.
Độ trễ trong nghiên cứu khoa học
Tại Việt Nam hiện nay, nhiều dự án khoa học bị ràng buộc bởi tư duy “nghiên cứu phải có kết quả ngay” khiến các nhà khoa học gặp khó khăn khi theo đuổi các công trình dài hạn.
Tiến sĩ Chu Đức Hà, giảng viên Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, các nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp thường kéo dài hàng chục năm, đi qua nhiều giai đoạn thử nghiệm. Nếu chỉ tập trung vào các nghiên cứu ngắn hạn, Việt Nam sẽ mãi đi sau các quốc gia phát triển và khó có thể tạo ra những đột phá mang tính chiến lược. Nếu không có chính sách hỗ trợ dài hạn, các nghiên cứu nói trên sẽ dễ bị bỏ dở, gây lãng phí nguồn lực và tri thức.
“Việc chấp nhận "độ trễ" trong nghiên cứu khoa học mà Nghị quyết số 57-NQ/TƯ nhấn mạnh, có ý nghĩa rất lớn. Đây chính là điều kiện tiên quyết để phát triển các lĩnh vực có tính kế thừa cao như: Công nghệ sinh học, chọn tạo giống cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu”, Tiến sĩ Chu Đức Hà chia sẻ.
Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Thị Thu Hiền cũng khẳng định: Độ trễ là nói về thời gian từ khi có kết quả nghiên cứu đến khi nó phát huy tác dụng, được ứng dụng trong đời sống và sản xuất. Thời gian dành cho nghiên cứu không gọi là độ trễ.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, để sản xuất được vắc xin phòng bệnh tiêu chảy do vi rút Rota, bắt đầu từ năm 1998, Việt Nam đã triển khai những nghiên cứu thăm dò và nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng, đến cuối năm 2017 mới làm chủ hoàn toàn công nghệ và tự sản xuất được vắc xin, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Như vậy, quá trình này mất 20 năm.
Theo GS.TS Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, một trong những sản phẩm cần đến sự chấp nhận của xã hội là cây trồng biến đổi gene và cây trồng chỉnh sửa gene.
“Bệnh bạc lá ở lúa hằng năm gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Viện chúng tôi đã chỉnh sửa thành công cùng lúc 2 gene liên quan đến bệnh này. Tuy nhiên, vì lúa là loại cây trồng xuất khẩu, phần lớn các nước chưa chấp nhận lúa chuyển gene, và chỉnh sửa gene vẫn bị coi như biến đổi gene, nên nghiên cứu hiện mới dừng ở phòng thí nghiệm, cần thêm thời gian để ứng dụng vào thực tiễn”, GS.TS Lê Huy Hàm cho biết.
Làm sao để có độ trễ ngắn nhất
Theo GS.TS Nguyễn Quang Liêm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu thông tin, để nhanh chóng xác định nguyên nhân cá và san hô chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung năm 2016, các nhà khoa học ở Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phân tích số liệu hiện trường, xây dựng mô hình phát tán chất độc trong nước biển và phân tích trên cơ sở những số liệu đã có trong “ngăn kéo” từ những đề tài điều tra cơ bản về sinh vật biển, về môi trường và về hải dương học được thực hiện trước đó.
“Như vậy, đã có độ trễ ứng dụng kết quả nghiên cứu. Nếu không có sẵn dữ liệu cũng như thiếu đội ngũ cán bộ nghiên cứu cơ bản giỏi, làm sao buộc Hãng Formosa phải thừa nhận đã xả thải chất độc hại ra biển?”, GS.TS Nguyễn Quang Liêm chia sẻ.
Nghị quyết số 57-NQ/TƯ đã nhấn mạnh đến tinh thần chấp nhận độ trễ trong nghiên cứu khoa học, từ đó có sự nhìn nhận đúng đắn đối với nỗ lực của giới nghiên cứu. Tuy nhiên, người ta vẫn e ngại việc nhà nghiên cứu khoa học sẽ lấy lý do cần độ trễ để bào chữa cho những đề tài nghiên cứu xong cất vào ngăn kéo, không có tính ứng dụng, gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Thực tế qua kiểm tra, giám sát cũng cho thấy, việc quản lý, sử dụng kinh phí khoa học công nghệ vẫn còn “mảng tối”, “lỗ hổng”, dẫn đến nguy cơ thất thoát, lãng phí, làm mất vai trò then chốt “đi trước, đón đầu” của lĩnh vực này đối với quá trình đổi mới, phát triển đất nước.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đã và đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng những văn bản hướng dẫn cụ thể. Trước mắt, các cơ quan liên quan tập trung rà soát, tái cơ cấu chuỗi nghiên cứu khoa học, công nghệ gắn với nghiên cứu cơ bản; định hướng thực hiện phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo để ứng dụng vào sản xuất kinh doanh; điều chỉnh nguồn lực ngân sách nhà nước để tiếp tục duy trì và tăng dần tỉ lệ kinh phí dành cho thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cần tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực, trọng điểm, sản phẩm quốc gia theo chuỗi giá trị và buộc phải gắn với doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm.
“Chúng tôi tiếp tục nghiên cứu các cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, chúng tôi cũng đang xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý; đa đạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ; xây dựng và bổ sung các tiêu chí về ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu vào các cơ chế quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ hiện hành...”, bà Nguyễn Thị Thu Hiền thông tin.