Cơ chế, chính sách đặc thù – 'Đòn bẩy' để Hải Phòng bứt phá

Phát huy tiềm năng, lợi thế, Thành phố Hải Phòng đã đề xuất với trung ương những cơ chế, chính sách đặc thù riêng có, nhằm từng bước nâng cao chỉ số tăng trưởng vượt trội, xứng đáng với vai trò là một trong 'đầu tàu' kinh tế của cả nước.

Vượt khó, Hải Phòng tăng trưởng ấn tượng

9 tháng năm 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP của Hải Phòng đạt 9,77%, đứng thứ 8 cả nước, gấp 1,43 lần tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 87.800 tỷ đồng, tăng hơn 34% so với cùng kỳ năm 2023. Tính đến ngày 30/9, Hải Phòng giải ngân gần 8.900 tỷ đồng vốn đầu tư công, bằng 52% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, xếp thứ 27 toàn quốc.

Thành phố đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện 13 dự án giao thông trọng điểm kết nối liên tỉnh, liên vùng; đồng thời phấn đấu khởi công các dự án lớn, trọng điểm để mở rộng không gian đô thị về khu vực Bắc sông Cấm và các khu công nghiệp khu vực ven thành phố. 9 tháng qua, thành phố giải quyết việc làm khoảng 51.200 lượt lao động, số người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp giảm 13,96% so với cùng kỳ.

 Hải Phòng đang quyết tâm vươn mình ra thế giới, hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2050 trở thành Thành phố hàng hải toàn cầu và trung tâm du lịch biển mang tầm cỡ quốc tế. Ảnh: TL.

Hải Phòng đang quyết tâm vươn mình ra thế giới, hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2050 trở thành Thành phố hàng hải toàn cầu và trung tâm du lịch biển mang tầm cỡ quốc tế. Ảnh: TL.

Dù phải gánh những thiệt hại nặng nề do bão số 3 để lại, nhưng Hải Phòng đã nỗ lực phục hồi sản xuất, kinh doanh. Sau 9 tháng của năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TP. Hải Phòng tăng 9,77% so với cùng kỳ, gấp hơn 1,43 lần bình quân chung cả nước. Hải Phòng cũng ghi danh tốp đầu trong thu hút dự án FDI với 985 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 31 tỷ USD.

Về phát triển nhà ở xã hội, hiện trên địa bàn thành phố có 9 dự án khởi công với quy mô khoảng 15.000 căn, dự kiến đến năm 2025, thành phố cơ bản hoàn thành vượt chỉ tiêu 15.400 căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025 Chính phủ đặt ra cho Hải Phòng.

Về triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, đến nay Hải Phòng có 7 huyện công nhận là huyện nông thôn mới, 89 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đối với chương trình giảm nghèo bền vững, thành phố quyết tâm xóa nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong năm 2024, về đích trước 1 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 16.

Cùng với đó, thành phố đã khởi công, khánh thành một số công trình, dự án lớn trong các lĩnh vực như giao thông, đô thị, góp phần nâng tầm vị thế và mở đường phát triển cho nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội của thành phố.

Các cơ chế, chính sách đặc thù sẽ mang đến cho Hải Phòng cơ hội phát triển mới

Nhận định các cơ chế, chính sách đặc thù sẽ là cơ sở để tổ chức thực hiện, phát huy tối đa lợi thế, hiện thực hóa cơ hội mang lại cho thành phố trong thời gian nhanh nhất, hiệu quả cao nhất, TP. Hải Phòng đã chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản cụ thể hóa và trình tự, thủ tục thực hiện các cơ chế, chính sách.

 Những cơ chế chính sách đặc thù sẽ giúp Hải Phòng phát huy mạnh mẽ sức mạnh nội sinh cảng biển, logicstics để nâng tầm vị thế.

Những cơ chế chính sách đặc thù sẽ giúp Hải Phòng phát huy mạnh mẽ sức mạnh nội sinh cảng biển, logicstics để nâng tầm vị thế.

Trong cuộc làm việc ngày 8/10, do ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chủ trì, TP. Hải Phòng đã kiến nghị, đề xuất 7 nhóm vấn đề. Trong đó, thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án: Xây dựng các bến số 9, 10, 11, 12 thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện; Đề án thành lập Khu Kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng và 5 dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp gồm: Khu công nghiệp Tràng Duệ 3, Khu công nghiệp Nam Tràng Cát, Khu công nghiệp Giang Biên 2, Khu công nghiệp Vinh Quang và Khu công nghiệp Nhật Bản - Hải Phòng (Nomura).

Để xứng đáng với vai trò không chỉ là một cực tăng trưởng mà còn là động lực phát triển cho khu vực và cả nước. Trở thành một thành phố hiện đại, đi đầu, hoàn thành sớm công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có vị thế không chỉ trong nước mà cả khu vực và quốc tế. Hải Phòng cần có chính sách, cơ chế đặc thù để đáp ứng được yêu cầu phát triển, hiện thực hóa quyết tâm chính trị đó.

Đề xuất Chính phủ sớm báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua các đề án, nghị quyết nhằm thuận lợi cho thành phố trong thực hiện Nghị quyết số 35 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 35 của Quốc hội, trong đó đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội hơn và thành lập Khu thương mại tự do tại Hải Phòng. Bên cạnh đó, Hải Phòng đề xuất Trung ương sớm chấp thuận gia hạn Dự án Trung tâm hội nghị, thương mại và du lịch quốc tế (Dự án Casino Đồ Sơn).

Các cơ chế, chính sách đề xuất trên quan điểm Hải Phòng phát triển không chỉ riêng cho mình, mà hơn hết còn vì sự phát triển chung; là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước.

Để hiện thực các định hướng phát triển, Hải Phòng cần phối hợp chặt chẽ hơn với các bộ, ngành, báo cáo, đề xuất các giải pháp Trung ương hỗ trợ, tháo gỡ nhằm tạo hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách thuận lợi nhất để Hải Phòng thực hiện. Với những đề xuất của Hải Phòng, Trung ương, Chính phủ luôn hoan nghênh và kỳ vọng kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình cất cánh của Hải Phòng sắp mở ra.

Thế An

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/co-che-chinh-sach-dac-thu-don-bay-de-hai-phong-but-pha-162487.html