Thanh Hóa vào top 5 địa phương huy động vốn đầu tư cao nhất cả nước

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định 'Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn', tạo thuận lợi trong việc thu hút đầu tư là một trong ba khâu đột phá trong nhiệm kỳ; đồng thời xác định 'Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển' là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội.

Đây là những chủ trương, định hướng lớn, quan trọng để các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, tạo tiền đề để khơi thông điểm nghẽn về huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội.

Thành công này được đánh giá là kết quả của quá trình tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, công khai quy hoạch, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực. Đặc biệt, với việc Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã tạo ra xung lực, được ví như “thỏi nam châm” hút nhà đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa, tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh Thanh Hóa từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay ước đạt 475.219 tỉ đồng, thuộc nhóm 5 tỉnh, thành phố huy động vốn đầu tư cao nhất cả nước. Đã có nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn trong và ngoài nước đến, đầu tư thành công tại Thanh Hóa như: Tập đoàn Idemitsu, Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản), Tập đoàn Kepco (Hàn Quốc), Tập đoàn Hong Fu (Đài Loan), Tập đoàn VinGroup, SunGroup, Flamingo, TH True milk, Vinamilk...

Từ kết quả thu hút đầu tư, đã có nhiều dự án quan trọng, có quy mô lớn, có sức lan tỏa rộng hoàn thành, đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư như: Đường giao thông nối thị xã Sầm Sơn với KKT Nghi Sơn; Đường Đại lộ Đông - Tây thành phố Thanh Hóa đoạn từ thị trấn Rừng Thông đến Quốc lộ 1A; Đường cao tốc Bắc - Nam nhánh Đông; Đường Đông Tây đoạn nối đường Bắc Nam 1B với đường Bắc Nam 3 - KKT Nghi Sơn; Tuyến đường Hải Hòa - Bình Minh; Đường Bắc Nam 2; Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2, Nhà máy xi măng Đại dương 1, Dây chuyền 3 nhà máy Xi măng Long Sơn; Trạm nghiền xi măng Long Sơn; Nhà máy sản xuất bao bì của Công ty Miza; Nhà máy sản xuất dây cáp điện THN Autoparts, huyện Hà Trung; Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao quy mô công nghiệp (TH True Milk)…

Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, Khu Kinh tế Nghi Sơn

Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, Khu Kinh tế Nghi Sơn

Kết quả thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế của tỉnh Thanh Hóa phát triển. 9 tháng đầu năm 2024, bức tranh kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa duy trì tăng trưởng cao, trên từng lĩnh vực đều có bước phát triển tích cực. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 12,46% (đứng thứ 2 cả nước sau tỉnh Bắc Giang). Trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,43%; công nghiệp - xây dựng tăng 18,85%; dịch vụ tăng 7,23%... Nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ tiếp tục với thành tích nổi trội. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng hoàn thiện theo hướng đồng bộ, hiện đại… tạo tiền đề, nền tảng vững chắc để kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Có thể thấy, từ kết quả đạt được đầu tư công, đầu tư tư nhân, đã tạo cho Thanh Hóa cơ hội trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh. Những kết quả trên cũng phản ánh môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh Thanh Hóa tiếp tục được cải thiện; các giải pháp tháo gỡ, khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đã phát huy hiệu quả; tiếp tục huy động được các nguồn lực cho đầu tư phát triển ngoài khu vực nhà nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng tỉnh Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại; một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.

Cảng nước sâu Nghi Sơn - Thanh Hóa

Cảng nước sâu Nghi Sơn - Thanh Hóa

Để có vị trí đứng trong nhóm 5 tỉnh, thành phố huy động vốn đầu tư cao nhất cả nước có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, trong đó có một số nguyên nhân như:

Thứ nhất, các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã không ngừng đổi mới, sáng tạo và quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế nhằm cải thiện, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, giúp các doanh nghiệp kinh doanh ổn định và đạt hiệu quả cao nhất; tạo niềm tin cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi tham gia đầu tư vào tỉnh với tinh thần “Sự phát triển của doanh nghiệp cũng là sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa.

Thứ hai, Tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, chương trình, đề án nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế cho phát triển kinh tế - xã hội như: Chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; chính sách hỗ trợ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container đi quốc tế qua cảng Nghi Sơn; chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; Đề án huy động thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển doanh nghiệp…

Thứ ba, các cấp, các ngành, các địa phương đã tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Thực hiện nghiêm nguyên tắc “4 tăng, 2 giảm, 3 không” trong giải quyết thủ tục hành chính; việc công khai xin lỗi trong giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện nghiêm túc, từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp, mức độ hài lòng của người dân, tổ chức về chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

Thứ tư, Thanh Hóa là một trong những địa phương đi tiên phong trong công tác vận động xúc tiến đầu tư với nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả; đã thành lập Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư đặc biệt; thành lập Bộ phận hỗ trợ Nhật Bản tại tỉnh (Japan Desk Thanh Hoa); lãnh đạo tỉnh thường xuyên làm việc, tiếp xúc với các nhà đầu tư, các tập đoàn lớn trong và ngoài nước, tổ chức các đoàn công tác cao cấp của tỉnh thăm, làm việc, thiết lập quan hệ với các tỉnh, thành phố các nước để quảng bá, giới thiệu và xúc tiến đầu tư vào tỉnh.

Thứ năm, hoạt động tiếp doanh nghiệp định kỳ của Chủ tịch UBND tỉnh hằng tháng được duy trì, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm việc ký cam kết về tiến độ giải phóng mặt bằng, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư trong triển khai thực hiện dự án.

Thành Nam

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/thanh-hoa-vao-top-5-dia-phuong-huy-dong-von-dau-tu-cao-nhat-ca-nuoc-35805.html