Cơ chế 'chống sốc' lương thực
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa thông qua một cơ chế cho vay khẩn cấp mới nhằm hỗ trợ các nước đang đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, trong bối cảnh cú sốc khí hậu, xung đột và đại dịch khiến giá cả leo thang trên toàn cầu. Giải quyết vấn đề mất an ninh lương thực và tìm cách cung cấp thực phẩm cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương là ưu tiên hàng đầu hiện nay của các tổ chức quốc tế và các quốc gia.
Cơ chế chống sốc lương thực (Food Shock Window) được IMF đưa ra nhằm giúp người dân tại các quốc gia dễ tổn thương ứng phó một trong những cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất, đó là nạn đói. Sẽ được triển khai trong vòng một năm, cơ chế cho vay mới của IMF nằm trong khuôn khổ hai chương trình viện trợ khẩn cấp do IMF thiết lập nhằm giúp các quốc gia ứng phó những tác động của đại dịch Covid-19, gồm Công cụ tín dụng nhanh (Rapid Credit Facility) cho các quốc gia nghèo nhất vay không lãi suất kỳ hạn lên tới 10 năm và Công cụ Hỗ trợ tài chính nhanh (Rapid Financing Instrument) dành cho các nước giàu hơn vay và phải hoàn trả thời hạn trong 5 năm.
Cơ chế này cung cấp những hỗ trợ bổ sung sau các khoản tài trợ và nguồn vốn ưu đãi, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn tài chính khẩn cấp cho các quốc gia đứng bên bờ vực nạn đói. Theo IMF, cuộc khủng hoảng lương thực lan rộng trên toàn cầu đe dọa đời sống và sinh kế của 345 triệu người, con số cao kỷ lục, ở 82 quốc gia.
An ninh lương thực là vấn đề cấp bách mà thế giới phải đối mặt và cần thúc đẩy các giải pháp như một “liều thuốc giảm đau” tức thì nhằm ngăn chặn nạn đói cũng như tìm cách bảo đảm an ninh lương thực bền vững. Hồi tháng 7 vừa qua, Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên hợp quốc (FAO), IMF, Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG), Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã đưa ra tuyên bố chung kêu gọi hành động khẩn cấp giải quyết an ninh lương thực toàn cầu.
Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala (Ng.Ô.I-oe-la) khẳng định, ưu tiên hàng đầu của WTO trong thời gian tới sẽ là giải quyết vấn đề mất an ninh lương thực và tìm cách cung cấp thực phẩm cho các nhóm dân cư nghèo nhất thế giới. Theo bà Okonjo-Iweala, viễn cảnh của việc không có đủ thức ăn là điều đáng lo ngại. Tại Hội nghị cấp cao Lương thực toàn cầu do Mỹ triệu tập bên lề Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York gần đây, các nhà lãnh đạo nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế một lần nữa khẳng định cam kết cùng hành động khẩn cấp và trên quy mô lớn đối với cuộc khủng hoảng lương thực và nạn đói cùng cực của hàng triệu người trên toàn thế giới.
Hỗ trợ tài chính quốc tế cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất cũng đang tăng lên từ nhiều sáng kiến khác nhau. Ngân hàng Thế giới (WB) đang thực hiện chương trình trị giá 30 tỷ USD để ứng phó cuộc khủng hoảng an ninh lương thực. FAO đã đề xuất xây dựng quỹ tài trợ nhập khẩu lương thực nhằm hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương về kinh tế tiếp cận nguồn tín dụng để đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp cũng như đầu tư vào các hệ thống sản xuất lương thực nội địa bền vững.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để duy trì động lực và xây dựng khả năng phục hồi cho tương lai đòi hỏi nỗ lực phối hợp toàn diện liên tục nhằm hỗ trợ sản xuất và thương mại hiệu quả, cải thiện tính minh bạch, đẩy nhanh đổi mới và lập kế hoạch chung, đầu tư vào chuyển đổi hệ thống lương thực.
Mặc dù giá lương thực toàn cầu có giảm và việc xuất khẩu ngũ cốc từ Biển Đen được nối lại, nhưng thực phẩm vẫn nằm ngoài tầm với của nhiều người do giá cao và các cú sốc thời tiết. Số người phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng trên toàn thế giới dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Việc các tổ chức quốc tế tiếp tục bắt tay hợp tác để giải quyết nhu cầu dinh dưỡng và an ninh lương thực tức thời, xây dựng khả năng phục hồi của các quốc gia để ngăn ngừa và giảm tác động của các cuộc khủng hoảng trong tương lai đem lại hy vọng có thể giúp cho nhiều nước tránh được thảm họa nhân đạo đang tiềm tàng, tiến tới bảo đảm an ninh lương thực bền vững.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/co-che-chong-soc-luong-thuc-post718154.html