Cơ chế chưa phù hợp thì Tp.HCM làm sao để tiết kiệm, chống lãng phí?
Việc tháo bung các nguồn lực tăng trưởng đồng nghĩa với không lãng phí thời cơ phát triển, đồng thời tiết kiệm được thời gian trên con đường đến thịnh vượng.
Quốc hội dành cả ngày 31/10 để thảo luận tại hội trường về thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.
“Tháo bung” các nguồn lực tăng trưởng
Tại phiên thảo luận buổi sáng, đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) cho rằng, nếu chỉ đơn thuần đối chiếu, soi rọi các định mức, tiêu chuẩn có phù hợp quy định hay không thì có thể chưa đủ, bởi có những lãng phí vô hình mà chính sách, pháp luật chưa đề cập và khó mà đo đếm được.
Theo ông Nhân, báo cáo giám sát nêu nhiều đơn vị tùy tiện, thiếu trách nhiệm trong việc giao chỉ tiêu biên chế và tiếp nhận sử dụng biên chế sai quy định, vượt thẩm quyền là chưa lấy thực tế làm thước đo, đặc biệt ở các tỉnh, thành có kinh tế phát triển.
"Việc bổ đồng biên chế mà không tính đến quy mô dân số, quy mô kinh tế phải chăng đã làm cho cán bộ, công chức ba năm chưa được nghỉ phép, không có ngày nghỉ, như lời tâm sự của một lãnh đạo phường trên địa bàn Tp.HCM", ông Nhân nói, dẫn chứng dù sau 7 năm đại phẫu biên chế, nhưng Tp.HCM còn dôi dư 5.700 công chức, viên chức và là địa phương xếp thứ tư sau Bình Dương, Tiền Giang, Nam Định có tỉ lệ người dân trên cán bộ cao nhất nước.
Vị đại biểu nhấn mạnh, điều đáng nói là 5.700 người dôi dư, chưa được công nhận này đã cùng hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp thành phố đóng góp gần 30% ngân sách quốc gia, hơn 20% GDP cả nước nhiều năm qua.
Vì vậy, ông nêu loạt băn khoăn: "Liệu chúng ta đã thực sự đồng cảm với những khó khăn của Tp.HCM và các địa phương phát triển hay chưa? Và với cơ chế chưa phù hợp thì Tp.HCM và các địa phương phát triển phải làm sao để tiết kiệm, chống lãng phí?"
Ông cho biết, Bình Dương đang rất cần nguồn nhân lực tài chính để xây dựng khung chiến lược mới, nâng cấp hệ sinh thái cho cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức không gian phát triển. Nhưng câu hỏi đầu tiên mà các nhà tư vấn đặt ra là tìm nguồn lực tài chính ở đâu, khi tỉ lệ ngân sách điều tiết được giữ lại từ 40% xuống 36%, nay chỉ còn 33%.
Hay như cả nước hiện có gần 1.200 km đường cao tốc, nhưng Đông Nam Bộ - vùng kinh tế động lực quan trọng của quốc gia chỉ mới có 122 km.
Ông nói rằng, cơ chế, chính sách chưa phù hợp cộng với đầu tư chưa tương xứng tiềm năng đã làm cho Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cạn dần nguồn lực, động lực để tăng trưởng thì hình thức lãng phí cơ hội tăng trưởng này có cần phải được nhận diện hay không?.
"Việc chậm ban hành cơ chế, chính sách khiến lãng phí cơ hội phát triển thì sự lãng phí này lớn gấp nhiều lần con số có thể định lượng, thậm chí kéo lùi sự phát triển", vị đại biểu tỉnh Bình Dương nói, đề nghị sớm xây dựng chính sách đặc thù cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vì tháo bung các nguồn lực tăng trưởng cũng đồng nghĩa với không lãng phí thời cơ phát triển, đồng thời tiết kiệm được thời gian trên con đường đến thịnh vượng.
Lãng phí nguồn lực là lãng phí lớn nhất
Cùng chung lo lắng về lãng phí nguồn nhân lực, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) nêu thực trạng Việt Nam đang thời kỳ dân số vàng, lực lượng lao động hùng hậu với 51 triệu người, nhưng chất lượng chưa cao. Tỉ lệ lao động mới đạt 67%; có văn bằng chứng chỉ 27%.
"Nếu không có chính sách tận dụng thời cơ, phát huy thế mạnh dân số vàng thì đây là lãng phí rất lớn, tác động tiêu cực về nhiều mặt, kéo dài qua nhiều thế hệ", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Do xuất phát điểm thấp, tốc độ tăng trưởng nhanh nên khoảng cách năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước trong khu vực vẫn còn rất xa.
Ông Nghĩa dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, năm 2020, năng suất lao động theo sức mua tương đương của Việt Nam chỉ bằng 9% của Singapore, 26% của Malaysia, 47% của Thái Lan và 69% của Philippines. Báo cáo năm 2020 của Tổ chức năng suất châu Á cũng cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam đi sau Thái Lan 10 năm, Malaysia 40 năm và Nhật bản là 60 năm.
Nếu không có giải pháp quyết liệt, năng suất lao động của Việt Nam sẽ bị tụt hậu xa hơn các quốc gia trong khu vực, nguy cơ lãng phí nguồn nhân lực của thời kỳ dân số vàng là hiện hữu. Số liệu của Liên đoàn Công nghiệp Việt Nam năm 2021 cho thấy, mỗi năm cả nước có 38% sinh viên ra trường không có định hướng nghề nghiệp cụ thể, 60% làm trái ngành.
Nghiên cứu công bố năm 2022 của Đại học Quốc gia Hà Nội cho thấy tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp các ngành công nghệ, kiến trúc, xây dựng làm trái ngành là 32%; tỉ lệ này ở các ngành nhân văn, nghệ thuật là 63%; nông lâm ngư và thú ý là 67%.
"Sinh viên dành từ 4 đến 6 năm học đại học cho một chuyên ngành nhưng sau đó một phần không nhỏ lại làm việc ở một lĩnh vực khác, đây là lãng phí cho bản thân sinh viên, gia đình, doanh nghiệp và xã hội", vị đại biểu tỉnh Lạng Sơn nói.
Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cũng nêu, chất lượng lao động là chìa khóa tăng năng suất lao động, điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đây cũng là một trong ba đột phá chiến lược kinh tế - xã hội.
Thời gian qua, nguồn nhân lực Việt Nam có bước tiến đáng trân trọng, nhưng năng suất lao động so với các nước trong khu vực còn khiêm tốn. Nếu không có giải pháp quyết liệt, tình trạng này sẽ gây lãng phí lớn.
"Sinh viên ra trường làm trái ngành, giáo viên nghỉ việc là hồi chuông báo động về lãng phí nhân lực ở môi trường giáo dục gia đình, doanh nghiệp, xã hội, thậm chí còn cho thấy lãng phí về niềm tin yêu với nghề nghiệp", ông Bình nói.