Cơ chế đặc thù không giải quyết triệt để các vấn đề trong thực tiễn

PGS-TS. Phan Thị Bích Nguyệt (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng: Cần nghị quyết tạo ra một 'cú huých' mạnh hơn để giúp TP.HCM thoát khỏi vòng luẩn quẩn 'đặc thù và luật hiện hành'.

PGS-TS. Phan Thị Bích Nguyệt. Ảnh: CTV

PGS-TS. Phan Thị Bích Nguyệt. Ảnh: CTV

Nhìn chung, các đề xuất về cơ chế tài chính ngân sách và đầu tư cho TP.HCM trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 (NQ54) vẫn theo tính sự vụ. Theo tôi, nghị quyết hiện tại vẫn phù hợp, những nội dung mà chúng ta cần là những đề xuất mang tính hệ thống nhằm đáp ứng tính cấp thiết để đẩy mạnh tăng trưởng của TP.HCM.

Mặt khác, cần có một nghị quyết mang tính thực thi cao nhất, đủ mạnh và có thể giải quyết được chuyện “vướng luật”, do trong công tác điều hành thì vấn đề thượng tôn pháp luật vẫn là tiên quyết.

Việc làm sao để TP.HCM phát triển nhanh, mạnh được Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm vì đây là vùng kinh tế động lực của phía Nam. Do vậy, tôi thiết nghĩ hiện nay cần phải có thêm một “cú huých” mạnh hơn về chính sách mang tính hệ thống để thực hiện các chiến lược phát triển một cách bền vững, và chiến lược đó phải có tính hệ thống, thể hiện mục đích cụ thể và một quyết tâm mạnh mẽ. Cơ chế chính sách phải được thực hiện đồng bộ và giải quyết các vấn đề cũng cần mang tính đồng bộ trong chỉ đạo điều hành.

Có thể lấy những chuyện đơn giản về cơ chế đầu tư cho Thành phố. Chẳng hạn trong dự thảo nghị quyết mới cũng đề xuất cho phép HĐND quyết định một số vấn đề liên quan đến dự án được phân cấp nhưng vẫn phải tôn trọng Luật Đầu tư công, Luật Đất đai. Hay liên quan đến các cơ chế về thuế và các khoản thu lại vướng các luật thuế. Hồi mới có cơ chế đặc thù theo NQ54, chúng ta kỳ vọng thu được hàng nghìn tỷ đồng từ công tác cổ phần hóa nhưng trên thực tế hoàn toàn thu không được… Tất cả vướng vào một cái vòng luẩn quẩn “đặc thù và luật hiện hành” như thế, nên có thể thấy cơ chế đặc thù không giải quyết triệt để được hết các vấn đề trong thực tiễn.

Từ đó, tôi cũng có suy nghĩ khác một chút về tỷ lệ ngân sách để lại cho TP.HCM. Trước tiên, theo nguyên tắc cân đối trong tổng thu và chi, nhưng quan trọng nhất là phải tạo điều kiện để thúc đẩy gia tăng nguồn thu từ nội lực của Thành phố. Con số 18% hay 22% không quan trọng bằng việc huy động được một nguồn lực đủ lớn để tạo động lực đầu tư cho phát triển kinh tế TP.HCM. Khi góp ý cho NQ54, chúng tôi cũng đã phân tích rất nhiều và thấy Thành phố đang chịu một áp lực về nền tảng cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, giao thông, cảng biển... Dự thảo nghị quyết mới nên xây dựng dưới góc nhìn như vậy.

Tôi đồng ý với quan điểm của PGS-TS. Nguyễn Văn Trình (nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) trong phát biểu trên Người Đô Thị số trước, về đề xuất quy định rõ khoản thu nào TP.HCM thu hộ Trung ương, khoản thu nào TP.HCM thu và giữ lại cho mình. Theo tôi, đề xuất đấy đúng vì bảo đảm rạch ròi, minh bạch, dễ kiểm soát và quan trọng là dễ tạo động lực.

Quốc Ngọc ghi

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/co-che-dac-thu-khong-giai-quyet-triet-de-cac-van-de-trong-thuc-tien-39338.html