Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon: Bài 1: Nỗ lực thích ứng
Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (còn gọi là tín chỉ carbon) do châu Âu đưa ra đối với các ngành hàng nhập khẩu vào thị trường châu Âu, là tiếng chuông báo hiệu doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu phải tuân theo tiêu chí bảo vệ môi trường sống toàn cầu. Đây không đơn thuần là tiêu chí của riêng châu Âu mà sẽ là tiêu chí tiêu thụ hàng hóa của nhiều thị trường khác, nhất là thị trường 'khó tính'. Chính vì vậy, để có thể bước đi trên con đường sản xuất và xuất khẩu như thời gian qua, doanh nghiệp Việt Nam bắt buộc phải tuân thủ cơ chế tín chỉ carbon này.
Bài 1: Nỗ lực thích ứng
Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon bắt đầu áp dụng vào tháng 10/2023, có hiệu lực từ toàn diện vào năm 2026 đã đặt toàn bộ ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam lên đường ray tăng tốc để tiếp tục con đường giao thương. Dù muốn hay không, mỗi doanh nghiệp tham gia vào thị trường quốc tế đều phải chấp hành. Tốc độ thích ứng nay nhanh hay chậm, tùy thuộc vào mục tiêu phát triển của từng doanh nghiệp.
Song song nhiều tiêu chí
Các ngành hàng của Việt Nam, nhất là mặt hàng nông sản được xuất khẩu ra thị trường thế giới vốn đã phải đáp ứng nhiều tiêu chí về an toàn thực phẩm và an toàn môi trường trong quá trình sản xuất. Với các hệ thống kiểm tra nghiêm ngặt hiện nay, việc thiếu sót bất kì một tiêu chí nào điều gây ra hệ lụy lớn với mỗi chuyến hàng nói riêng, gây tai tiếng cho ngành hàng nói chung. Vì vậy, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu Việt Nam bắt buộc phải đáp ứng tỉ mỉ và song song các tiêu chí tiêu dùng của khách hàng.
Theo ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), ngành chế biến gỗ vốn đã phải tuân thủ yêu cầu về gỗ nguyên liệu phải có chứng nhận FSC (quản lý rừng có trách nhiệm) mới được nhập khẩu vào châu Âu và Mỹ. Hiện nay, thị trường quốc tế lại thêm yêu cầu về hàm lượng carbon trong sản phẩm gỗ, bắt buộc doanh nghiệp phải thực thi nếu còn tiếp tục tham gia vào sân chơi thế giới.
Dù hiện nay nhiều doanh nghiệp ngành chế biến và xuất khẩu gỗ chưa biết phải bắt đầu từ đâu, đo đếm hàm lượng như thế nào, và các thiết bị đáp ứng các yêu cầu kiểm tra đo đếm này là gì, đều là những câu hỏi cần được giải đáp để cho doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ tiến hành thực hiện tiêu chí này.
Mặc dù khởi đầu nhiều khó khăn, nhưng cộng đồng doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ đồng loạt hướng đến giải pháp học hỏi doanh nghiệp gỗ đã phát triển số hóa và chuyển đổi xanh để từng bước hòa nhập vào cơ chế điều chỉnh biến giới carbon.
Ngành chế biến và xuất khẩu gỗ có nhiều phân ngành nhỏ đi vào nhiều phân khúc thị trường khác nhau; trong đó, có phân khúc gỗ dán, gỗ nén, viên nén… Ông Trịnh Xuân Dương, Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ, Phó Chủ tịch Chi hội gỗ dán cho biết, có một số doanh nghiệp gỗ dán tiến vào thị trường châu Âu, bắt buộc phải đáp ứng tiêu chí sử dụng nguồn gỗ có chứng chỉ FSC.
Tuy nhiên, nguồn gỗ có chứng chỉ FSC này không nhiều, hiện nay các doanh nghiệp phải thực hiện song song thêm 1 tiêu chí mới có thể tiếp tục hành trình phát triển của doanh nghiệp. Bởi, đây là vấn đề sống còn của doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu.
Không những vậy, các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, cơ chế điều chỉnh biến giới carbon không chỉ giới hạn ở một khu vực mà còn có thể mở rộng trên phạm vi toàn cầu, tại bất kì quốc gia nào hướng đến bảo vệ môi trường sống của nhân loại.
Xanh để phát triển
Xu hướng xanh và giảm phát thải, điều chỉnh biên giới carbon trong tiêu dùng vốn đã tồn tại lan rộng từ châu Âu sang các thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản, Australia… thông qua chương trình phòng vệ thương mại, các loại thuế chống bán phá giá hoặc thuế bảo vệ môi trường.
Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), các quốc gia đang dần khuyến khích người người hướng đến tiêu dùng xanh và chỉ rõ mặt lợi ích của nó, đào tạo người tiêu dùng ngày càng thông minh và khó tính hơn vì lợi ích chung của nhân loại.
Chính vì thế, xu thế tiêu dùng xanh đã lan rộng ra nhiều thị trường, chứ không còn là yêu cầu của thị trường châu Âu. Mỗi sản phẩm vào thị trường phải tính toán toàn bộ chi phí sản xuất, bao gồm chi phí phát thải. Trong trường hợp sản phẩm không đảm bảo yêu cầu thì người sản xuất phải đóng thuế, thuế ở đây chính là thuế carbon.
Trong trường hợp khác, thị trường nhập khẩu yêu cầu doanh nghiệp mua các chứng nhận khử carbon để bù trừ lượng carbon mà doanh nghiệp đã phát thải. Như vậy, châu Âu chỉ là khu vực thương mại đầu tiên trên thế giới áp giá carbon đối với hàng hóa nhập khẩu, không phải là nơi duy nhất, cũng không áp dụng cho một ngành hàng nào đó. Vì vậy, sản xuất xanh và tiêu dùng xanh mới là mục tiêu phát triển của nhiều doanh nghiệp.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai, chuyên gia kinh tế nhận xét, ngành gỗ đã triệt để tuân thủ các yêu cầu truy xuất nguồn gốc của FSC, VPA/FLEGT, LACEY ACT… từ khá lâu. May mắn hơn nữa là chuỗi cung ứng ấy bắt đầu từ việc trồng rừng, góp phần giữ màu xanh cho môi sinh. Lượng gỗ rừng trồng cung ứng cho gần 50% nhu cầu nguyên liệu. Tất cả những điều này là mở đường cho ngành gỗ bước chân vào thị trường tín chỉ carbon tốt hơn.
Vừa qua, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) thống kê, lượng phát thải toàn cầu vào khoảng 58 tỷ tấn CO2 trong năm 2022, trái đất dự kiến sẽ nóng lên 3,2 độ C trong thế kỷ này, gây tác động xấu đến mọi lĩnh vực trong đời sống. Do đó, thích ứng các tiêu chí bảo vệ môi trường trong sản xuất là tất yếu.
Trước sự phát triển hiện nay, “xanh” và “số hóa” là 2 yếu tố tiên quyết để quyết định doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh trong cùng ngành hàng và với các khách hàng thế giới. Các chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận, nếu như trước đây theo đuổi "tính xanh" là sự đánh đổi chi phí, bây giờ xanh là để bảo vệ sức cạnh tranh, cơ hội duy trì sản xuất, bán hàng ra quốc tế. Những vấn đề mà khách hàng quan tâm buộc doanh nghiệp phải tìm cách để đáp ứng bên cạnh giá cả, chất lượng, mẫu mã, việc đáp ứng yêu cầu giảm phát thải là cách mà doanh nghiệp đang phải thực hiện.