Cơ chế một cửa là một điển hình thành công trong quá trình số hóa của Hải quan ASEAN
Trong khuôn khổ Diễn đàn Công cộng Tổ chức thương mại thế giới 2024, Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) đã dành một phiên thảo luận về các vấn đề trọng tâm như: ứng dụng công nghệ số trong cơ quan hải quan, hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, nâng cao hiệu quả của Cơ chế một cửa và Chương trình Doanh nghiệp ưu tiên.
Cơ chế một cửa sẽ mang lại những lợi ích to lớn
Phiên thảo luận do WCO tổ chức với chủ đề “Tận dụng số hóa trong cơ quan hải quan để thúc đẩy thương mại bao trùm” bao gồm các diễn giả từ các cơ quan hải quan, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và khu vực tư nhân.
Tại đây, ông Ian Saunders - Tổng Thư ký WCO đã bắt đầu bằng cách nhấn mạnh một số công cụ của WCO hỗ trợ các cơ quan hải quan trong lĩnh vực số hóa. Những công cụ này bao gồm Công ước Kyoto được sửa đổi (RKC), Mô hình dữ liệu (DM) WCO, Cơ chế Một cửa, Quản lý biên giới phối hợp (CBM) và các công cụ khác, trong đó nhấn mạnh vai trò quan trọng của cơ quan hải quan trong việc tạo ra một môi trường thương mại công bằng hơn.
Người đứng đầu WCO cho rằng: Để đảm bảo rằng số hóa trở thành một chiến lược chiến thắng, các cơ quan hải quan phải đầu tư vào xây dựng năng lực, thúc đẩy hợp tác quốc tế và đón nhận đổi mới. Với sự hỗ trợ của WCO, Hải quan có thể nâng cao hiệu quả biên giới và đóng góp vào một môi trường thương mại toàn cầu an toàn và bao trùm.
Diễn đàn Công cộng WTO 2024 là một trong những sự kiện thường niên tiếp cận cộng đồng lớn nhất của Tổ chức. Diễn đàn năm nay đã thu hút hơn 4.000 đại biểu và 600 diễn giả. Với chủ đề “Tái toàn cầu hóa: Thương mại tốt hơn cho một thế giới tốt hơn”, sự kiện đã khám phá cách thức tận dụng quá trình tái toàn cầu hóa để mang lại lợi ích cho nhiều người hơn.
Việc mở rộng Cơ chế một cửa sẽ mang lại những lợi ích to lớn, góp phần tăng cường tính minh bạch, tính hiệu quả và tính dự báo được của các thủ tục hải quan. Điều này không chỉ có lợi cho cơ quan hải quan mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc hỗ trợ các đối tượng doanh nghiệp này, Tổ chức Hải quan thế giới, Tổ chức Thương mại thế giới và Phòng Thương mại quốc tế đã chung tay phát triển một tài liệu hướng dẫn nhằm giúp các cơ quan hải quan mở rộng quy mô và tiếp cận của các chương trình doanh nghiệp ưu tiên tới các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Sáng kiến này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc tạo ra một môi trường thương mại toàn cầu công bằng và bao trùm hơn.
Việc mở rộng các chương trình doanh nghiệp ưu tiên các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực, giúp các doanh nghiệp này giảm thiểu chi phí, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa và nâng cao uy tín trên thị trường quốc tế.
Đồng thời, việc chuẩn hóa các yêu cầu và thủ tục sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp này tiếp cận các nguồn tài chính và mở rộng thị trường.
Số hóa hải quan sẽ tăng cường liên kết vùng
Cũng tại phiên thảo luận, bà Angela Ellard - Phó Tổng Giám đốc WTO đã chia sẽ các sáng kiến số hóa của các nước thành viên WTO cũng như cách thức Tổ chức này hỗ trợ các nước thành viên vượt qua những thách thức trong hành trình hướng tới số hóa.
Theo vị này, số hóa là một phần rất quan trọng của việc thực hiện Hiệp định Tạo thuận Thương mại (TFA) và Ủy ban Tạo thuận Thương mại WTO và Cơ chế Thỏa thuận về tạo thuận lợi thương mại (TFA Facility) đóng một vai trò quan trọng trong việc chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ xây dựng năng lực cho các nước thành viên WTO về vấn đề này.
Một điểm nhấn khác của buổi thảo luận là việc hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Các đại biểu đã đặc biệt quan tâm đến vai trò của các nhóm làm việc không chính thức và hệ thống một cửa để nâng cao tính bao trùm của thương mại toàn cầu, cụ thể trong việc giúp các doanh nghiệp này tiếp cận các chương trình ưu đãi, nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Niti Wityatem - Phó Tổng cục trưởng kiêm Giám đốc Công nghệ Thông tin (CIO) của Cơ quan Hải quan Thái Lan đã thảo luận về các dự án số hóa đang diễn ra của Hải quan Thái Lan. Một trong những thách thức chính trong quá trình này là việc thiếu các quy định trong nước, thiếu ngân sách và nhận thức của công chúng.
Ông Niti Wityatem lưu ý rằng chương trình doanh nghiệp ưu tiên của Hải quan Thái Lan được phát triển dựa trên các tiêu chuẩn của WCO vào năm 2011 và cho phép tất cả các công ty với mọi quy mô, bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia.
Lãnh đạo của Hải quan Thái Lan chia sẽ việc số hóa các thủ tục hải quan thông qua việc triển khai Cơ chế Một cửa ASEAN, đặc biệt là việc chia sẻ trực tuyến các chứng nhận xuất xứ hàng hóa giữa 10 nước thành viên ASEAN, đã trở thành một điển hình thành công trong quá trình số hóa của ASEAN, góp phần tạo thuận lợi cho thương mại và tăng cường liên kết kinh tế trong khu vực.
Tại phiên thảo luận năm nay, bà Valerie Picard - Trưởng bộ phận Thương mại của Phòng Thương mại quốc tế (ICC) chia sẻ về tầm quan trọng của việc chuẩn hóa các yêu cầu dữ liệu trong quá trình số hóa hải quan, đặc biệt là để hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Bà cũng nhấn mạnh vai trò của Sáng kiến tiêu chuẩn số (DSI) trong việc thúc đẩy quá trình này. Việc hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư nhân, cùng với việc nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về các chương trình ưu đãi, sẽ giúp tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, đặc biệt là cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa./.