Cơ chế mua bán điện trực tiếp chờ nghị định

Bộ Công thương đề xuất Thủ tướng ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp theo hình thức nghị định của Chính phủ để đảm bảo tính pháp lý triển khai.

Việc mua bán điện trực tiếp không qua lưới quốc gia đã đủ cơ sở pháp lý thực hiện. Ảnh: Hoàng Anh

Việc mua bán điện trực tiếp không qua lưới quốc gia đã đủ cơ sở pháp lý thực hiện. Ảnh: Hoàng Anh

Bộ Công thương vừa đưa ra cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa các đơn vị phát năng lượng tái tạo với khách hàng dùng điện lớn (DPPA) sau khi có sự đốc thúc hoàn thiện từ Chính phủ.

Cơ chế này được đưa ra sau cuộc khảo sát của tư vấn quốc tế cho thấy có 24 dự án điện gió và điện mặt trời với công suất 1.773 MW muốn tham gia thí điểm cơ chế DDPA.

Báo cáo tới Thủ tướng, Bộ Công thương cho biết, đối với trường hợp mua bán điện không thông qua lưới quốc gia mà qua đường dây riêng, các quy định pháp luật hiện hành đã được điều chỉnh đầy đủ để triển khai.

Ngược lại, với phương án mua bán điện thông qua lưới điện quốc gia, vướng mắc liên quan đến cơ sở pháp lý vẫn chờ tháo gỡ, xử lý để triển khai.

Cụ thể, cơ quan này cho rằng cần phải hiệu chỉnh ban hành bổ sung các quy định pháp lý hướng dẫn về tính toán giá phân phối điện, giá điều độ vận hành hệ thống điện và giá điều hành giao dịch thị trường lực cũng như giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện và các chi phí thanh toán khác.

Ngoài ra cũng cần điều chỉnh các hợp đồng mua bán điện mẫu giữa đơn vị phát điện và khách hàng lớn, giữa đơn vị phát diện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia.

Việc xây dựng và ban hành các loại văn bản này là điều kiện tiên quyết để đảm bảo giá bán lẻ cho từng khách hàng lớn phản ánh đúng và đầy đủ các chi phí, tránh gây thất thoát tài sản của nhà nước và đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các khách hàng khác.

Do đó, thời gian áp dụng mô hình phụ thuộc vào tiến độ xây dựng, sửa đổi và hiệu lực các văn bản này.

Hiện tại, các quy định về “giá phân phối điện”, “giá điều độ vận hành hệ thống điện và giá điều hành giao dịch thị trường điện lực” đã được Bộ Công thương phối hợp Bộ Tài chính kiến nghị bổ sung vào Luật Giá và đã được Quốc hội thông qua hồi tháng 6 vừa qua và có hiệu lực từ 1/7/2024.

Từ đây, để đảm bảo cơ sở pháp lý, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo ban hành văn bản hướng dẫn triển khai cơ chế theo quy định hiện hành.

Theo đó, bộ đưa ra hai phương án về hình thức ban hành cơ chế DPPA.

Phương án thứ nhất là tính tới đưa quy định về cơ chế DPPA vào Luật Điện lực. Tuy nhiên, việc triển khai cơ chế DPPA sẽ phụ thuộc vào thời hạn ban hành và hiệu lực thi hành của Luật Điện lực sửa đổi. Hiện luật này đang trong quá trình đề xuất sửa đổi, dự kiến ban hành năm 2025, hiệu lực năm 2026.

Phương án còn lại là thực hiện quy định tại điều 70 Luật Điện lực, bộ kiến nghị Chính phủ ban hành nghị định quy định thực hiện cơ chế DPPA.

Trường hợp Điều 70 Luật Điện lực không đáp ứng là căn cứ để ban hành nghị định của Chính phủ, có thể cân nhắc báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét, ban hành nghị quyết về việc giao Chính phủ thực hiện nhiệm vụ này theo quy định Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Sau khi tiếp thu các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương đề xuất Thủ tướng xem xét quyết định ban hành cơ chế DPPA theo hình thức nghị định của Chính phủ.

Bộ Công thương cho biết đã làm việc với đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 để đề nghị đưa vào nghị quyết nội dung giao Chính phủ quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng lớn.

Đồng pha với điều chỉnh giá điện 3 tháng 1 lần

Như TheLEADER thông tin, Bộ Công thương vừa luận giải việc điều chỉnh giá điện 3 tháng 1 lần. Theo đó, việc rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện tối thiểu 3 tháng một lần sẽ đảm bảo chi phí không bị dồn tích quá nhiều, có thể gây ảnh hưởng đến cân bằng tài chính của EVN.

Đề xuất này, nếu được thông qua và áp dụng, đồng nghĩa với việc sửa đổi một phần Quyết định 24/2017 của Thủ tướng.

Một trong những điểm khác biệt đáng chú ý của báo cáo của Bộ Công thương vừa gửi Thủ tướng so với nội dung hồi giữa tháng 9, là Quyết định 24/2017 của Thủ tướng đặt trong vấn đề mua bán điện và thanh toán giữa khách hàng và đơn vị bán lẻ điện.

Cụ thể, nêu trong dự thảo nghị định gửi kèm theo báo cáo mới nhất tới Thủ tướng, Bộ Công thương xác định hai bên sẽ mua bán theo giá điện phản ánh đúng và đầy đủ theo các khoản phí trên thị trường điện giao ngay cộng với các loại giá dịch vụ, trong đó có giá truyền tải điện, giá phân phối điện, giá điều độ vận hành hệ thống điện.

Còn trong báo cáo gửi Thủ tướng hồi tháng 9, Bộ Công thương xác định, bên bán cung cấp điện cho khách hàng theo giá bán lẻ điện quy định tại Quyết định 24/2017 của Thủ tướng và Quyết định 28/2014 quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Phương thức này được áp dụng trong thời gian “chờ” Luật Giá và các văn bản hướng dẫn liên quan có hiệu lực. Sau đó, phương án giá điện mua bán được áp dụng tương tự như trong dự thảo nghị định về DPPA do Bộ Công thương vừa trình mới nhất.

Nguyễn Cảnh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/co-che-mua-ban-dien-truc-tiep-cho-nghi-dinh-1698471348361.htm